Xét nghiệm HIV do cộng đồng MSM thực hiện.
Đa dạng loại hình xét nghiệm
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã triển khai hoạt động tự xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng ưu tiên cho nhóm nguy cơ cao, còn gọi là “nhóm đích”. Người thuộc nhóm nguy cơ cao được đội ngũ đồng đẳng viên, tiếp cận viên tư vấn, cung cấp sinh phẩm và có thể tự xét nghiệm tại nhà, tại quán cà phê hoặc nhờ đồng đẳng viên, tiếp cận viên hỗ trợ xét nghiệm.
Tỉnh đã đa dạng hóa được các hình thức xét nghiệm HIV như: xét nghiệm cộng đồng, tự xét nghiệm HIV, xét nghiệm tại cơ sở y tế, phòng tư vấn xét nghiệm…, góp phần thực hiện mục tiêu 90-90-90. Quy trình xét nghiệm HIV, trả kết quả sớm, chuyển gửi điều trị trong vòng 24 giờ, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân tiếp cận điều trị ARV kịp thời, giúp giảm tỷ lệ tử vong và khả năng lây nhiễm ra cộng đồng.
Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông, tư vấn xét nghiệm, tự xét nghiệm tại cộng đồng nên số người được phát hiện trong những năm gần đây tăng so với các năm trước. Từ ngày 1-1 đến 30-10-2021, tổng số nhiễm HIV 286 ca, số chuyển AIDS 49, tử vong 41 ca. So với cùng kỳ năm 2020, số nhiễm HIV giảm 28 ca, số ca chuyển AIDS giảm 22 ca, tử vong giảm 4 ca. Tính từ năm 1993 đến nay, số nhiễm HIV 4.946 ca, chuyển AIDS 2.017 ca và tử vong 1.298 ca. Số ca nhiễm tập trung chủ yếu ở nhóm nam nghiện ma túy, phụ nữ bán dâm và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Các đối tượng này đang được quản lý bởi đồng đẳng viên, tiếp cận viên và lực lượng chức năng tại địa phương.
Ngoài ra, tỉnh đã triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP. Đây là một mô hình mới với chỉ tiêu đến năm 2022, có 293 người tham gia điều trị. Trong 2 năm 2020 và 2021, tại TP. Bến Tre có 7 khách hàng đang sử dụng dịch vụ điều trị PrEP. Đây là một biện pháp khá hữu hiệu để ngăn chặn lây nhiễm HIV qua đường tình dục hiện nay. Đặc biệt, rất phù hợp cho cộng đồng MSM hoặc những người có nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn.
Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được quan tâm thực hiện. Tư vấn xét nghiệm miễn phí cho 10.881 phụ nữ mang thai, trong đó phát hiện 9 ca dương tính. Điều trị dự phòng cho 19 ca, gồm: 9 ca mới, 10 ca đã điều trị ARV. Có 22 trẻ được dự phòng, xét nghiệm 15 trẻ, có 1 trẻ dương tính. Năm 2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh mua, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 853 người nhiễm HIV. Tổng số người nhiễm HIV điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế 89,1%. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện kế hoạch hành động tiến tới loại trừ nhiễm HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh.
Kiên định mục tiêu
HIV tiếp tục là một vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu lớn, cho đến nay đã cướp đi sinh mạng của 34,7 triệu người. Để đạt được các mục tiêu 95-95-95 toàn cầu mới do UNAIDS đề ra, các quốc gia cần nỗ lực gấp đôi để tránh gia tăng các ca nhiễm HIV do gián đoạn dịch vụ phòng chống HIV/AIDS trong Covid-19. Tại Việt Nam cũng như Bến Tre, cộng đồng chung tay kết thúc ngay dịch AIDS bằng những việc làm thiết thực. Để vượt qua thách thức của dịch HIV/AIDS, tỉnh kiên định mục tiêu phòng chống HIV/AIDS.
Với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tập thể cán bộ, nhân viên và bệnh nhân vẫn cố gắng duy trì điều trị đúng phác đồ cho các bệnh nhân, tránh tình trạng bỏ trị. Hiện tại, tỉnh có 1 cơ sở điều trị Methadone đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cơ sở đang tiếp nhận điều trị cho 243 bệnh nhân, số ca tham gia điều trị mới trong năm 2021 là 81.
Công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trên cơ sở các kết quả đạt được và tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, kéo dài, đây là một khó khăn không nhỏ cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Trong tình hình mới, song song với việc duy trì các biện pháp phòng chống HIV/AIDS như tư vấn xét nghiệm, điều trị Methadone…, ngành chuyên môn của tỉnh đang nghiên cứu và phát triển các biện pháp phòng chống HIV/AIDS qua mạng xã hội, nhất là các hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV trực tuyến, tại nhà, tư vấn và điều trị HIV trực tuyến thông qua điện thoại và mạng xã hội…
Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2021 đã được Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm lựa chọn, với chủ đề “Tăng cường phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19”. Mục tiêu chính là tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng chống HIV/AIDS, tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống, đảm bảo mọi người được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục, đặc biệt là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật