Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo (bìa phải) gặp gỡ người dân trong chuyến khảo sát khu Lạc Địa, tháng 11-2016. Ảnh: M. Phương
Lạc Địa, một địa danh mang rõ dấu ấn của thời đàng trong “di dân lập ấp”. Lạc Địa cũng nói rõ nét hoang vu của vùng đất trũng, quanh năm ngập nước, ngút ngàn lau sậy, dứa gai, trâm bầu, cỏ năng, lục bình, rau mác… Lạc Địa là cái rốn nằm giữa các xã: Bình Tây, Phú Lễ, Phú Ngãi, Mỹ Nhơn. Nước mưa từ các giồng cát ở các xã này đều dồn hết về Lạc Địa rộng 110ha, có nguồn thực vật và động vật sống dưới nước. Ngay từ thời Pháp thuộc, nhân dân các xã thường vào đây đánh bắt cá nên đã hình thành ở đây khá nhiều đìa, trên các bờ đìa là trâm bầu rậm rạp. Cạnh các đìa thường có các “hậu” là vũng nước nhỏ hơn đìa, có lẽ do việc nông dân đào đất đắp bờ đìa mà thành. Giữa các đìa và hậu người ta gọi là “giang”. Nông dân thường vào Lạc Địa đánh bắt cá vào tháng 3 và tháng 4 âm lịch.
Lạc Địa còn là nơi thường trú của hàng chục lò nấu rượu lậu từ thời Pháp thuộc đến cả sau này, thứ rượu Phú Lễ nổi tiếng cũng giống như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, bánh dừa Giồng Luông…
Dưới thời Pháp thuộc, Lạc Địa là vùng đất công nhưng các ban hội tề xã không quản lý được nên chỉ đấu giá cho thuê để kiếm ăn. Khi cuộc kháng chiến bùng nổ sau Cách mạng Tháng Tám, các cơ quan tỉnh, huyện đều không đóng ở đây nhưng Lạc Địa vẫn là căn cứ khi có giặc càn vào các xã xung quanh. Với súng cối, trung liên, chúng cũng rót đạn vào Lạc Địa, nhưng chỉ là những phát đạn thăm dò “lấy le” chứ chưa có lần nào chúng dám đặt chân vào Lạc Địa. Do vậy, trong suốt 9 năm chống Pháp, Lạc Địa được coi như ATK của các lực lượng kháng chiến ở vùng này.
Cuối năm 1947, đầu năm 1948, tôi đang là Ủy viên Huyện ủy Tán Kế (Giồng Trôm), là Đoàn trưởng TNCQ huyện kiêm Chính trị viên Huyện Đội, phụ trách 4 xã Châu Phú, Châu Thới, Châu Bình và Bình Tiên đang thuộc vùng tạm chiếm. Có lần, trong những ngày gần Tết, sau một trận thắng lớn của Bộ đội Ông Cống ở Châu Phú, chúng càn vào với một lực lượng lớn: một mũi từ sông Ba Lai tràn vào, bao vây “đám lá tối trời” ở Châu Bình tràn xuống các xã thuộc Ba Tri; một mũi trên bộ từ An Ngãi Trung đánh vào Mỹ Thạnh, Mỹ Chánh, Mỹ Nhơn… Cùng một số cán bộ Huyện Đoàn và Huyện Đội, chúng tôi rút sâu vào Lạc Địa. Nhờ vậy, tôi đã biết được vùng này ngay từ lúc tuổi 20, từ khi Lạc Địa gần như còn trọn vẹn nét hoang sơ nguyên thủy của nó. Từ ấy đến nay đã tròn 55 năm.
Vốn là dân của quê hương Đồng khởi, đã mấy lần trở lại Lạc Địa sau ngày giải phóng và qua bao câu chuyện của cha anh, tôi biết rất rõ tiềm năng thiên nhiên của Lạc Địa. Đây là vùng ngập nước của vùng cát biển với lớp bùn mùn rất tốt cho các loài cây thân nước phát triển như: lau, sậy, dứa gai, bông súng, rau chốc, rau mác, lục bình, dây mơ, dây lác phát triển um tùm. Ngày trước, do săn bắt ít và dân cư thưa thớt, Lạc Địa là nơi “trên cơm dưới cá”. Cá lóc (quả) có con to đến mấy ký, to đến có râu nên khi tát nước, nông dân chỉ bắt cá to, thả cá nhỏ. Cá sặt rằn con to bằng bàn tay xòe. Ở đây cũng có lắm loài rắn, từ rắn hổ, rắn ráo, rắn hầm ri cá, rắn nước, rắn lục, rắn mai gầm, nhưng bắt mắt nhất là rắn hổ. Ở Lạc Địa có 3 loại rùa: rùa vàng, rùa nắp và rùa hôi. Còn có cả chồn, đông nhất là chồn đèn. Các loại chim cò thì có: cò, trích, quốc, le le. Chuột thì là loại sinh sôi nảy nở ngoài vòng kiểm soát. Lạc Địa cũng là vùng “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh tợ bánh canh”. Có khi lội xuống Lạc Địa chỉ độ 1 cây số, đĩa đeo bám vào quần áo cả mấy nùi, con này đeo chồng lên con kia…
Tiềm năng ấy đã giảm đi rất nhiều sau 20 năm chống Mỹ.
Hồi ấy Lạc Địa là mục tiêu mũi nhọn của chúng, không biết bao súng đạn đã rót vào Lạc Địa. Rồi chất độc hóa học nữa. Lạc Địa còi cọc, động thực vật sụt giảm “kinh thiên động địa”. Năm 1973, bọn giặc Mỹ còn có kế hoạch san ủi các giồng cát xung quanh để lấp Lạc Địa, nhưng tình thế lúc bấy giờ không cho phép chúng triển khai kế hoạch xóa Lạc Địa trên bản đồ quê hương Đồng Khởi.
Vừa qua, cũng đúng vào những ngày trước Tết, nhân có việc về lại Mỹ Thạnh, Mỹ Chánh, Mỹ Nhơn, Phú Lễ là quê hương bên nội, tôi đã ghé lại thăm Lạc Địa. Hơn nửa thế kỷ qua rồi, Lạc Địa đã có một số đổi thay nhưng chỉ là những đổi thay mò mẫm, chưa định hình rõ ràng, chưa có bước đi dứt khoát, chưa có sự lãnh đạo chặt chẽ, nghiêm túc nên từ ngoài nhìn vào, Lạc Địa vẫn còn giữ vóc dáng hoang sơ...
Đường vào Lạc Địa ngày nay đã được rộng mở, trải đá đỏ, ô tô con có thể lưu thông. Nhưng tiếc là cây cầu ngay ở đầu đường vào chưa có, nên đường cũng chỉ dành cho xe đạp, xe máy ít ỏi và số đông người đi bộ.
Cố nhà báo Huỳnh Hùng Lý
|
Rất may cho tôi là đồng chí Đỗ Văn Hoàng - Bí thư Đảng ủy xã Phú Lễ nghe tin tôi về đã cho mời hai Huyện ủy viên hưu trí, cùng quê ở Phú Lễ: Nguyễn Văn Thắng 65 tuổi (trước là Thường vụ Huyện ủy phụ trách tổ chức) và Hạ Chí Tâm với tên thường gọi là Hạ Chí Bê, 78 tuổi để cùng với đảng ủy giúp tôi nắm bắt tình hình.
Theo các đồng chí, thì sau ngày giải phóng, năm 1981, Lạc Địa là một hợp tác xã nông nghiệp. Nhưng chủ trương hợp tác hóa thời ấy đã không phát triển được gì ở Lạc Địa. Đến năm 1985, huyện thành lập ngư trường ở Lạc Địa, nhưng cũng không hoạt động gì có hiệu quả vì ban quản lý do huyện làm chủ nên cũng không với tay tới. Mãi đến năm 1989, ban quản lý lại chia ra cho từng hộ dân khai thác, nộp khoán cho xã và xã lại nộp tiếp lên huyện.
Cách đây vài năm, tỉnh mới có chủ trương kế hoạch và kinh phí khai thác Lạc Địa. Hơn 2 tỷ đã được dự trù, nhưng chỉ sau khi thi công một số công đoạn, thấy kinh phí dự trù quá thấp nên mọi việc lại bị bỏ dở.
Tôi đã vào Lạc Địa hiện nay qua con đường chính mới mở trải sỏi đỏ. Từ đường của xã đi vào khoảng 500m thì qua một cây cầu hiện còn đang lót gỗ ọp ẹp. Nếu phải xây cây cầu với tốn phí hơn 100 triệu đồng thì việc lưu thông trên mạng đường đã mở ở Lạc Địa sẽ thông suốt. Ấy vậy mà chỉ thiếu hơn 100 triệu đồng làm cầu, hệ thống đường sá đã được mở rộng, trải đá đỏ không giải quyết được vấn đề lưu thông, vật dụng, hàng hóa và nông dân trên mạng đường tốt đẹp đó. Mạng đường có hình chữ thập chia Lạc Địa ra làm 4 lô bằng nhau. Mỗi lô lại cũng được chia thành 4 tổ nhỏ hơn cho nên cả Lạc Địa gồm 16 lô, một lô dự định giữ nguyên nét nguyên sơ để làm “di tích”, còn 15 lô sẽ có kế hoạch khai thác.
Đường về Lạc Địa hôm nay đã có cầu, lộ bê-tông. Ảnh: Trà Dũng
Nhưng từ mấy năm nay, ngư trường chỉ hoạt động cầm chừng với tổ nuôi cá rô đồng và một số cơ sở của một số hộ còn kiên trì bám trụ.
Chúng tôi đã vào nhà ông Nguyễn Văn Nguyện, 75 tuổi, một hộ nông dân đã “ăn nên làm ra”. Lúc còn chiến tranh, vào các năm 1966, 1967, gia đình ông Nguyện đã phải tản cư lên miệt vườn, ông rất mê cây xoài ở đây. Vì vậy khi về Phú Lễ, vào Lạc Địa nhận phần đất giao, ông triển khai ngay kế hoạch lập vườn. Ông đào mương, lên liếp trồng được 30 cây xoài ghép. Sau 3 năm xoài ra trái, ông có doanh thu hàng chục triệu đồng. Ông tiếp tục vay vốn mở rộng vườn và trồng thêm xoài, ổi, sa-bô-chê, chuối, đu đủ. Ông trồng khá nhiều sa-bô-chê, nhưng khi ra trái thì trái nhỏ lại bị sâu, bị sượng nên lập tức ông đốn bỏ để lấy đất trồng cam, quýt... Dưới các mương, ông trồng nhiều sen, do có nước ngọt và bùn mùn nên sen phát triển rất nhanh. Với sen, ông cũng đã có thu nhập ở ngó sen, củ sen, bông sen, gương sen và cả lá sen... Trên các liếp, ông còn trồng nhiều rau: ớt, cải xanh, mồng tơi, khổ qua, mướp, hành lá... Bước vào nhà thấy có treo mấy cái bung, giỏ bằng tre đã cũ. Hai ông bà pha trà ngon mời chúng tôi và vui vẻ kể lại chuyện làm ăn. Nhờ kế hoạch lên liếp lập vườn, ông đã nuôi tất cả 7 người con ăn học, một số đã đi làm, hai con nhỏ còn đang học đại học.
Tình cờ, tại nhà ông Nguyện, tôi cũng gặp anh Nguyễn Văn Lạc, 51 tuổi, tổ trưởng tổ nuôi cá rô đồng tại Lạc Địa. Diện tích nuôi cá của tổ được 1.000m2. Anh đã thả 34kg cá giống loại 500 con/kg. Thức ăn sử dụng cho cá là gạo tấm và ruốc khô, theo đúng quy định của dự án. Sau 5 tháng rưỡi, anh vớt cá lên bán được 9 triệu đồng, lãi 5 triệu đồng so với kế hoạch. Nhưng một vài bà con từng trải khuyên anh nên rút bớt chi phí xuống bằng cách bớt số thức ăn quy định và xen thêm thức ăn tự tạo như: bèo tấm, hèm nấu rượu... Các thức ăn này cá rô đồng cũng rất thích và ăn mau lớn, giúp người nuôi thu lãi nhiều hơn. Trong khu vực nuôi cá, anh Lạc cũng đã trồng khoảng 1.000 cây xoài... Trên đường đi, chúng tôi cũng có gặp một nữ kỹ sư, người phụ trách mọi công việc về khoa học kỹ thuật của ngư trường. Chị là người của Phòng Nông nghiệp huyện mà cũng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Phụ nữ huyện: chị Nguyễn Thị Ngọc Sương.
Qua chuyến đi thăm ngắn ngủi ở Lạc Địa, thực tế bày ra trước mắt cho thấy, so với nửa thế kỷ trước, Lạc Địa ngày nay đã được sức mạnh của con người cải tạo, đổi thay khá nhiều: đã có đường sá, bờ bao, chỉ còn thiếu một cây cầu với kinh phí khoảng 100 triệu đồng. Điện trung thế cũng đã được kéo về tận bên trong Lạc Địa. Tuy nhiên, rõ ràng là huyện và các xã chung quanh chưa đủ sức để khai thác những tiềm năng đa dạng, phong phú của Lạc Địa. Thiết tưởng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và đầu tư và Sở Thủy sản tỉnh nhà nên có kế hoạch khai thác khoa học hơn với dự trù kinh phí đầy đủ, chính xác và nhất là phải có một ban quản lý yêu nghề, có tay nghề cao, có trình độ và quyết tâm cao thì chắc chắn Lạc Địa sẽ đem lại một nguồn lợi lớn cho địa phương, cho đồng bào các xã chung quanh, cho sự phát triển chung của tỉnh với một định hướng rõ ràng, dứt khoát, nuôi cá nước ngọt hay lập vườn hoặc vừa nuôi cá vừa lập vườn...
Dù mới chỉ với những công việc còn đang mò mẫm ở từng hộ, từng lô, dù với những công đoạn còn nửa vời, nhưng dù sao ngày nay Lạc Địa không còn là một vùng đầm lầy ngập nước hoang sơ như nửa thế kỷ trước mà đã có sự đổi thay để nâng cao và phát triển giá trị kinh tế của Lạc Địa, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống của những người dân “chân lấm tay bùn”. Dù chưa trở thành một kho báu của bà con mấy xã chung quanh Lạc Địa, nhưng với sức lao động trí óc và chân tay bỏ ra mấy chục năm qua, Lạc Địa ngày nay đã có mùa xuân. Chắc chắn trong những năm tới đây, Lạc Địa năm xưa sẽ là một khu kinh tế nông nghiệp sáng chói không chỉ “trên cơm dưới cá” mà còn là một khuôn viên với vườn cây ăn trái đặc hữu và với những ao cá vừa xinh đẹp vừa béo bở để trở thành một đỉnh cao của du lịch sinh thái ở miệt giồng đất cát của huyện Ba Tri.
Chừng ấy thì Lạc Địa chắc chắn suốt cả bốn mùa đều có Xuân đậm đà hương sắc.
Những ồn ào xung quanh vụ việc xảy ra ở Lạc Địa - Phú Lễ (Ba Tri) gần đây luôn làm tôi ray rứt. Dù không phải là người sinh ra ở đó, cũng không hề có một trải nghiệm nào trong suốt 2 cuộc chiến tranh, cũng như sau ngày hòa bình, nhưng hình như những thăng trầm, dâu bể của vùng đất này chính là hình ảnh thu nhỏ của Bến Tre từ thời mở đất cho đến nay. Tôi thầm cảm phục ai đó ngày xưa đã khéo đặt cho vùng đất này cái tên “Lạc Địa”; nhưng cũng thầm tiếc nuối vì sao cho đến bây giờ, vùng đất ấy vẫn chưa là “mảnh đất của niềm vui”!
Từ những trăn trở ray rứt trên, tôi âm thầm tìm kiếm trong tư liệu, sách báo xưa nay, tất cả những gì liên quan đến Lạc Địa để cố gắng tự trả lời cho câu hỏi của chính lòng mình: Làm sao để Lạc Địa phải là “mảnh đất của niềm vui”? “Lạc” là “vui” mà! Chứ đâu phải là “loạn lạc”!
Và dường như có một sự đồng cảm nào đó, đồng chí Trần Ngọc Tam gửi cho tôi bài viết “Lạc Địa năm xưa đã có mùa xuân” của cố nhà báo lão thành Huỳnh Hùng Lý, sinh năm 1927 - người con của quê hương Bến Tre, nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Nhân Dân Miền Nam, Vụ trưởng Vụ CP72 Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Sud Vietnam Enlute, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, nguyên Bí thư Báo chí của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ.
Bài báo được viết vào năm 2003. Tôi xin trân trọng giới thiệu lại toàn văn trên Báo Đồng Khởi để mọi người cùng suy ngẫm về những hiểu biết, trăn trở, trải nghiệm, đặc biệt là tầm nhìn của ông về Lạc Địa cách đây 15 năm!
Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy
|
Xuân 2003
Huỳnh Hùng Lý