Mỏ Cày Bắc tích cực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

08/05/2023 - 05:28

BDK - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ngành GD&ĐT huyện Mỏ Cày Bắc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là kết quả của sự kiên định mục tiêu, kiên trì thực hiện và kiên quyết đổi mới của cả hệ thống chính trị huyện.

Cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc được đầu tư khang trang đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Cơ sở vật chất trường lớp trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc được đầu tư khang trang đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Kiên quyết đổi mới

Theo Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Nguyễn Văn Trung, tiếp thu NQ số 29-NQ/TW, cả hệ thống chính trị huyện xác định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của giáo dục (GD) và đưa chỉ tiêu về GD vào NQ hàng năm. Đặc biệt, ngành GD&ĐT huyện đóng vai trò trung tâm, tham mưu cấp ủy trong việc đề ra các chỉ tiêu nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của cấp ủy đề ra. Trong đó, lồng ghép với lộ trình xây dựng nông thôn mới.

Các trường phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc GD toàn diện về nhân cách, lối sống cho học sinh. Thông qua các cuộc họp phụ huynh, kênh thông tin, truyền thông trong huyện, cha mẹ học sinh đều nắm việc đổi mới cách đánh giá kết quả học tập của con em không phải bằng điểm số mà bằng sự tiến bộ trong học tập, sự phát triển năng lực, phẩm chất của các em. Từ đó, đồng tình, tích cực phối hợp trong việc quản lý, hướng dẫn, GD con em ngay tại gia đình.

Bên cạnh đó, MTTQ các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và ngành GD trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Tại các trường, chính quyền và công đoàn phối hợp xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, giáo viên, cam kết không vi phạm đạo đức nhà giáo, không vi phạm về dạy thêm học thêm, không lạm thu trong nhà trường. Từ đó, hình thành phong trào thi đua dạy tốt, học tốt tại cơ sở GD. Các cấp, các ngành triển khai thực hiện phong trào xã hội học tập, học tập suốt đời được người dân đồng tình.

Nhờ thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của NQ số 29-NQ/TW, ngành GD huyện từng bước có những chuyển biến, chất lượng GD được cải thiện, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Chuyển biến tích cực

Qua 10 năm thực hiện NQ số 29-NQ/TW, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân có chuyển biến tích cực, quan tâm nhiều đến việc GD, tạo điều kiện để con em được học chữ, học nghề. Học sinh phát triển toàn diện cả về trí lực, thể lực và đạo đức. Ngành GD&ĐT huyện đã tích cực đổi mới nội dung chương trình, phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chất lượng GD toàn diện được nâng lên, chất lượng mũi nhọn có bước tiến vững chắc; trong các cuộc thi học sinh giỏi do huyện, tỉnh tổ chức đều đạt thứ hạng cao.

Thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Trường THCS Nguyễn Văn Bánh (xã Nhuận Phú Tân) đổi mới từ hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học sinh, bảo đảm tính trung thực, khách quan. Công tác quản lý GD&ĐT theo hướng đảm bảo dân chủ, thống nhất. Đây là một trong những cơ sở GD tích cực đổi mới trên địa bàn huyện.

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Bánh Huỳnh Trung Đông cho biết: Cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Thời gian qua, công tác quản lý không ngừng được đổi mới theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo. Nhà trường đã xây dựng website, trang bị máy vi tính đầy đủ cho hoạt động quản lý và giảng dạy. Hệ thống phần mềm quản lý PMIS, thống kê Online, Misa, K12Online… được thực hiện tốt tại trường. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo chương trình GD phổ thông 2018 được tổ chức thường xuyên.

Giáo dục toàn diện

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nguyễn Thanh Hùng cho biết: Huyện đã đảm bảo công tác phổ cập GD tại địa phương, đạt chuẩn phổ cập GD THCS mức độ 3, chuẩn phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi. Chất lượng học sinh lên lớp hàng năm được nâng lên. Tỷ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học trên 99,8%, tốt nghiệp THCS trên 98%, tốt nghiệp THPT trên 96%. Đến nay, mạng lưới và quy mô trường lớp các cấp được mở rộng khắp các địa bàn, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia.

Hiện toàn huyện Mỏ Cày Bắc có 41 trường học mầm non, phổ thông và 1 trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên. Trong đó, có 10 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 2 trường so với lúc triển khai NQ số 29-NQ/TW. Các trường tiểu học được trang bị mới và nâng cấp theo cấu hình đạt chuẩn phục vụ cho giảng dạy theo chương trình GD phổ thông 2018. Các trường đảm bảo 100% học sinh được học môn Tin học với đầy đủ máy vi tính.

Công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực được ưu tiên, từng lúc đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Hàng năm, 100% cán bộ quản lý các trường được bồi dưỡng lý luận chính trị. 100% cán bộ quản lý có bằng trung cấp lý luận chính trị. Đảng viên trong ngành GD đạt 66,3%, tăng 16,7% so với năm học 2013-2014.

Ngoài ra, huyện chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong GD bằng cách đẩy mạnh truyền thông, xây dựng môi trường học và sử dụng ngoại ngữ, tổ chức dạy học tiếng Anh tăng cường với giáo viên người nước ngoài. Công tác GD đạo đức, lối sống cho học sinh được các trường thực hiện tốt. Tăng cường GD thể chất, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, GD hướng nghiệp, phân luồng học sinh được đổi mới và nâng cao chất lượng. Việc GD về lý tưởng, truyền thống lịch sử địa phương, kỹ năng sống, GD tình yêu quê hương đất nước, GD thực hành các hành vi văn hóa, tôn trọng pháp luật… góp phần hình thành nhân cách và phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ cho học sinh.

Theo quan điểm chỉ đạo của NQ số 29-NQ/TW, đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở GD&ĐT và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN