
Các gia đình tham gia họp mặt kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6-2018). Ảnh: H. Linh
LTS: Nhìn từ kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của tỉnh Bến Tre, con số 3% dân số từ 15 tuổi trở lên trên toàn tỉnh trong tình trạng ly hôn, 0,5% trong tình trạng ly thân khiến nhiều người không khỏi giật mình. Như vậy, theo kết quả thống kê, Bến Tre là tỉnh có tỷ lệ người ly hôn cao nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ hai cả nước (sau Tây Ninh 3,8%). Tình trạng ly hôn phổ biến là một thực trạng đáng báo động - tiềm ẩn nhiều hệ lụy về chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng sự phát triển của xã hội.
Ly hôn ngày càng nhiều
Dẫn chúng tôi bước vào “căn phòng xanh” chuyên dành để xử án ly hôn, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nguyễn Biên Thùy bắt đầu câu chuyện. Phòng xét xử án ly hôn được gọi là phòng xét xử thân thiện, ở đây, cách bố trí bàn ghế quay thành hình vuông và tường sơn màu xanh lá nhằm tạo ra hiệu ứng thoải mái, tác động đến tâm lý những người có nguy cơ tan rã hạnh phúc gia đình để hướng đến hàn gắn. Tại đây, đương sự (cặp vợ chồng) sẽ đối thoại với nhau trước sự hiện diện của cơ quan thực thi pháp luật.
Thế nhưng, số lượng những cặp đôi hàn gắn được với nhau khi dẫn nhau ra tòa lại đếm không hết 5 đầu ngón tay. Tòa gia đình và người chưa thành niên vừa xử ly hôn cho một trường hợp ngay chính tại “căn phòng xanh” này, người chồng 63 tuổi đã nghẹn ngào khóc trước lời đề nghị ly hôn của vợ mình. “Ông ấy hứa sẽ khắc phục những khuyết điểm, bất đồng mà vợ nêu, chỉ mong đừng ly hôn nữa. Nhưng người vợ (sinh năm 1984) không đồng ý”, ông Nguyễn Biên Thùy thuật lại.
Theo Chánh án Nguyễn Biên Thùy, đó là một trong rất nhiều vụ ly hôn mà người đứng nguyên đơn là nữ - chiếm tỷ lệ đa số trong các trường hợp ly hôn hiện nay. Nguyên tắc xử ly hôn là tòa phải hàn gắn đôi bên trước nhưng một khi đã đến mức phải dẫn nhau ra tòa thì hiếm có trường hợp nào có thể cứu vãn được.
Ghi nhận của Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa án nhân dân tỉnh, độ tuổi phổ biến xảy ra ly hôn hiện nay là từ 25 - 30 tuổi, cũng có cá biệt những trường hợp trên 60 tuổi, thường các trường hợp là đã kết hôn nhiều năm và cũng có trường hợp chỉ vừa kết hôn 1 - 3 tháng thì ly hôn. Các vụ việc ly hôn xảy ra ở mọi thành phần, mọi ngành nghề, địa phương đều có, từ công nhân, công chức, viên chức... kể cả giáo viên, lực lượng vũ trang là những ngành mang tính mô phạm và chuẩn mực cao cũng có xảy ra tình trạng ly hôn.
Vì đâu nên nỗi...?
“Bất đồng quan điểm trong cuộc sống” là lý do được nêu trong hầu hết các đơn xin ly hôn. Nhưng phía sau cụm từ gói gọn đó có vô vàn nguyên nhân sâu xa. Ông Nguyễn Biên Thùy cho hay: “Ngày nay, quan niệm xã hội đã có nhiều thay đổi, ít có sự ràng buộc trong các chuẩn mực xã hội và thuần phong mỹ tục đã khiến cho quan niệm về việc ly hôn trở nên dễ dàng hơn”. Nếu giai đoạn thập niên 1980 - 1990, nguyên nhân ly hôn chủ yếu bắt nguồn từ đôi nam nữ đến với nhau do mai mối, ít có sự tìm hiểu rồi phát sinh mâu thuẫn trong cuộc sống thì những năm gần đây, đa số các cặp hôn nhân đến tòa đều khai là tự tìm hiểu, tự nguyện đến với nhau nên nguyên nhân ly hôn là bắt nguồn từ những khía cạnh khác.
Theo nhận định của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Quốc Phong, mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động lớn đến các mối quan hệ trong xã hội và gia đình, đặc biệt là mối quan hệ vợ chồng. Trong đó, chính cơ chế thị trường coi trọng giá trị vật chất làm cho một số gia đình chỉ lo về cuộc sống vật chất, thiếu quan tâm đến người thân. Từ đó, tình cảm vợ chồng nhợt nhạt, thiếu đồng cảm, thiếu chia sẻ, tiềm ẩn nguy cơ tan vỡ rất cao.
Cùng với đó, theo ông Trương Quốc Phong, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước có sự tiếp thu những nền văn hóa khác, trong đó có những yếu tố tích cực và cả tiêu cực. Tình trạng ly hôn ngày càng tăng có một phần ảnh hưởng văn hóa các quốc gia Tây Âu - thoải mái trong chuyện ly hôn. Rồi từ câu chuyện của nước bạn qua các phương tiện thông tin, sách báo tác động đến tư tưởng, nhận thức của người Việt Nam, nhiều người sẵn sàng kết thúc hôn nhân khi thấy không còn phù hợp với nhau nữa.
Thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, trên 50% trường hợp ly hôn nêu lý do rằng có yếu tố của người thứ ba trong mối quan hệ vợ chồng. Nhưng theo nhận định của Thẩm phán Bùi Thế Xương - Phó chánh Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa án nhân dân tỉnh, sự sa ngã, thay lòng mà ngoại tình không chỉ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn mà còn nhiều nguyên nhân sâu xa khiến cho mối quan hệ vợ chồng nảy sinh rạn nứt trước đó, là tác nhân khiến vợ hoặc chồng quan hệ ngoài hôn nhân, không còn tha thiết vun vén cho gia đình nữa.
Thẩm phán Bùi Thế Xương cho rằng, có thể là về độ tuổi, tâm lý, sinh lý, khác biệt về nghề nghiệp, cách sống của mỗi người hoặc từ nguyên nhân kinh tế gia đình như làm ăn thất bại, nợ nần, từ đó phát sinh mâu thuẫn. Thực tế, gần đây có trường hợp ly hôn xuất phát từ nguyên nhân vỡ hụi, tín dụng đen.
Bên cạnh đó, ngày nay, vai trò, vị trí người phụ nữ đã không còn phụ thuộc vào người chồng nhiều như trước. Sự đóng góp kinh tế để xây dựng gia đình là như nhau nên nếu vì lý do nào đó không hợp nhau sẽ rất dễ dẫn đến ly hôn so với giai đoạn trước. Sự độc lập về kinh tế, quyền bình đẳng của phụ nữ, đó là yếu tố trong những tình huống đặc biệt của mối quan hệ vợ chồng, người phụ nữ sẵn sàng tự giải thoát bằng cách ly thân hoặc ly hôn để có cơ hội và một cuộc sống tốt hơn.
“Có những giá trị, chuẩn mực dù mang tính phong kiến nhưng nó vẫn có giá trị tích cực trong giữ gìn, ràng buộc mối quan hệ vợ chồng cần phải được vun bồi. Ly hôn dù là lý do này hay nguyên nhân khác thì vẫn là câu chuyện đáng buồn cho gia đình. Trong đó, có những đứa trẻ vô tội đành chấp nhận cuộc sống xa mẹ hoặc xa cha và những thiếu thốn, tổn thương cùng những sang chấn tâm lý không ai có thể lường trước được”.
(Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Quốc Phong)
|
Thanh Đồng - Phan Hân