.jpg)
Sản xuất hoa kiểng theo hướng công nghệ cao tại Khu UDCNSH Cái Mơn.
Đây là nơi tiếp cận, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học mới, làm chủ một số công nghệ hiện đại phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng hiệu quả và bền vững của tỉnh, đặc biệt là sản phẩm đặc thù cây giống, hoa kiểng Chợ Lách.
Nhiều công trình hiệu quả trong nông nghiệp
Từ khi Khu UDCNSH Cái Mơn đi vào hoạt động, với các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học mới, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ kỹ thuật cơ sở, nông dân nâng cao năng lực nội sinh trong việc quản lý triển khai, ứng dụng, duy trì, nhân rộng mô hình tiến bộ kỹ thuật... đã giúp nông dân Chợ Lách dần đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao chất lượng hoa kiểng, cây giống. Nhiều mô hình cây giống, hoa kiểng công nghệ cao được hình thành, mở rộng và tạo được sức lan tỏa lớn.
Chỉ tính trong năm 2017, Khu UDCNSH Cái Mơn phối hợp tổ chức hơn 20 buổi hội thảo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho người dân sử dụng ứng dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất phân hữu cơ vi sinh, góp phần phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Ngoài ra, Trung tâm UDTBKH&CN Bến Tre đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện triển khai phương thức sản xuất phân hữu cơ quy mô hộ gia đình theo phương pháp sử dụng hệ thống thông khí Air systems pressure (ASP) giúp rút ngắn thời gian ủ khoảng 45 ngày, tỷ lệ hoai mục gần như hoàn toàn, có thể sản xuất với số lượng lớn. Ủ phân theo phương pháp ASP giúp giải quyết triệt để lượng phân và rác thải từ quá trình chăn nuôi (dê, heo, bò, gà) tránh gây ô nhiễm môi trường và rất tốt cho cây trồng. Kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu đều đạt các tiêu chuẩn về phân bón hữu cơ, đủ điều kiện sử dụng cho cây trồng và đảm bảo các tiêu chí thân thiện với môi trường.
Chuyển giao công nghệ
Năm 2017, Khu UDCNSH Cái Mơn đã chuyển giao công nghệ trồng cà chua bi trong nhà màng theo hướng công nghệ cao đạt năng suất 25 - 30 tấn/ha và công nghệ trồng rau sạch, an toàn không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học cho Trung tâm UDTBKH&CN Sóc Trăng; chuyển giao kỹ thuật sản xuất nấm Trichoderma cho Trung tâm UDTBKH&CN Tây Ninh; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng chuối cấy mô cho các đoàn viên trên địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo về UDCNSH trong nông nghiệp, các lớp đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lan, trồng các loại nấm, hoa kiểng cấy mô... cho người dân.
Khu đã triển khai Dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình nhân giống, sản xuất thương phẩm cây bưởi da xanh, cây cam trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 2017 - 2020 do Trung tâm UDTBKH&CN chủ trì. Mục tiêu của dự án là sử dụng kỹ thuật vi ghép mô phân sinh của đỉnh sinh trưởng để làm sạch bệnh cho giống, tạo ra cây đầu dòng sạch bệnh, đúng giống cung cấp cho người dân.
Về hoa kiểng, kỹ thuật cấy mô giống hoa kiểng được ứng dụng thành công, hoa cấy mô có nhiều ưu điểm vượt trội hơn như chất lượng giống cấy mô cao hơn, kích cỡ cây giống đồng đều, sức đề kháng của cây giống cũng cao hơn, sâu bệnh giảm đáng kể, nông dân có thể chủ động được lịch thời vụ... Đặc biệt, các loại hoa cấy mô đang rất được thị trường ưa chuộng như cúc đồng tiền, hoa chuông, cát tường... Vì vậy, việc đầu tư cải tạo dần chất lượng cây giống hoa kiểng nuôi cấy mô tại Chợ Lách là rất cần thiết trong tương lai. Các giống hoa triển vọng có tiềm năng kinh tế đang được Khu UDCNSH Cái Mơn nghiên cứu và cung cấp giống nuôi cấy mô cho các hộ dân trồng hoa tại Chợ Lách thử nghiệm.
Dự kiến trong thời gian tới, Khu UDCNSH Cái Mơn sẽ mở các lớp đào tạo cho nông dân trồng hoa, hỗ trợ các giống hoa chất lượng cao; chuyển giao kỹ thuật ươm, trồng, bảo quản, vận chuyển, hướng dẫn hệ thống phân phối và tiêu thụ cây giống, hoa kiểng. Hiện khu đang từng bước nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống đại trà các giống cây ăn quả và hoa kiểng nuôi cấy mô để phục vụ sản xuất của người dân tại Chợ Lách.
ThS. Đinh Cát Điềm (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bến Tre)