Mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng với người đứng đầu cơ quan, đơn vị

02/01/2017 - 08:00

Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2016. Ảnh: T. Long

Mặc dù đã có nhiều văn bản xác định nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị nhưng một số nơi vẫn còn tình trạng cấp ủy đảng bao biện, làm thay công việc của chính quyền, đoàn thể hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo vẫn chưa được khắc phục có hiệu quả. 

Cho dù các loại hình tổ chức đảng đều có quy định về chức năng, nhiệm vụ nhưng việc cụ thể hóa trong các quy chế phối hợp hoạt động giữa cấp ủy với thủ trưởng cơ quan, đơn vị còn ít được đề cập hoặc còn chung chung. Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân không rõ ràng, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân; vừa không khuyến khích cá nhân người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; vừa tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc chủ quan, sai sót, thậm chí vi phạm.

Vì vậy, việc “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị” đã được xác định là một trong ba nhiệm vụ cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay được nêu trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI. Bài viết này xin đề cập một số vấn đề về mối quan hệ của cấp ủy đảng với người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị - một mắt xích quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội ở các cấp.

Thứ nhất, về chủ thể của các mối quan hệ. Chủ thể của các mối quan hệ với người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị là cấp ủy, là ban thường vụ, thường trực (bí thư, các phó bí thư), chi bộ, đảng đoàn, ban cán sự đảng.

Theo quy định của Điều lệ Đảng, cấp ủy đảng do đại hội đảng bộ, chi bộ bầu ra, là cơ quan lãnh đạo giữa hai kỳ đại hội, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ, chi bộ, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên. Ban thường vụ do cấp ủy bầu ra để chỉ đạo, điều hành hoạt động của đảng bộ giữa hai kỳ họp cấp ủy, lãnh đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy cùng cấp và cấp trên; quyết định những vấn đề về chủ trương, tổ chức, cán bộ theo thẩm quyền; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của cấp ủy. Thường trực cấp ủy (bí thư, các phó bí thư) có nhiệm vụ chỉ đạo kiểm tra thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, của ban thường vụ và cấp ủy cấp trên; giải quyết công việc hàng ngày của đảng bộ giữa hai kỳ họp ban thường vụ; quyết định triệu tập và chuẩn bị nội dung các kỳ họp của ban thường vụ. Riêng ở chi bộ chỉ có bí thư, phó bí thư, hoặc chỉ có bí thư thì chủ thể lãnh đạo vẫn là tập thể chi bộ. Cũng theo quy định của Đảng, chủ thể lãnh đạo còn có đảng đoàn, ban cán sự đảng được cấp ủy chỉ định ở một số cơ quan chính quyền, đoàn thể.

Chủ thể trong các mối quan hệ của người đứng đầu cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội với cấp ủy là các tập thể lãnh đạo (UBND, HĐND, MTTQ, ban chấp hành, ban thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hội, thủ trưởng cơ quan nơi thực hiện chế độ thủ trưởng).

Thứ hai, về người đại diện cho chủ thể trong các mối quan hệ. Trong thực tế, mối quan hệ giữa Đảng với chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp thường được cụ thể hóa qua quy chế làm việc của cấp ủy (cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy), chi ủy, chi bộ hoặc ban cán sự đảng, đảng đoàn. Các mối quan hệ nêu trong quy chế được thực thi thông qua người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng, cơ quan, đơn vị.

Bí thư cấp ủy là người đứng đầu cấp ủy nhưng không phải là thủ trưởng của cấp ủy đảng mà chỉ với tư cách là người thay mặt cấp ủy; các phó bí thư cũng vậy, chỉ là người được thay mặt cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thực hiện nhiệm vụ được cấp ủy phân công với góc độ “cá nhân phụ trách”, trong đó có những vấn đề có liên quan đến tổ chức, cá nhân người đứng đầu cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội.

Chủ tịch là “người đứng đầu” HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội cũng với tư cách là người thay mặt tổ chức đó (chứ không phải là thủ trưởng) thực hiện mối quan hệ với cấp ủy trong vai trò là bí thư đảng đoàn, ban cán sự đảng hoặc bí thư cấp ủy trực thuộc (nơi không thành lập ban cán sự đảng, đảng đoàn). Thủ trưởng của cơ quan, sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, kể cả các cơ quan tham mưu, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy đảng (nơi thực hiện chế độ thủ trưởng), không “đại diện”, “thay mặt” cho cơ quan, tổ chức nên trong mối quan hệ với cấp ủy là tư cách cấp ủy viên hoặc chỉ là đảng viên.

Thứ ba, về thẩm quyền và trách nhiệm của cấp ủy. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, thẩm quyền và trách nhiệm thuộc về cấp ủy nhưng do không thể thường xuyên xử lý công việc hàng ngày được nên phải phân công, ủy quyền cho ban thường vụ, thường trực, thậm chí cho từng cấp ủy viên, trong đó có bí thư, phó bí thư cấp ủy phụ trách. Trong nhiều trường hợp, nhất là công tác cán bộ, cấp ủy còn thực hiện phân cấp quản lý, gắn trách nhiệm của cấp ủy và thủ trưởng đơn vị cấp dưới. Cấp trên tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, giúp cấp dưới thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, theo đó, công việc được giải quyết nhanh chóng và chính xác hơn.

Việc xác định quyền và trách nhiệm cần đảm bảo đúng nguyên tắc, dân chủ, công khai và quyền hạn đến đâu thì trách nhiệm đến đấy. Tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu là biện pháp thiết thực để thực hiện “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Theo đó, cần cụ thể hóa nhiệm vụ của các thành viên trong thường trực cấp ủy, trước hết là của bí thư, với tư cách là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng; việc thí điểm giao quyền cho bí thư giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ cũng là một trong những việc làm thiết thực để thực hiện trao quyền và trách nhiệm cụ thể hơn cho bí thư. Tuy vậy, không thể “đổ” tất cả mọi việc cho bí thư mà mỗi cấp ủy viên cần được giao nhiệm vụ thực hiện công việc cụ thể của cấp ủy. Tập thể cấp ủy, ban thường vụ nếu ban hành quyết định sai lầm đến mức phải kỷ luật thì không chỉ xử lý kỷ luật tập thể mà phải đồng thời kỷ luật từng thành viên (trừ những đồng chí từng có ý kiến không tán thành). Có như vậy mới khắc phục được tình trạng nể nang, “mũ ni che tai”, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh đang tồn tại ở không ít tổ chức đảng hiện nay.

Thứ tư, về thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị. Đối với các cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, mối quan hệ với cấp ủy được xác định thông qua đảng đoàn và ban cán sự đảng; nơi không thành lập đảng đoàn, ban cán sự đảng thì thông qua cấp ủy, chi bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị với tư cách là cấp ủy viên hoặc đảng viên. Như vậy, về nguyên tắc, mối quan hệ giữa cấp ủy với các cơ quan, đơn vị là mối quan hệ giữa các tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong hệ thống chính trị. Đó là một trong những phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng và là nội dung quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ: “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.

Điều đặc biệt cần chú ý là tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên; không quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Nghị quyết của cấp ủy đảng có hiệu lực trong toàn bộ hệ thống tổ chức đảng trực thuộc mà đảng viên ở bất cứ cương vị nào cũng phải triển khai thực hiện trên lĩnh vực công tác của từng cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, cũng có quyết định của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy chỉ với yêu cầu đề xuất, giới thiệu nếu vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Đảng giữ đúng vai trò định hướng, không làm thay các tổ chức trong hệ thống chính trị, tôn trọng và phát huy quyền hạn và trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Thứ năm, thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy trong mối quan hệ với cấp ủy vừa là sự phục tùng sự phân công của cấp ủy, vừa là người được thay mặt cấp ủy, ban thường vụ chỉ đạo các tổ chức đảng trực thuộc thực hiện nghị quyết của cấp ủy, có quyền quyết định các công việc nội bộ đảng theo đúng thẩm quyền, đúng nguyên tắc, trình tự quy định của Đảng, không được quyền ban hành những quyết định trái với chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của tập thể cấp ủy; không được chỉ đạo theo quan điểm cá nhân, lợi dụng danh nghĩa cấp ủy đảng để ép thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải thực hiện.

Người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy với tư cách là cấp ủy viên, đảng viên, nói và làm theo nghị quyết của Đảng, của cấp ủy, kể cả khi ý kiến của mình khác với nghị quyết của cấp ủy. Tuy nhiên, trong trường hợp cấp ủy quyết định trái với quy định của Nhà nước thì phải kiên quyết bảo lưu ý kiến và vẫn quyết định theo thẩm quyền, chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về quyết định đó. Đồng thời báo cáo lên cấp ủy và cơ quan quản lý cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo.

Để phát huy dân chủ và tăng trách nhiệm của người đứng đầu, Đảng ta chủ trương thí điểm giao quyền cho cấp trưởng lựa chọn, giới thiệu, đề cử cấp phó trên cơ sở tăng cường xây dựng, thực hiện quy chế, quy trình dân chủ và tăng cường sự kiểm tra, hướng dẫn của cấp trên, sự giám sát của nhân dân và chất vấn trong mỗi kỳ họp cấp ủy.

Giải quyết tốt mối quan hệ trên sẽ tạo sự phối hợp hoạt động đồng bộ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa cấp ủy với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tăng cường đoàn kết thống nhất, tạo thành hợp lực để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Bùi Văn Bia - Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN