Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đi vào đời sống

08/09/2013 - 15:36

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt tới việc xây dựng và bảo vệ gia đình. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) đang diễn ra ngày càng phổ biến ở nhiều nơi, số vụ bạo hành gia đình gây hậu quả nghiêm trọng có chiều hướng tăng cao, tình trạng xúc phạm danh dự, nhân phẩm và tính mạng của con người xảy ra hàng ngày, chủ yếu đối với phụ nữ và trẻ em.

Để thực hiện mục tiêu “Mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”, vấn đề cần đặt ra là xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ và phòng, chống BLGĐ.

* Hiểu về Luật Phòng, chống BLGĐ

Đánh giá đúng vị trí của gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và trước thực trạng BLGĐ đáng báo động như hiện nay, thì đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về gia đình, trẻ em và chính sách xã hội là đòi hỏi khách quan. Vì vậy, ngày 21-11-2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XII), kỳ họp thứ 2 thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008, gồm 6 chương, với 46 điều. Trong đó:

Chương I - Những quy định chung gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8) quy định phạm vi điều chỉnh; các hành vi BLGĐ; nguyên tắc phòng, chống BLGĐ; nghĩa vụ của người có hành vi BLGĐ; quyền và nghĩa vụ của nạn nhân BLGĐ; chính sách của Nhà nước về phòng chống BLGĐ; hợp tác quốc tế về phòng, chống BLGĐ; những hành vi bị nghiêm cấm.

Chương II- Phòng ngừa BLGĐ gồm 9 điều (từ Điều 9 đến Điều 17), quy định về thông tin, tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; tư vấn, góp ý và phê bình trong cộng đồng dân cư về phòng ngừa BLGĐ.

Chương III- Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ gồm 13 điều (từ Điều 18 đến Điều 30), quy định các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ và việc trợ giúp nạn nhân của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở bảo trợ xã hội; cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ và địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.

Chương IV- Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống BLGĐ có 11 điều (từ Điều 31 đến Điều 41), quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan và tổ chức trong phòng, chống BLGĐ.

Chương V- Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ và khiếu nại, tố cáo, gồm 3 điều (từ Điều 42 đến Điều 44), quy định về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống BLGĐ, áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chương VI- Điều khoản thi hành gồm 2 điều (Điều 45 và Điều 46), quy đinh hiệu lực thi hành của Luật này và hướng dẫn thi hành Luật.

Luật định nghĩa bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Quy định này nhằm tạo cơ sở phân biệt với hành vi bạo lực khác cũng như để xác định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong BLGĐ. Để xác định một hành vi là hành vi BLGĐ, căn cứ vào 2 điều kiện:

- Một là, yếu tố “lỗi cố ý”, tức là không phải bất kỳ hành vi nào vi phạm pháp luật xảy ra trong gia đình đều được coi là bạo lực gia đình;

- Hai là, người bị tổn hại là thành viên gia đình. Đó là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Các thành viên của gia đình khi đã ly hôn hoặc trong quan hệ hôn nhân thực tế cũng được áp dụng quy định của Luật này. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định của Luật đối với các trường hợp này không nhằm mục đích khuyến khích hoặc tạo cơ sở pháp lý cho mối quan hệ giữa những người không đăng ký kết hôn mà sống chung như vợ chồng. Qui định này có ý nghĩa đảm bảo cho tất cả nạn nhân của hành vi BLGĐ được hỗ trợ và bảo vệ đặc biệt. Các hành vi đó bao gồm 4 nhóm:

- Nhóm 1: hành vi bạo lực về thể chất: bao gồm hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng.

- Nhóm 2: hành vi bạo lực về tinh thần: bao gồm các hành vi lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng; ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau; hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở; cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ.

- Nhóm 3: hành vi bạo lực về kinh tế: bao gồm chiếm đoạt, hủy hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính.

- Nhóm 4: hành vi bạo lực về tình dục: là hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục.

HAT (lược trích)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN