Xã hội hóa đầu tư phát triển giáo dục mầm non, kỳ I

Khuyến khích công tác xã hội hóa giáo dục mầm non

26/10/2020 - 06:46

BDK - Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh vừa tiến hành giám sát việc thực hiện Kế hoạch số 5742 của UBND tỉnh về xã hội hóa (XHH) đầu tư phát triển giáo dục mầm non (GDMN) giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Đoàn giám sát đã khảo sát thực tế 2 trường mầm non (MN) ngoài công lập (NCL) và 1 nhóm trẻ tư thục trên địa bàn huyện Châu Thành và TP. Bến Tre; làm việc với UBND huyện Châu Thành và TP. Bến Tre, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, giám sát qua báo cáo các huyện còn lại. Qua giám sát bước đầu ghi nhận một số kết quả, cũng như những bất cập cần được chấn chỉnh.

Các em Trường Mầm non Hoa Dừa (TP. Bến Tre). Ảnh: H. HIệp

Các em Trường Mầm non Hoa Dừa (TP. Bến Tre). Ảnh: H. HIệp

20 trường mầm non, mẫu giáo ngoài công lập

Theo giảng viên Trường Cao đẳng Bến Tre Nguyễn Thị Thanh Thảo - đại biểu HĐND tỉnh, thời gian qua, được sự quan tâm của các sở, ngành, nhiều dự án xây dựng trường MN đã được đầu tư và đi vào hoạt động. Giai đoạn 2017 cho đến nay đã có 11 dự án đầu tư trường MN; phát triển thêm 31 nhóm trẻ tư thục độc lập, trong đó có 7 dự án đi vào hoạt động, 4 dự án được UBND tỉnh giao đất theo chính sách khuyến khích XHH trong tổng số dự án. Thông qua vai trò quản lý của ngành giáo dục, chất lượng các cơ sở MN NCL đã từng bước ổn định và ngày càng nâng cao. Các cơ sở GDMN NCL nhận giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi có thời gian giữ trẻ linh hoạt, phù hợp với công việc làm ca, thời vụ, tiện lợi cho việc đưa đón con của công nhân. Đồng thời, có mức học phí khá hợp lý, qua đó góp phần quan trọng vào công tác GDMN của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, công tác XHH GDMN còn gặp nhiều khó khăn. Một số dự án xây dựng trường MN NCL chưa triển khai thực hiện. Một số nội dung trong quy định các chính sách ưu đãi, khuyến khích XHH GDMN của UBND tỉnh không còn phù hợp với quy định của pháp luật, đội ngũ giáo viên không ổn định. Đề nghị Sở GD&ĐT báo cáo thực trạng về công tác XHH GDMN trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

Về nội dung này, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Luyến cho biết: Giai đoạn từ năm 2017 đến nay đã có 11 dự án đầu tư trường MN; phát triển thêm 31 nhóm trẻ tư thục độc lập, trong đó có 7 dự án đã đi vào hoạt động, nâng tổng số trường lớp NCL hiện có lên 20 trường (19 tư thục và 1 dân lập), 83 nhóm trẻ tư thục độc lập có giấy phép hoạt động, số trẻ học tại các trường, nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục là 6.538 học sinh, chiếm tỷ lệ 14,07% tổng số trẻ đến trường lớp. Trong số 20 trường MN, mẫu giáo NCL, loại hình đầu tư gồm 3 tổ chức tôn giáo, 2 tổ chức kinh tế, 1 tổ chức xã hội (SOS) và 14 cá nhân đầu tư, trong đó có 7 trường sử dụng đất do Nhà nước giao với tổng diện tích 30.734m2.

Thời gian qua, các địa phương chưa lập quỹ đất kêu gọi đầu tư theo kế hoạch. Một số dự án đầu tư xây dựng trường MN NCL không thể triển khai thực hiện được do việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định trên thực tế gặp nhiều khó khăn (cụ thể là việc chuyển đất cá nhân đứng tên sang doanh nghiệp khi làm thủ tục đầu tư, do chính sách ưu đãi đầu tư theo Quyết định số 04 của UBND tỉnh chỉ áp dụng cho doanh nghiệp). Một số nội dung trong quy định các chính sách ưu đãi, khuyến khích XHH GDMN của UBND tỉnh không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, từ đó ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh. Cụ thể là việc tận dụng cơ sở hiện có còn giá trị sử dụng để cho tổ chức, cá nhân thuê làm trường, nhóm lớp MN. Đội ngũ giáo viên, nhân viên một số trường MN NCL không ổn định, thiếu 151 giáo viên ở các cơ sở MN NCL, tập trung nhiều ở các nhóm trẻ tư thục.

Thiếu giáo viên mầm non

 Sở GD&ĐT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện tốt Nghị định số 105/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy định chính sách phát triển GDMN nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển GDMN. Cụ thể là bố trí quỹ đất xây dựng cơ sở GDMN trong kế hoạch sử dụng đất đai của địa phương; công khai, công bố quỹ đất kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức. Hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất đối với cơ sở GDMN dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động. Các sở ngành liên quan có giải pháp sớm giải quyết các dự án đăng ký đầu tư nhưng chưa triển khai được: Dự án Trường MN Bé Ngoan, huyện Mỏ Cày Bắc; Dự án Trường MN Hoa Hồng, huyện Bình Đại; Dự án Trường MN Thiên Thần Nhỏ, huyện Châu Thành.

 Tình hình thiếu giáo viên trong các trường, nhóm lớp NCL cũng đang là vấn đề bức xúc. Hiện đội ngũ NCL có 685 người quản lý, giáo viên, người lao động, thiếu 151 giáo viên ở các cơ sở GDMN NCL, tập trung nhiều ở các nhóm trẻ tư thục. Nguyên nhân thiếu giáo viên do việc trả lương cho giáo viên, nhân viên tại các nhóm, lớp tư thục phụ thuộc vào mức thu học phí của từng nhóm và số lượng trẻ/nhóm (trong khi hiện có nhiều nhóm trẻ chỉ có từ 15 - 30 trẻ/nhóm), giáo viên MN còn có tâm lý so sánh trong việc thực hiện chính sách giữa trường công lập và NCL. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân thiếu nguồn giáo viên để tuyển dụng.

“Tuy nhiên, các nhóm, lớp thiếu giáo viên đều có nhân viên hỗ trợ, lực lượng này đều được bồi dưỡng chương trình dành cho người chăm sóc trẻ. Cho nên đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện tốt chính sách đối với người lao động trong hệ thống trường lớp NCL theo Nghị định số 105/NĐ-CP của Chính phủ. UBND tỉnh kiến nghị Bộ GD&ĐT tăng chỉ tiêu đào tạo giáo viên MN cho tỉnh nhằm đáp ứng số lượng giáo viên cần bổ sung hiện nay. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lợi cho người lao động trong các cơ sở giáo dục NCL”, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Luyến kiến nghị.

(còn tiếp)

Hữu Hiệp (ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN