Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cùng đoàn công tác xem xét hiện trạng ngôi nhà xưa.
Cùng tham dự chuyến thị sát có đại diện lãnh đạo các Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Di sản Văn hóa tỉnh và một số ngành, đoàn thể tỉnh, đại diện lãnh đạo UBND TP. Bến Tre.
Tại Quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 11-1-2016 của UBND tỉnh về danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Bến Tre, ngôi nhà Hội Nông dân có kiến trúc Pháp với diện tích 180m2, trong khuôn viên 1.076m2. Chất liệu xây dựng bằng bê-tông cốt thép, nền lát gạch bông, mái tole. Nhà có hành lang mặt tiền, cửa dạng vòm, tầng trệt và tầng lầu nối với nhau bằng cầu thang cuốn. Đây là công trình có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật cần được bảo tồn.
Lãnh đạo tỉnh cùng đoàn công tác thị sát mặt bằng nâng cấp, mở rộng tại công viên Trần Văn Ơn.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng, ngôi nhà làm việc cũ của Hội Nông dân tỉnh được xây dựng từ thời Pháp, khoảng những năm 1930. Ngôi nhà này đang nằm trên mặt bằng thực hiện Dự án Nâng cấp, mở rộng công viên Trần Văn Ơn. Quan sát bản vẽ thiết kế Dự án Nâng cấp, mở rộng công viên Trần Văn Ơn, diện tích ngôi nhà làm việc cũ của Hội Nông dân tỉnh đang chiếm khoảng 1/4 diện tích mặt bằng cần mở rộng.
Sau khi xem xét hiện trạng ngôi nhà Hội Nông dân và mặt bằng cần nâng cấp, mở rộng tại công viên Trần Văn Ơn, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ cho rằng: “Cần thông qua MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tập hợp ý kiến của người dân, việc tuyên truyền nên để lại ngôi nhà, hay không để lại phải vừa có lý, có tình. Thông tin rõ cho người dân biết nếu để lại thì phương án thế nào, không để lại thì sẽ giải quyết vấn đề kế thừa và phát triển ra sao. Các cơ quan chức năng cố gắng thực hiện sớm việc thu thập lấy ý kiến từ người dân và thông tin kết quả cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong tháng 12-2021, hoặc chậm nhất thì sang tháng 1-2022. Quá trình thực hiện cần nhất là sự đồng thuận từ người dân, để công việc vừa thuận lợi và người dân cũng được phấn khởi”.
Tin, ảnh: Thạch Thảo