Kinh nghiệm trong thực hiện phương châm “xã nắm tới hộ gia đình”

25/10/2021 - 06:21

BDK - Nhận thức đúng đắn việc thực hiện phương châm “xã nắm tới hộ gia đình” để thực hiện mục tiêu “gần dân, sát cơ sở” theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh (TSVM); xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, thời gian qua, đội ngũ cán bộ cấp xã đã phát huy vai trò, thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị TSVM.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy 2021. Ảnh: Hữu Hiệp

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy 2021. Ảnh: Hữu Hiệp

Những kết quả đạt được

Trong định hướng xây dựng tổ chức đảng TSVM, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 18-1-2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị TSVM; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; xác định tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy hướng về cơ sở; tiếp tục thực hiện phương châm “Tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình”; tập trung công tác xây dựng Đảng theo “4 nắm”, “4 góp”, “3 kiểm”. Đối với cấp xã, quá trình được phân công theo dõi, hỗ trợ là thực hiện phương châm “xã nắm tới hộ gia đình”; là quá trình tương tác để “truyền cảm hứng và nhận cảm hứng”; “hướng dẫn, phổ biến và tiếp thu của cơ sở”; “góp ý và chịu sự góp ý”; “đánh giá và chịu sự đánh giá”. Tùy theo tình hình thực tế của từng địa bàn mà cán bộ nghiên cứu vận dụng linh hoạt nội dung “4 nắm”, “4 góp”, “3 kiểm” để hỗ trợ tốt cho địa bàn phụ trách và người dân, xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Đảng ủy các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã phân công khoảng 6.038 cán bộ cấp xã theo dõi, hỗ trợ 14.676 tổ nhân dân tự quản và hộ gia đình; trong đó, mỗi cán bộ theo dõi từ 2 - 4 tổ nhân dân tự quản. Các đồng chí được phân công thường xuyên dự sinh hoạt định kỳ hoặc thông qua các hoạt động khác để nắm tình hình các hộ dân nơi địa bàn phụ trách. Qua thực hiện phương châm “xã nắm tới hộ gia đình” đã tạo được sự đồng thuận cao trong nội bộ và nhân dân. Công tác phối hợp giữa xã với ấp, khu phố, giữa các ngành xã với nhau và với ấp, khu phố trong giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân được quan tâm hơn. Đảng ủy xã, phường, thị trấn từng lúc có đổi mới phương pháp làm việc, định hướng phát triển địa phương, xây dựng các phong trào đều tập trung hướng về người dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Cán bộ cấp xã được phân công phát huy vai trò, trách nhiệm thông qua việc nắm hộ gia đình bằng nhiều hình thức như: nắm qua tổ trưởng, tổ phó tổ nhân dân tự quản, qua đảng viên trên địa bàn, qua những cán bộ, người dân có uy tín, qua các hộ gia đình tiêu biểu, qua các tổ chức đoàn thể... Từ đó, có sự trao đổi, chia sẻ thông tin hai chiều, giúp cán bộ nắm chắc tình hình ở địa bàn dân cư, truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời báo cáo đảng ủy cấp xã định hướng lãnh đạo. Mặt khác, thực hiện phương châm trên còn giúp cán bộ, đảng viên cấp xã thường xuyên gắn bó mật thiết với nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là về đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII. Đồng thời, thông qua việc theo dõi, hỗ trợ giúp cán bộ cấp xã trưởng thành hơn, nắm được hoạt động toàn diện, bổ sung kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao kỹ năng làm việc, rèn luyện đạo đức cách mạng, giải quyết tốt các công việc liên quan đến nhân dân, từ đó niềm tin của người dân đối với Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên có nâng lên.

Nhiều vấn đề cần quan tâm, hỗ trợ

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện phương châm “xã nắm tới hộ gia đình” còn một số nội dung chưa đánh giá được và nhiều vấn đề cần quan tâm hơn. Đó là việc thực hiện phương châm ở nhiều nơi chưa thật sự đi vào chiều sâu và hiệu quả. Nhiều đảng ủy cấp xã nhận thức chưa đầy đủ phương châm, ít quan tâm kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và sơ kết đánh giá kết quả thực hiện, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm để kịp thời phát huy và rút kinh nghiệm trong thực hiện. Nhiều nội dung được quan tâm chỉ đạo từ cấp tỉnh, huyện gắn với cán bộ theo dõi, hỗ trợ các cấp nhưng chưa có sự quyết liệt, đồng bộ.

Cán bộ cấp xã nhận thức chưa đầy đủ phương châm, trong thực hiện còn lúng túng, một số nơi thực hiện qua loa, đại khái, nắm không chắc tình hình ở khu dân cư. Cán bộ được phân công đều khắp nhưng có những chủ trương của địa phương không đến hoặc chưa kịp thời đến nhân dân. Một số kiến nghị của người dân được phản ánh, tiếp thu và giải quyết chậm. Một số nơi đánh giá việc phân công cán bộ cấp xã theo dõi, hỗ trợ còn hình thức, thực hiện cho đủ số lượng. Nhiều đồng chí được phân công đang công tác ở cấp xã nhưng ngại đi thực tế, không gần gũi với nhân dân nên không nắm được tình hình và góp ý, hỗ trợ cho địa bàn và nhân dân, có lúc còn gây phiền hà.

Từ những kết quả bước đầu nêu trên, các cấp ủy cần nghiên cứu vận dụng một số kinh nghiệm để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện phương châm “xã nắm tới hộ gia đình” trong thời gian tới. Đó là cần xác định đúng mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ trong thực hiện phương châm “xã nắm tới hộ gia đình” theo chủ đề “Đồng thuận - Sáng tạo”. Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu các cấp, nhất là Đảng ủy xã, phường, thị trấn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phương châm gắn với công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và xây dựng mối đoàn kết gắn bó mật thiết với nhân dân, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở và chi bộ ấp, khu phố TSVM toàn diện.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy cấp xã trong thực hiện phương châm “xã nắm tới hộ gia đình”, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài. Cần kiên trì lãnh đạo, quán triệt thực hiện, làm cho cán bộ nhận thức đúng đây là nhiệm vụ của người đảng viên. Kịp thời điều chỉnh phân công cán bộ cho phù hợp; quy định trách nhiệm cụ thể trong thực hiện, chú trọng công tác phối hợp giữa xã với ấp, khu phố, giữa các ngành xã với nhau và với ấp, khu phố trong giải quyết các vấn đề liên quan đến người dân. Thường xuyên sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình trong từng đảng bộ. Tập trung khắc phục những hạn chế, nhất là hạn chế chủ quan, đưa việc thực hiện phương châm đi vào chiều sâu, lấy hiệu quả việc thực hiện phương châm gắn với nhiệm vụ được giao để kiểm điểm, đánh giá xếp loại cuối năm.

Quan tâm bồi dưỡng, hướng dẫn để cán bộ được phân công nắm vững các chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chủ trương của địa phương. Tạo điều kiện để cán bộ phát huy năng lực, sở trường để thực hiện tốt phương châm theo nội dung “4 nắm”, “4 góp”, “3 kiểm” gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát động phong trào thi đua “Đồng khởi mới” giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Thực hiện tốt chế độ thông tin hai chiều, giúp cán bộ thường xuyên gắn bó mật thiết với nhân dân với mục tiêu “gần dân, sát cơ sở”. Nắm chắc tình hình ở địa bàn dân cư, truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời báo cáo đảng ủy cấp xã định hướng lãnh đạo. Đồng thời, tạo điều kiện để nhân dân giám sát cán bộ, nhất là về đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII.

Cán bộ cấp xã được phân công tiếp tục thực hiện tốt vai trò là cầu nối, truyền tải chủ trương của cấp ủy, chính quyền đến nhân dân để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Hướng dẫn, phổ biến và tiếp thu từ thực tế, đi sâu vào những phần việc cụ thể như: xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, nông thôn mới, đô thị văn minh, an ninh trật tự, tình nghĩa xóm làng, giúp đỡ gia đình chính sách, người nghèo... Góp ý, đánh giá tình hình thực tế của từng địa bàn để nghiên cứu vận dụng linh hoạt hỗ trợ đạt kết quả, nhất là quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế, ổn định trật tự an toàn xã hội ở từng địa bàn.

Trần Văn Thiêm - Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN