Lễ kỷ niệm 154 năm Ngày mất cụ Tán Kế - Lê Quang Quan

02/02/2023 - 13:26

BDK.VN - Ngày 2-2-2023, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Giồng Trôm long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 154 năm Ngày mất của cụ Tán Kế - Lê Quang Quan (12-1-1869 - 12-1-2023 âm lịch), tại Đền thờ cụ, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến cùng đại biểu lãnh đạo tỉnh, các ngành thắp hương tại Đền thờ cụ Tán Kế - Lê Quang Quan.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến cùng đại biểu lãnh đạo tỉnh, các ngành viếng Đền thờ cụ Tán Kế - Lê Quang Quan.

Tham dự có Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đặng Thị Phượng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, TP. Bến Tre, Ba Tri, đại biểu Trung đoàn 895, xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh).

Tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Trúc Hạnh đã có bài phát biểu ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của cụ Tán Kế - Lê Quang Quan. Cụ Lê Quang Quan, tự Kế, làm chức Tham tán nên thường được nhân dân gọi là Tán Kế. Cụ sinh tại làng Mỹ Chánh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri). Cụ là người yêu nước, tinh thông võ nghệ, từng đăng lính triều đình Huế.

Các đại biểu lãnh đạo các cấp chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm.

Các đại biểu lãnh đạo các cấp chụp ảnh lưu niệm tại lễ kỷ niệm.

Sau khi triều đình Huế ký hòa ước nhường 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, cụ cùng một số binh sĩ bỏ ngũ về quê, vận động nhân dân trong vùng kháng chiến chống Pháp. Các cuộc khởi nghĩa của cụ đã gây cho giặc Pháp nhiều tổn thất, nhưng do sự chênh lệch về trang bị kỹ thuật, lực lượng khởi nghĩa sau nhiều trận đánh đã bị thiệt hại nặng nề. Vẫn không khuất phục, cụ đã đưa lực lượng rút vào rừng lau sậy tiếp tục đánh địch, nhưng có một tên đào ngũ báo cho quân Pháp nơi ẩn náu và chúng đã bao vây bắt cụ. Sau đó, chúng đưa cụ ra hành quyết.

Cảm phục sự hy sinh đầy nghĩa khí của người anh hùng đất Ba Châu, nhân dân nhiều nơi trong tỉnh đã lập miếu thờ cụ. Riêng huyện Giồng Trôm đã xây dựng đền thờ và được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2014. Hàng năm, vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch, Đảng bộ, nhân dân huyện long trọng tổ chức lễ kỷ niệm Ngày mất của cụ nhằm tôn vinh, tri ân sâu sắc đối với cụ và cũng là dịp để tưởng nhớ, ôn lại thân thế cuộc đời, sự nghiệp của cụ; bày tỏ lòng thành kính đối với người anh hùng dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Tại buổi lễ lãnh đạo tỉnh, địa phương đã thực hiện nghi thức dâng hoa, niệm hương cụ Tán Kế - Lê Quang Quan.

Đại diện xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) trao 10 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đại diện xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) trao 10 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Dịp này, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi trao 10 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho các em học sinh nghèo, hiếu học của xã Châu Hòa.

Tin, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN