BDK - Nông trường Giao Điền nằm trên địa bàn xã An Điền, huyện Thạnh Phú do Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh quản lý, được quy hoạch là đất quốc phòng từ năm 1996. Để khai thác hiệu quả quỹ đất và tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, Bộ CHQS tỉnh đã ký hợp đồng cho 1 công ty và 38 cá nhân thuê đất để canh tác. Hợp đồng đã kết thúc từ năm 2019, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều cá nhân không đồng ý thanh lý hợp đồng, giao trả lại đất. Hành vi này đã gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương và bức xúc trong nhân dân.
Cán bộ Thi hành án dân sự trao đổi với ông Trịnh Văn Trước trong quá trình tháo dỡ, di dời tài sản.
Trước giải phóng, vùng đất này là căn cứ cách mạng. Sau ngày 30-4-1975, UBND tỉnh giao Bộ CHQS tỉnh quản lý, khai thác bảo vệ với tên gọi là nông trường Giao Điền, tọa lạc tại ấp Giang Hà, xã An Điền, huyện Thạnh Phú với diện tích gần 550ha. Tiểu đoàn 263 được phân công trực tiếp quản lý với mục đích phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho lực lượng vũ trang tỉnh. Đến năm 1990, Bộ CHQS tỉnh hợp tác với một số tổ chức, cá nhân thuộc hai huyện Ba Tri và Thạnh Phú để nuôi tôm quảng canh.
Năm 2005, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục hợp đồng với 1 doanh nghiệp và 38 hộ dân để nuôi trồng thủy sản trên khu đất này, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Đến năm 2019, Bộ CHQS tỉnh không gia hạn hợp đồng, đồng thời thông báo thanh lý hợp đồng để sử dụng đất đúng mục đích theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, chỉ có 8/39 cá nhân và doanh nghiệp đồng ý thanh lý hợp đồng.
Tháng 9-2023, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thạnh Phú mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp theo đơn khởi kiện của Bộ CHQS tỉnh, với bản án buộc các hộ thuê phải tự tháo dỡ, di dời tài sản để trả lại toàn bộ diện tích đất nhưng chỉ có 1 trường hợp tự nguyện bàn giao. 30 hộ còn lại không đồng ý với bản án sơ thẩm của TAND huyện Thạnh Phú, tiếp tục làm đơn kháng cáo lên TAND tỉnh và đi Trung ương khiếu kiện. Một số trường hợp còn có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội nhằm phục vụ lợi ích cá nhân. Đến khi TAND tỉnh ra bản án phúc thẩm buộc các hộ thuê đất phải giao trả lại đất cho Bộ CHQS tỉnh thì các hộ này vẫn không chấp nhận và tiếp tục kháng nghị lên Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh theo thủ tục giám đốc thẩm. Sau khi xem xét đơn đề nghị và hồ sơ vụ án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao đã ra thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và quyết định phúc thẩm theo đơn đề nghị của các hộ thuê đất.
Hành động này của những hộ thuê đất đã gây bức xúc trong nhân dân. Ông Lê Minh Tiến, 80 tuổi, người sinh ra và lớn lên tại xã An Điền, huyện Thạnh Phú cho biết: “Nông trường Giao Điền do bộ đội khai phá và trực tiếp quản lý, sau đó mới hợp đồng với một số người dân và doanh nghiệp thuê để nuôi thủy sản. Theo tôi đánh giá thì những người thuê đất tại đây để canh tác đã thu lợi gấp hàng chục lần vì chi phí phải trả rất ít mà nguồn lợi thu được rất lớn”.
Bức xúc với hành vi của những người cố tình không giao trả đất, bà Nguyễn Thị Nhựt Linh, người dân xã An Điền bày tỏ quan điểm: “Theo tôi thì khi hết thời hạn hợp đồng thì hai bên tiến hành thanh lý hợp đồng và người thuê phải trả lại đất chứ không thể cố tình giữ lại. Quan điểm của tôi là không đồng tình với việc làm như vậy”.
Để thi hành bản án đã có hiệu lực của Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự đã ra quyết định cưỡng chế. Mặc dù vậy, các cơ quan chức năng vẫn tích cực tuyên truyền, vận động để các hộ tự nguyện bàn giao. Ngày 10-10-2024, ông Trịnh Văn Trước (sinh năm 1953) đã tự nguyện bàn giao phần đất có diện tích hơn 88ha theo Thông báo số 1717 ngày 3-10-2024 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thạnh Phú về việc cưỡng chế thi hành án.
Trong số những trường hợp không tự nguyện giao trả đất theo bản án đã có hiệu lực thi hành có hộ ông Nguyễn Văn Loan (sinh năm 1966) cũng đã tự nguyện giao đất. Sau đó, lực lượng chức năng hỗ trợ gia đình ông Loan tháo dỡ nhà và di dời tài sản.
Đến nay, sau hộ ông Trịnh Văn Trước và ông Nguyễn Văn Loan đã có thêm 4 hộ tự nguyện bàn giao. Ngoài ra, qua công tác tuyên truyền, vận động, 14 hộ khác đã đồng ý trả đất, hiện đang làm thủ tục bàn giao cho Bộ CHQS tỉnh.
Phó chủ tịch UBND xã An Điền, huyện Thạnh Phú Nguyễn Công Tạo cho biết: “Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương rất hoan nghênh những hộ đã đồng ý giao trả đất theo quyết định của Tòa án. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động để những hộ còn lại tự nguyện bàn giao, tránh việc phải thi hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật”.