Kỷ niệm 111 năm Ngày mất nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị

21/06/2021 - 06:44

BDK - Cụ Phan Văn Trị (Cử Trị) là một trong những nhà thơ yêu nước, tiêu biểu cho dòng văn học yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc cùng thời với cụ Nguyễn Đình Chiểu cuối thế kỷ XIX. Cuộc đời và tác phẩm thơ văn của cụ là những trang sáng ngời về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu kiên cường ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta. Kỷ niệm 191 năm ngày sinh (1830 - 2021) và 111 năm ngày mất (22-6-1910 - 22-6-2021) cụ Cử Trị là dịp để cùng nhắc nhớ về một nhà thơ yêu nước đã để lại cho hậu thế những áng văn thơ bất hủ.

Trưng bày sách về nhà thơ Phan Văn Trị.

Trưng bày sách về nhà thơ Phan Văn Trị.

Ngòi bút sắc bén

Nhà thơ Phan Văn Trị sinh năm 1830, tại làng Hưng Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Qua nhiều thăng trầm lịch sử, ông đã chọn Phong Điền là nơi sinh sống và đã yên nghỉ cuối đời tại quê hương này. Ông mất vào ngày 22-6-1910, tại làng Nhơn Ái, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cũ (nay là ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ).

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Phan Văn Trị là một trong những nho sĩ tiêu biểu, khí phách của người Nam Bộ: trọng nghĩa, khinh tài, không chuộng chốn đường môn; ông dứt khoát chọn con đường đứng về phía nhân dân, dùng ngòi bút của mình làm vũ khí sắc bén để cổ vũ phong trào chống Pháp và đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ bán nước, cầu vinh. Phan Văn Trị đã sáng tác thơ văn để chống giặc; nổi bật trong thơ ông là tinh thần yêu nước, thương dân một cách thiết tha. Trong 10 bài thơ bút chiến với Tôn Thọ Tường đã thể hiện rõ khí khái và lập trường chống Pháp của nhà thơ Phan Văn Trị. Cuộc bút chiến với Tôn Thọ Tường đã làm dậy sóng văn đàn Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX.

Sự nghiệp thơ văn của cụ Phan Văn Trị có khoảng 100 bài thơ, phần lớn được làm theo thể thơ thất ngôn bát cú đường luật. Trong nhiều sáng tác, cụ đã thẳng thắn phê phán quan lại xu nịnh, thể hiện tấm lòng yêu nước sáng trong, cao đẹp mang lập trường nhà thơ yêu nước rõ nét. Cụ không làm thơ theo dạng hưởng thụ, ngắm hoa, thưởng nguyệt mà sử dụng ngòi bút như một vũ khí sắc bén, đấu tranh chống bọn tay sai mù quáng và kẻ thù ngoại xâm tàn bạo với quê hương. Trong đó có hai câu thơ nổi tiếng: “Chớ mượn hơi hùm rung nhát khỉ/ Lòng ta sắt đá, há lung lai”.

Nhắc nhớ tấm gương sáng

Đền thờ cụ Phan Văn Trị hiện tọa lạc tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Đền thờ đã được nâng cấp khang trang, bên cạnh gian thờ có nhà trưng bày, là nơi đón tiếp khách tham quan và trưng bày những hiện vật, tác phẩm liên quan đến cụ Phan Văn Trị. Đền thờ cụ đã được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, tỉnh, huyện đều tổ chức viếng, thắp hương đền thờ cụ. Đồng thời, huyện Giồng Trôm đã kết nghĩa với huyện Phong Điền - Cần Thơ từ năm 2004 đến nay.

Đền thờ cụ Phan Văn Trị tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.

Đền thờ cụ Phan Văn Trị tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa, văn nghệ đều phải tạm dừng. Tuy nhiên, hướng đến kỷ niệm 111 năm Ngày mất cụ Phan Văn Trị, các hoạt động tuyên truyền bằng hình thức phù hợp vẫn được thực hiện theo định hướng của tỉnh. Đoàn cán bộ lãnh đạo huyện, xã cũng sẽ đến viếng, thắp hương tại đền thờ.

Cùng với Bến Tre, tại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ - nơi cụ Cử Trị đã chọn làm nơi yên nghỉ cuối đời cũng có Đền thờ cụ Phan Văn Trị. Năm 1991, mộ nhà thơ Phan Văn Trị được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2005, UBND huyện Phong Điền đã tiếp tục trùng tu di tích với quy mô lớn hơn, diện tích trên 3 ngàn mét vuông gồm: phần mộ (có phần của cụ và của bà Đinh Thị Thanh - vợ cụ), nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, khắc tượng quyển sách có một số bài thơ của cụ, các bia đá được tạc các bài thơ của cụ, ao sen, sân lễ, cây xanh… Theo thông tin từ huyện Phong Điền, năm nay, ở Phong Điền cũng hạn chế các hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19, chỉ có phần cúng giỗ nội bộ được thực hiện vào sáng ngày 22-6-2021.

Tưởng nhớ về cụ, ngoài hai đền thờ nêu trên, hai tỉnh còn có trường phổ thông và các tuyến đường mang tên Phan Văn Trị. Có thể nói, nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị xứng đáng là ngọn cờ tiêu biểu cho dòng văn học yêu nước chống Pháp của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hiện đại. Tài năng và nhân cách của cụ đã trở thành một ngôi sao sáng trên bầu trời yêu nước nửa cuối thế kỷ XIX, xứng đáng là bậc danh nhân “lưu danh vạn thế”.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN