Mở hướng đi cho liên kết ABCD Mekong

12/12/2016 - 07:38

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo phát biểu tại buổi nói chuyện. Ảnh: T. Quốc

Thường trực Tỉnh ủy vừa tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Khát vọng 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”, do nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cùng nhóm chuyên gia thực hiện. 

Tham dự có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Trần Dương Tuấn, Bí thư Thành ủy Bến Tre Nguyễn Văn Đức, đại biểu các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp cùng đại diện các sở, ban, ngành, các liên hiệp hội của tỉnh.

Tại buổi nói chuyện, đại diện các tỉnh liên kết ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) Mekong đặt vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và vai trò chỉ đạo của Chính phủ đối với liên kết của các tỉnh, vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hạ tầng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn thấp kém cần được đầu tư tương xứng; chi phí đầu vào sản phẩm nông nghiệp còn cao, gặp khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường; Chính phủ cần “mở” để người dân chuyển một phần diện tích đất lúa sang trồng các chủng loại cây trồng khác…

Các chuyên gia cho rằng, những năm qua, kinh tế của Việt Nam đạt thành tựu khá tốt nhưng do điểm xuất phát thấp nên vẫn chưa theo kịp các nước. Tình hình thế giới có nhiều mặt thay đổi đã tác động không nhỏ đến Việt Nam. Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đang chịu tác động khá gay gắt từ thiên tai và nhân tai. Trên thế giới có 20 nước, trong đó có Việt Nam phát triển trên nền tảng nông nghiệp nhưng vấn đề đặt ra là cần thay đổi cách làm.

Từ nay đến năm 2035, nông nghiệp Việt Nam cần thương mại hóa và hiện đại hóa. Nếu người nông dân duy trì phương thức sản xuất truyền thống, lạc hậu thì chắc chắn bị chùn lại. Nông nghiệp phải bám theo nhu cầu thị trường; xây dựng chuỗi giá trị trong khu vực, trong nước phải gắn với toàn cầu. Việt Nam xuất khẩu gạo, cà phê với số lượng nhất, nhì thế giới nhưng vẫn chưa có thương hiệu. Nắm bắt xu hướng khoa học công nghệ cũng là vấn đề cần quan tâm. Thế nhưng, tự động hóa vẫn tác động ngược lại, đó là dôi dư lao động việc làm. Hội nhập quốc tế mở ra thời cơ và thách thức, ngay trong thời cơ vẫn có thách thức và ngược lại, ngay trong thách thức vẫn có thời cơ. Một vấn đề khá quan trọng mà Việt Nam cần quan tâm là cải cách thể chế, bộ máy nhà nước phải mạnh, giải trình tốt hơn các vấn đề đặt ra.

TS. Vũ Thành Tự Anh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, mô hình cánh đồng mẫu lớn đang được nhiều tỉnh triển khai là một trong những giải pháp tổ chức lại trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất, hướng đến tạo sản phẩm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. 4 tỉnh ABCD đã hình thành liên kết, cần đề xuất Chính phủ cho thí điểm triển khai thực hiện tích tụ ruộng đất. Sản xuất nông nghiệp đã và đang chịu khan hiếm nước ngọt, chất lượng nước giảm, môi trường ô nhiễm hơn. Trong thay đổi cơ cấu sản xuất phải cân nhắc nên chăng quan tâm vấn đề công nghiệp hóa nông nghiệp nhiều hơn. Công nghệ mới sẽ mở ra chân trời mới, cũng là lời giải cho bài toán chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Liên kết ABCD Mekong làm thế nào phải kết nối được với TP. Hồ Chí Minh để giải quyết đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Nguồn nhân lực là câu chuyện đã nói nhiều nhưng vẫn còn lẩn quẩn. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có trường đại học nhưng có trường nào đào tạo gắn bó với kinh tế địa phương chưa; là vựa lúa của cả nước nhưng vẫn chưa có trường đại học đào tạo liên quan đến giống, chữa bệnh cho cây trồng, vật nuôi, cải tiến công nghệ. Hợp tác, liên kết 4 nhà đã nói nhiều nhưng đến nay vẫn không thành công mấy, bởi doanh nghiệp chưa được xem là trung tâm kết nối các nhà còn lại. Doanh nghiệp là người có kiến thức, cập nhật thông tin, hiểu rõ thị trường, nguồn cung ứng và suy nghĩ cách để có lợi nhuận. Các tỉnh chạy theo PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) là cần thiết nhưng chưa hẳn làm tăng thu nhập cho người dân. Trong khi đó, phát triển doanh nghiệp là điều kiện tốt nhất để góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, đã đến lúc cần nhận thức lại những vấn đề mà nhiều người biết. Sản xuất nông nghiệp cuối cùng vẫn phải là hiệu quả. Thế nhưng, chúng ta thường xuyên đề cập đến số lượng mà phớt lờ chất lượng. Thực tế, gạo, cà phê của Việt Nam xuất khẩu số lượng nhất, nhì thế giới nhưng đời sống người dân vẫn khó khăn, chưa đóng góp nhiều cho quốc gia. Chúng ta cần thay đổi nhận thức, sản xuất phải quan tâm tiêu chí chất lượng, hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN