Lan tỏa và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

20/04/2022 - 05:39

BDK - Bến Tre không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà còn là quê hương của nhiều loại hình di sản văn hóa (DSVH). Ngoài hệ thống di tích lịch sử văn hóa cùng hơn 70 điệu lý, các làn điệu dân ca, xứ Dừa còn có 4 DSVH phi vật thể (PVT) cấp quốc gia. Nổi bật là Hát sắc bùa Phú Lễ, Nói thơ Vân Tiên là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo đã tồn tại lâu đời. Trong lần về khảo sát tại đình Phú Lễ (Ba Tri), Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ có dịp gặp gỡ và gửi gắm nhiều kỳ vọng về việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT trên địa bàn tỉnh.

Đội Hát sắc bùa Phú Lễ của tỉnh trình diễn.

Đội Hát sắc bùa Phú Lễ của tỉnh trình diễn.

Nét văn hóa riêng

Bến Tre có 4 DSVHPVT được công nhận là DSVHPVT quốc gia, gồm: Lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng (Bình Đại), Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng ở xã Mỹ Thạnh và Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc ở xã Hưng Nhượng (Giồng Trôm) và Hát sắc bùa Phú Lễ (Ba Tri). Theo các nhà nghiên cứu, “Hát sắc bùa Phú Lễ” là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, cả Nam Bộ chỉ có ở xã Phú Lễ (Ba Tri) và đã tồn tại trên 100 năm. Loại hình này không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân mỗi độ xuân về mà còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của cư dân nông nghiệp.

Đến nay, có 4 câu lạc bộ (CLB) Hát sắc bùa Phú Lễ được thành lập. Trong đó, có 2 CLB chính là CLB Bảo tàng tỉnh trực thuộc Hội DSVH tỉnh và CLB Cầu Hòa (Giồng Trôm). Các CLB đã thực hành diễn xướng Hát sắc bùa Phú Lễ, giới thiệu cho các đoàn khách quốc tế, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa, các tổ chức văn hóa và phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Trần Thị Kiều Tôn cho biết: Khi được Bộ VHTT&DL công nhận là DSVHPVT quốc gia thì việc bảo tồn và phát huy di sản đã được tỉnh, huyện, xã tập trung triển khai thực hiện. Hiện nay, ngành văn hóa đang đưa loại hình diễn xướng dân gian này trở thành nghệ thuật để biểu diễn trên sân khấu và hướng đến bảo tồn, phát huy trong cộng đồng dân cư.

Đối với loại hình “Nói thơ Vân Tiên”, theo TS. Mai Mỹ Duyên - Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, đây là cách diễn xướng rất đặc trưng của Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên do nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu sáng tác. Loại hình này hiện vẫn còn được lưu giữ trong ký ức của nhiều người lớn tuổi và được truyền dạy cho các thế hệ trẻ về sau. Trong các thể loại của diễn xướng dân gian thì Nói thơ Vân Tiên là thể loại có tính hát nói đặc thù, đã đi vào tâm hồn, niềm tự hào của người Nam Bộ nói chung, Bến Tre nói riêng.

Phó giám đốc Sở VHTT&DL Trần Thị Kiều Tôn thông tin, “Nói thơ Vân Tiên” cũng đang trong quá trình nghiên cứu của tỉnh. Qua đó, ghi nhận ở nhiều nơi cũng có Nói thơ Vân Tiên, nhưng riêng ở Ba Tri là nơi còn “đậm đặc” hình thức xướng này. Vì loại hình này gắn liền với tên tác phẩm Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu.

“Ngành VHTT&DL đang tâm huyết nội dung này. Cụ thể là trong năm 2022 tiến hành các hoạt động nghiên cứu loại hình Nói thơ Vân Tiên. Đồng thời, trao truyền bằng những lớp tập huấn cho các đối tượng như: học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, lao động; hội viên mặt trận, đoàn thể; hướng dẫn viên và những người hoạt động trong hoạt động du lịch. Phấn đấu trong năm 2023, tỉnh sẽ lập hồ sơ để đề nghị Bộ VHTT&DL ghi danh vào danh mục DSVHPVT cấp quốc gia”, bà Trần Thị Kiều Tôn chia sẻ thêm.

Gìn giữ và phát huy giá trị

Đình Phú Lễ không chỉ là di tích được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia (năm 1993), là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của của các tầng lớp nhân dân mà còn là nơi sinh hoạt của các lớp truyền dạy Hát sắc bùa Phú Lễ và Nói thơ Vân Tiên tại xã Phú Lễ. Đình cũng là địa điểm được chọn tổ chức buổi lễ công bố và trao nhận bằng DSVHPVT quốc gia “Hát sắc bùa Phú Lễ” năm 2017.

Trong chuyến khảo sát tại đình Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ có dành thời gian xem trình diễn “Hát sắc bùa Phú Lễ” và “Nói thơ Vân Tiên” trong khuôn viên ngôi đình gần 200 năm tuổi. Sau phần diễn, Bí thư Tỉnh ủy đã gửi gắm kỳ vọng với các nghệ nhân, địa phương và ngành văn hóa.

Với đình Phú Lễ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ ghi nhận những nỗ lực trong giữ gìn, bảo tồn di tích đình Phú Lễ của Ban khánh tiết đình, địa phương và ngành chức năng. Đồng thời, theo định hướng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, cần tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và nâng cấp đình, cũng như quan tâm công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu rộng rãi về truyền thống văn hóa, DSVHPVT “Hát sắc bùa Phú Lễ” cho các tầng lớp nhân dân và du khách gần xa.

Đối với loại hình diễn xướng dân gian “Hát sắc bùa Phú Lễ” và “Nói thơ Vân Tiên”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ đã bày tỏ sự trân trọng những đóng góp của các nghệ nhân trong giữ gìn, kế thừa, phát huy giá trị DSVHPVT “Hát sắc bùa Phú Lễ” và diễn xướng “Nói thơ Vân Tiên”.

Sắp tới, tỉnh sẽ tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Đây là niềm vinh dự, tự hào cho Bến Tre. Bí thư Tỉnh ủy kỳ vọng nhân dân, các nghệ nhân sẽ cùng lan tỏa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của tỉnh.

“Các nghệ nhân cùng với tổ chức đảng, chính quyền, các ngành, các cấp cùng chung tay tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị DSVH PVT “Hát sắc bùa Phú Lễ” và diễn xướng “Nói thơ Vân Tiên”. Các DSVH này không chỉ tiếp tục bảo tồn, nhân rộng, mà còn phải đào tạo các thế hệ kế thừa nắm được, tiếp tục duy trì, phát triển, nâng cao giá trị có sự sáng tạo mới phù hợp trong điều kiện hiện nay”.

(Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ)

 Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN