Tờ rơi quảng cáo được treo trên hàng rào ven đường vào cầu Bà Mụ, phường Phú Khương, TP. Bến Tre. Ảnh: Cẩm Trúc
TDĐ là từ ngữ được dùng để chỉ các hoạt động cho vay không qua hệ thống tín dụng chính thức. Đặc trưng cơ bản nhất của TDĐ là cho vay với mức lãi suất cao và bị pháp luật nghiêm cấm. TDĐ thường diễn ra như những hoạt động ngầm, âm thầm, không ồn ào, nhưng hệ lụy của nó có thể làm “khuynh gia bại sản”, thậm chí có những tình huống siết nợ bạo lực, gây bất an cho xã hội. Đồng thời, TDĐ còn là nguyên nhân, điều kiện phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan như: cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật…
* Tình hình TDĐ trên địa bàn tỉnh diễn biến như thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ có xu hướng diễn biến phức tạp, không chỉ tập trung ở những khu vực có điều kiện kinh tế phát triển mà đã len lỏi đến các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa... Qua rà soát, hiện toàn tỉnh có hơn 400 đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến TDĐ; trong đó, có 75 nhóm với hơn 280 đối tượng; hơn 120 đối tượng hoạt động riêng lẻ, 9 công ty và 2 hộ kinh doanh. Các đối tượng hoạt động TDĐ thường dán, rải tờ rơi cho vay tiền tràn lan khắp nơi, thậm chí đến tận các “ngõ ngách” ở nông thôn, từ tường rào, cột điện, đến cả cổng rào nhà dân với đủ các loại kích cỡ khác nhau. Những tờ rơi này có in số điện thoại của người cho vay, bất cứ ai có nhu cầu vay tiền chỉ cần gọi vào số điện thoại được in trên các tờ rơi thì các đối tượng sẽ cho người đến đưa tiền và xác minh thông tin của người vay. Khi các “con nợ” không có khả năng trả nợ hoặc nợ quá hạn chưa trả thì đối tượng cho vay cho người đến siết nợ, đòi nợ, thậm chí truy sát, gây mất an ninh trật tự ở địa phương…
* Ngành có biện pháp ngăn chặn tình trạng trên như thế nào?
Trước tình hình trên, lực lượng chức năng đã phối hợp rà soát, nắm, quản lý chặt hoạt động của các đối tượng này; đồng thời, tiến hành mời gọi, giáo dục, răn đe, buộc cam kết không vi phạm pháp luật đối với 60 nhóm, 334 đối tượng; lập hồ sơ xử lý 38 đối tượng có liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng; làm việc 18 đối tượng có dấu hiệu đòi nợ thuê; phạt hành chính 23 đối tượng vi phạm các quy định về quảng cáo, số tiền 77,7 triệu đồng; tháo gỡ, thu gom gần 12 triệu tờ rơi quảng cáo cho vay...
Gần đây nhất, lực lượng chức năng Công an huyện Bình Đại và TP. Bến Tre đã phát hiện 3 trường hợp rải tờ rơi quảng cáo cho vay tiền không thế chấp, thu giữ 20 ngàn tờ rơi và một số tang vật khác.
* Những khó khăn trong công tác thụ lý, giải quyết những vụ việc liên quan đến TDĐ?
- Hoạt động vay, cho vay giữa các bên thường được thực hiện kín đáo, thủ tục đơn giản, lãi suất thường được thỏa thuận miệng, không có giấy tờ chứng minh hoặc được hợp thức hóa bằng giấy mượn tiền, hợp đồng cho vay với lãi suất rất thấp. Một số trường hợp, các đối tượng cho vay ràng buộc việc vay và trả nợ bằng hợp đồng chuyển nhượng tài sản có công chứng, khi người vay không trả hoặc trả không đúng hẹn thì đối tượng cho vay nộp hợp đồng vào các cơ quan chức năng để tiến hàng sang tên, đổi chủ sở hữu… Do đó, việc thu thập, củng cố chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng gặp nhiều khó khăn.
Khi xảy ra các vụ việc liên quan đến TDĐ như cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, người bị hại không trình báo, không hợp tác với cơ quan điều tra, hoặc đi khỏi địa phương nên công tác phát hiện, giải quyết có lúc chưa kịp thời.
Một số quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động TDĐ còn bất cập, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý của lực lượng chức năng.
* Để giải quyết tình trạng TDĐ, cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
- Để hạn chế thấp nhất các hoạt động liên quan đến TDĐ, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, trong đó, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến tận các tổ nhân dân tự quản, hộ gia đình, cộng đồng xã hội về bản chất, phương thức, thủ đoạn của các hình thức TDĐ, cũng như hệ lụy của TDĐ, để người dân biết, nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa, không bị lôi kéo trở thành đối tượng hoặc nạn nhân của tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến TDĐ.
Cần có giải pháp quản lý chặt hoạt động tín dụng của các tổ chức, cá nhân; đơn giản hóa thủ tục cho vay, đưa ra nhiều hình thức vay… tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận các nguồn vốn vay, góp phần giải quyết kịp thời nhu cầu ổn định cuộc sống của người dân.
Làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là trên lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, công chứng, chứng thực mua bán, chuyển nhượng nhà đất…; tránh tình trạng đối tượng lợi dụng các thủ tục pháp lý này để hợp thức hóa các động cơ, mục đích, việc làm bất hợp pháp.
Từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hộ gia đình tăng cường giáo dục con em, người thân trong gia đình không tham gia các hoạt động liên quan đến TDĐ. Tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động này.
Riêng lực lượng công an các cấp sẽ tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý chặt địa bàn, đối tượng liên quan đến hoạt động TDĐ, thường xuyên mời gọi, răn đe, giáo dục. Tiếp tục phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về phương thức, thủ đoạn của các hình thức TDĐ. Tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi quảng cáo cho vay trái phép; làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động TDĐ; tổ chức xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, sẽ tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý xã hội, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này.
* Xin cảm ơn ông!
Hữu Hiệp (thực hiện)