Mô hình giảm nghèo “5+1” tiêu biểu trong cả nước

18/12/2023 - 05:39

BDK - Tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) vừa tổ chức Chương trình Gala Gặp mặt, giao lưu mô hình điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” năm 2023. Trong đó, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh có mô hình giảm nghèo “5+1” là 1 trong 30 mô hình, điển hình được đánh giá tiêu biểu trong cả nước.

Phó chủ tịch Hội Cựu chiến bỉnh tỉnh Nguyễn Văn Hải nhận hoa và kỷ niệm chương từ chương trình. Ảnh: Ngọc Thi

Phó chủ tịch Hội Cựu chiến bỉnh tỉnh Nguyễn Văn Hải nhận hoa và kỷ niệm chương từ chương trình. Ảnh: Ngọc Thi

Gần 15 ngàn hộ thoát nghèo

Trong những năm qua, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Hội CCB tỉnh cụ thể hóa bằng phong trào thi đua “CCB giúp nhau thoát nghèo”, đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được các cấp Hội CCB quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, mô hình “5+1” (5 hộ khá giàu giúp 1 hộ nghèo) giúp CCB thoát nghèo thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực.

Tháng 8-2012, Nghị quyết Đại hội CCB tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2012 - 2017 tiếp tục đề ra giải pháp giảm nghèo, xóa nghèo. Đầu năm 2013, Ban Thường vụ Hội CCB tỉnh cụ thể hóa bằng kế hoạch tổ chức thực hiện mô hình “5+1” thí điểm ở 25 Hội CCB cơ sở của 25 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, 6 xã điểm xóa nghèo và xây dựng hội của tỉnh.

Hội cơ sở, chi hội trưởng vận động các hộ khá, giàu có tâm huyết tham gia làm thành viên của nhóm “5+1”, trong nhóm cử ra nhóm trưởng, Chủ tịch Hội CCB cấp xã xem xét ra quyết định công nhận nhóm trưởng. Mục đích hoạt động của nhóm “5+1” là tạo điều kiện giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo. Nhiệm vụ cụ thể của nhóm “5+1” là vận động trong nhóm, ngoài nhóm giúp đỡ cho hộ nghèo về “vốn, đất đai, cây trồng, vật nuôi, kinh nghiệm sản xuất, tạo việc làm…”, tăng thu nhập cho hộ nghèo để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhóm “5+1” được tổ chức ở chi hội ấp, khu phố (một chi hội tùy thực tế có thể có nhiều nhóm “5+1”). Hộ nghèo, cận nghèo được giúp đỡ phải làm đơn đăng ký thoát nghèo bằng việc làm cụ thể để Hội giúp đỡ, như: chăn nuôi bò, dê, trồng trọt, dịch vụ… Đồng thời, xác định thoát nghèo vào thời gian nào, phải đăng ký để nhóm trưởng và các thành viên nhóm “5+1” theo dõi có kế hoạch giúp đỡ. Hội viên Đặng Ngọc Ấu, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, từ gia cảnh không có đất sản xuất, vợ chồng đi làm mướn công nhật để trang trải cuộc sống và nuôi 2 con đi học. Năm 2017, Chi hội CCB ấp thực hiện mô hình “5+1” hỗ trợ vốn cho hộ ông Ấu mua 4 con dê giống. Nhờ chăm chỉ, đến nay, đàn dê có 22 con (12 dê nái). Hàng năm, ông Ấu bán dê thịt hơn 50 triệu đồng. Năm 2019, gia đình ông Ấu thoát nghèo bền vững. Con trai học xong thạc sĩ được trường giữ lại giảng dạy. Con gái có việc làm ổn định từ mua bán mỹ phẩm...

Qua 2 năm thực hiện mô hình, tháng 8-2014, Hội CCB tỉnh đã tổ chức hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình khắp trong Hội CCB toàn tỉnh. Qua 10 năm thực hiện mô hình, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã giúp cho gần 15.000 hộ thoát nghèo.

Tiếp tục nhân rộng mô hình

Năm 2023, Hội CCB tỉnh tiếp tục thực hiện mô hình “5+1” giúp nhau xóa nghèo. Đồng thời, hình thành và nhân rộng mô hình “5+1” giúp nhau vươn lên khá giàu. Đến nay, Hội CCB tỉnh quản lý 641 mô hình (có 131 mô hình giúp nhau xóa nghèo, 510 mô hình giúp nhau vươn lên khá, giàu) đi vào hoạt động ở hầu khắp các chi hội, phân hội ở ấp, với 3.606 thành viên tham gia.

 Các huyện, thành hội, hội cơ sở, nhóm mô hình “5+1” vận động giúp vốn cho hộ nghèo sản xuất, với tổng số tiền 12,1 tỷ đồng. Kế đến là giúp cây trồng, vật nuôi các loại để tạo điều kiện cho hộ nghèo sản xuất phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, quy thành tiền 2,8 tỷ đồng. Cho mượn đất sản xuất: 15.952m2 và 13.291 ngày công lao động của hội viên CCB tham gia nhóm mô hình “5+1”, hỗ trợ xây hố xí tự hoại 247 triệu đồng.

Đại diện Hội CCB tỉnh cho hay, thông qua việc triển khai thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu và đang được nhân rộng. Điển hình là mô hình “5+1” của Hội CCB xã Tân Xuân, huyện Ba Tri có 4 hộ hội viên CCB nghèo, các đồng chí xây dựng 4 mô hình “5+1”. Ở từng mô hình, mỗi hội viên cho mượn 5 triệu đồng nhân lên thành 25 triệu đồng, giới thiệu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (có dự án) 50 triệu đồng, xuất quỹ đồng đội cho mượn 10 triệu đồng. Tổng cộng hộ hội viên nghèo có 85 triệu đồng. Hội CCB xã hướng dẫn cho hội viên mua 2 con bò sinh sản. Trong 1 năm, hộ này đã có từ 1 - 2 bê con. Ngoài ra, hội viên trong mô hình còn giúp công làm chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và thường xuyên cử hội viên đến để động viên và giúp đỡ trong chăn nuôi. 4 hộ này đã thoát nghèo năm 2023.

Được biết, ngày 31-8-2022, Ban Thi đua - Khen thưởng đã ban hành Hướng dẫn số 2357/HD-BTĐKT khen thưởng thành tích đối với các tập thể, cá nhân, hộ gia đình trong Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong hàng trăm mô hình, điển hình tiên tiến từ phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2023 của các tỉnh, thành phố gửi về, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã chọn 30 mô hình, điển hình tiêu biểu. Bến Tre có mô hình “5+1” (5 hộ khá giàu giúp 1 hộ nghèo) giúp CCB thoát nghèo của Hội CCB tỉnh được chọn là 1 trong 30 mô hình, điển hình tiêu biểu.

Tại Chương trình Gala Gặp mặt, giao lưu mô hình điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” năm 2023, Bến Tre là 1 trong số 10 mô hình, điển hình tiêu biểu đại diện cho 30 mô hình, điển hình tiêu biểu phát biểu tại gala giao lưu. Có 3 đại biểu được mời lên sân khấu, trong đó có Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Nguyễn Văn Hải. Các đại biểu đã chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng về những tấm gương nỗ lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu; kinh nghiệm về tổ chức thực hiện, về xây dựng mô hình sinh kế để giảm nghèo bền vững.

Nguơn Thành - Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN