Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, người vun trồng khối đại đoàn kết dân tộc và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Người còn là vị lãnh tụ, người thầy của lớp lớp cán bộ cách mạng ưu tú của Đảng, của cách mạng Việt Nam.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc của Người ở chiến khu Việt Bắc - Ảnh tư liệu |
Một số cán bộ sau này trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, của Nhà nước. Những lời dạy của Người về cán bộ và công tác cán bộ đến nay còn có ý nghĩa thiết thực cho mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay học tập, rèn luyện, để phục vụ đất nước.
Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của cán bộ. Người cho rằng: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”([1]). Chính vì “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”([2]) nên việc lựa chọn cán bộ phải tuân theo những tiêu chuẩn nhất định như phải có đạo đức cách mạng, phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của nhân dân; có mối liên hệ mật thiết với nhân dân, hiểu biết nhân dân, luôn chú ý đến lợi ích của nhân dân; người cán bộ phải có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, có trí tuệ, có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ giỏi, chí công vô tư... Những đòi hỏi này có thể coi là những tiêu chuẩn cơ bản chung nhất của người cán bộ cách mạng trong tất cả các thời kỳ, ở tất cả các cấp, ở tất cả các địa bàn. Với những yêu cầu này, các cấp, các ngành, các địa phương có thể vận dụng để đề ra tiêu chuẩn cụ thể để lựa chọn cán bộ cho ngành mình, địa phương mình, cấp mình.
Có thể thấy, dù yêu cầu của lịch sử, nhiệm vụ của cách mạng, quyền lợi của nhân dân, ở mỗi thời điểm có thay đổi, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn nhấn mạnh vào hai chữ Đức và Tài. Bởi cán bộ có đức thì mới chí công vô tư trong cách làm việc và cán bộ cần có tài, đủ năng lực để lãnh đạo nhân dân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ là đạo đức. Trong nhiều bài viết, bài nói của mình, Người đã phân tích sâu sắc vai trò đạo đức, coi đó là tiêu chuẩn đặc biệt quan trọng mà Đảng, chính phủ và các đoàn thể phải quan tâm để lựa chọn, rèn luyện đội ngũ cán bộ cách mạng. Người thường nói: "Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang"([3]). Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng, vì mọi việc thành hay bại, điều chủ chốt là ở cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không, vì tính xấu của một người thường chỉ hại cho người ấy, còn tính xấu của cán bộ, đảng viên sẽ hại đến Đảng, đến cách mạng, đến nhân dân. Cho nên, mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ bổn phận của mình là suốt đời hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phải cố gắng thực hiện cho kỳ được: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đấy mới là người cán bộ tốt, có tâm, có đức.
Trong khi coi đạo đức là gốc, là nền tảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời đánh giá rất cao và coi trọng tài năng. Tài không giản đơn thu gọn ở bằng cấp, học vị. Người tài trước hết phải có hoài bão, có động lực mạnh mẽ, có sự thôi thúc là phải làm được một cái gì đó cho đất nước, cho nhân dân. Trong quá trình thực hiện hoài bão đó, người tài cũng tìm được hạnh phúc cho bản thân thông qua công việc của mình.
Hai mặt đạo đức, tài năng trong tư tưởng Hồ Chí Minh có quan hệ mật thiết: đạo đức là cơ sở của tài năng, định hướng tư tưởng, hành động, đem tài năng phục vụ nhân dân. Người nói: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô, hủ hóa có hại cho nước. Có đức mà không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”([4]). Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh sau một đêm suy nghĩ đã ký bác đơn chống án của Trần Dụ Châu (nguyên là Cục trưởng Cục Quân nhu đã lợi dụng chức quyền tham ô, bớt xén của công để ăn chơi, hưởng thụ và bị kết án tử hình), chính là hành động kiên quyết của Người trong việc chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên.
Với quan điểm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, nên ngay sau khi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề chống nạn dốt là vấn đề cấp bách thứ 2 của nhà nước sau vấn đề nạn đói. Bác kêu gọi mọi người thi đua học tập để đưa dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái. Đặc biệt, Người nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và cần thiết: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, trăm năm trồng người". Người chỉ cho chúng ta con đường đưa đất nước phồn vinh. Đó là con đường phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ coi trọng việc phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài, Người còn coi trọng chính sách sử dụng nhân tài. Nhìn lại thời điểm năm 1946, khi Người qua Paris với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam độc lập, thượng khách của nước Pháp. Đó cũng là thời điểm cuộc đàm phán chính thức Việt-Pháp (Hội nghị Phôngtennơblô) diễn ra. Dẫu không tham dự, Người vẫn theo dõi sát sao từng diễn biến của cuộc đàm phán và cho những ý kiến chỉ đạo kịp thời. Cuộc đàm phán thất bại, đẩy chúng ta vào tình thế vô cùng khó khăn là không còn con đường nào khác ngoài con đường cầm vũ khí chống lại thực dân Pháp.
Từ nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc để cùng toàn dân kháng chiến. Sự kiện đáng chú ý trong thời gian Người ở Pháp là Người đã cảm hoá và đưa về nước được những trí thức lớn của đất nước như Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước,… Sau đó, với tư cách là Chủ tịch nước, Người đã ra chỉ thị cho các địa phương phải tìm người hiền tài ra gánh vác công việc cho nước, cho dân. Chúng ta có thể cảm nhận được chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, “cầu người hiền tài” của Người qua những lời cảm kích sau đây: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức. Nghe vì Chính phủ nghe không đến, thấy không gấp đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận"([5]).
Đi theo tiếng gọi của Người, rất nhiều trí thức Việt Kiều về nước và những trí thức trong nước đã từ chối cuộc sống giàu sang, đầy đủ vật chất, danh vọng của chế độ tư bản để chấp nhận gian khổ hy sinh cùng với dân tộc mình. Những năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục lưu ý đến quy trình lựa chọn, sử dụng cán bộ kiểu mẫu như những tiêu chí mà Người đề ra trong cuốn Sửa đổi lối làm việc viết vào tháng 10/1947. Những tên tuổi trí thức nho học và tây học đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chinh phục như Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Giám, Lương Định Của, Phạm Huy Thông, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Hoàng Xuân Sính,… đều đã trở nên những người con kiên trung cho Tổ quốc, thành vốn cán bộ quý cho Đảng, cho Nhà nước và các đoàn thể nhân dân.
Tư tưởng về tài và đức của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn sáng mãi tính khoa học, tính nhân dân và dân tộc sâu sắc, là bài học vô cùng quý giá cho chúng ta noi theo trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước có cả cơ hội và thách thức đan xen ngày hôm nay. Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” vẫn đã và đang diễn ra. Cách thức sử dụng và bổ nhiệm cán bộ của chúng ta còn nhiều quan liêu, tiêu cực, thoả hiệp dễ dãi theo cơ cấu. Rất nhiều người có tài đức không được bổ nhiệm, giao nhiệm vụ hoặc có được bổ nhiệm lại trái chân. Cách đánh giá và tuyển chọn cán bộ ở nhiều ban ngành cơ quan còn dựa vào tiêu chí thân quen, bằng cấp, chân truyền chứ không căn cứ vào thực chất, khả năng trí tuệ sáng tạo của những người cán bộ thực sự cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Hậu quả của phương thức sử dụng, bổ nhiệm cán bộ sai lầm này góp phần làm nảy sinh nhiều bất cập trong cơ chế và tiêu cực trong đời sống xã hội. Sự suy thoái về đạo đức, lối sống dẫn đến sự quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra rất nghiêm trọng.
Chính vì thế, hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay, việc lựa chọn đội ngũ nhân sự của Đảng gồm những người biết lo cái lo của dân, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư như Bác Hồ kính yêu của cả dân tộc ta đã răn dạy càng cần thiết. Chỉ có những công bộc thực sự của dân và vì dân như vậy mới đáp ứng được mong muốn của nhân dân và tập hợp được cả dân tộc thành một lực lượng hùng hậu để xây dựng đất nước Việt Nam hùng mạnh, làm cho dân tộc ta sánh vai được với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.