Lấy ý kiến đóng góp xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật Đấu giá tài sản

17/10/2016 - 07:43

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đơn vị tỉnh Bến Tre vừa chủ trì hội nghị lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và dự thảo Luật Đấu giá tài sản. 

Tham dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan tỉnh: Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, Công an, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Thi hành án dân sự, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Hội Luật gia, Hội thánh Cao đài Ban chỉnh đạo, Hội Phật giáo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản…

Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có 9 chương, 68 điều luật. Đại biểu thảo luận, đóng góp về các vấn đề liên quan: tên gọi và bố cục dự thảo Luật; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; lĩnh vực tín ngưỡng; công nhận tổ chức tôn giáo; các hành vi bị nghiêm cấm… Đại biểu đóng góp, cần có quy định cụ thể về quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; cần quy định tổ chức tôn giáo được tham gia mở trường học, bệnh viện. Đại biểu cho rằng, cần có quy định cụ thể về mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội; cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo phải là cơ quan độc lập; giao cho ngành văn hóa quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội, tín ngưỡng; cần quy định khôi phục lại trụ sở tôn giáo đã bị thiệt hại trong chiến tranh; quy định về nguồn lực đóng góp cho xã hội của tôn giáo. Đại biểu góp ý, trong phần quy định chung của Luật, cần có điều luật quy định cụ thể về nguyên tắc tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải tuân thủ theo pháp luật và đạo đức xã hội.

Dự thảo Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) có 8 chương, 81 điều luật. Đại biểu góp ý sâu về các vấn đề: đối tượng áp dụng của Luật; đào tạo nghề đấu giá; cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá; quản lý Nhà nước về ĐGTS; trình tự, thủ tục về ĐGTS; hội đồng ĐGTS; quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá; đăng ký bán ĐGTS… Đại biểu góp ý, cần rút ngắn thời gian đào tạo nghề đấu giá (Điều 11) xuống còn 3 năm (thay vì là 5 năm như dự thảo Luật). Tại Điều 15, cần quy định thêm trường hợp không được cấp chứng chỉ hành nghề đối với người có khó khăn trong nhận thức và hành vi; không được cấp chứng chỉ hành nghề đối với người “đã bị kết án về hành vi chiếm đoạt tài sản”, dù người này đã được xóa án tích. Đại biểu góp ý, biên bản đấu giá cần phải có chữ ký của người có tài sản đấu giá; cần quy định rõ về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của đấu giá viên; cần quy định rõ mức giá trị tối thiểu của tài sản để đưa ra đấu giá; cần bổ sung, quy định người có quan hệ huyết thống không được tham gia đấu giá trong cùng một tài sản; bổ sung quy định người có tài sản đấu giá có quyền yêu cầu thay đổi đấu giá viên…

Thay mặt Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu, sẽ tổng hợp báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

H.Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích