Thích ứng an toàn trong phòng chống dịch covid-19, bài 1:

Kiểm soát hiệu quả để thực hiện “mục tiêu kép”

22/11/2021 - 06:09

BDK - Chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn trong đại dịch để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, toàn hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh đang tiếp tục đương đầu với thách thức mới khi số ca nhiễm đang tăng nhanh trong cộng đồng.

Thường xuyên test nhanh tầm soát SARS-CoV-2 để góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ảnh: Phan Hân

Thường xuyên test nhanh tầm soát SARS-CoV-2 để góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Ảnh: Phan Hân

Nguy cơ lây lan

Hơn 1 tháng đầu tiên thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, số ca mắc cộng đồng tăng nhanh và đang có xu hướng gia tăng ở hầu hết các huyện, thành phố. Trong tuần 46, tỉnh ghi nhận 898 ca/tuần, tăng 76,4% so với tuần trước (509 ca). Tính đến ngày 20-11-2021, toàn tỉnh có 8 huyện, thành phố có mức độ dịch cấp 2; riêng huyện Châu Thành cấp độ 3; cấp xã, phường có 16 đơn vị cấp 4, 34 đơn vị cấp 3, 89 đơn vị cấp 2 và 18 đơn vị cấp 1.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Nguyễn Hữu Định cho biết: Mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng. Nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư đông như: khu công nghiệp, các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh diện rộng.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 (BCĐ) tỉnh, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch, sẽ ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, tác động đến tư tưởng, tâm trạng của người dân. Dựa vào tốc độ lây lan của dịch, nếu ca mắc trong cộng đồng tiếp tục gia tăng thì tỉnh phải nâng mức độ dịch lên cấp độ 3 và sẽ áp dụng các quy định kiểm soát, phòng dịch phù hợp với cấp độ này.

Tình hình tiêm chủng vắc-xin đã đạt được những kết quả bước đầu. Tính đến cuối ngày 21-11-2021, toàn tỉnh có trên 1,576 triệu người đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Tỷ lệ bao phủ vắc-xin đạt 101,04% dân số trên 18 tuổi, trong đó có 60,06% dân số tiêm đủ 2 mũi. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam - Phó trưởng ban Thường trực BCĐ tỉnh cho rằng: Vắc-xin chính là giải pháp căn cơ để phòng chống dịch Covid-19. Do đó, các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường tiêm chủng đảm bảo phủ mũi 1 cho dân số trong độ tuổi, đồng thời, tiến hành nâng mũi 2 để tạo hiệu quả miễn dịch cộng đồng. Ngành y tế tiếp tục đề xuất Bộ Y tế sớm phân bổ vắc-xin tiêm cho trẻ em trong tỉnh.

Nhận thức của người dân

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam khẳng định: Phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế vẫn là 2 mục tiêu chính phải thực hiện trong thời gian tới. Tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tăng tần suất test nhanh tầm soát để sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Ảnh: P. Hân

Tăng tần suất test nhanh tầm soát để sớm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Ảnh: P. Hân

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, công tác phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Từng đơn vị, địa phương phải nhận thức điều này và tập trung thực hiện song song 2 nhiệm vụ, không được bỏ nhiệm vụ nào. Các ngành, các địa phương nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống dịch Covid-19 theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt.

Trước những diễn biến mới của dịch bệnh, nhiệm vụ phòng chống dịch phải tập trung hơn nữa và linh hoạt thích ứng để thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”. “Trước tình hình thực tế của dịch bệnh, rất cần có sự hợp tác và ý thức trách nhiệm của mỗi đơn vị, doanh nghiệp và người dân để ngăn chặn, từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta không được phép chủ quan, lơ là khi dịch bệnh có thể còn rất phức tạp, với mức độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Thậm chí, nếu không ứng phó kịp thời thì có thể đe dọa thành quả phòng chống dịch”, Giám đốc Sở Y tế Ngô Văn Tán nêu.

Thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực hết mình của chính quyền, hệ thống y tế, ngành chức năng và người dân thì còn một bộ phận cá nhân, tổ chức thiếu ý thức nên đã vi phạm các quy định về phòng chống dịch. Dịch bệnh đã gây ra những tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, nền kinh tế của địa phương và đời sống của người dân. Những tổn thương đó buộc mỗi người phải thay đổi và thích ứng an toàn để lao động, hồi phục kinh tế.

Trong giai đoạn phòng chống dịch hiện nay, ý thức và sự đồng lòng, đồng thuận của toàn hệ thống chính trị và nhân dân chính là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định. Cẩn thận, không chủ quan với dịch bệnh nhưng cũng không quá tiêu cực, sợ hãi, khi chúng ta đã có những kết quả bước đầu từ việc bao phủ vắc-xin. Việc cần thiết hiện nay là từng người tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc “5K” và các khuyến cáo của ngành y tế.

Ngày 23-9-2021, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Mục tiêu chung là xác định lộ trình, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong từng giai đoạn phù hợp với bối cảnh và thực tiễn kiểm soát dịch Covid-19 của tỉnh. Đồng thời, phải đảm bảo nguyên tắc mở cửa dần nền kinh tế, đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng chống dịch và phục hồi, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội với phương châm “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để có điều kiện chống dịch”.

Phan Hân - Thanh Đồng - Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN