Nâng cao chất lượng công tác thu gom và xử lý chất thải

20/05/2024 - 06:36

BDK - Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN), hiện nay, 100% các KCN trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định. Các công trình xử lý nước thải tập trung do Ban Quản lý dự án phát triển hạ tầng các KCN đầu tư và quản lý vận hành; có lắp đặt các trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục để giám sát chất lượng nước thải sau xử lý. Dữ liệu quan trắc được truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, quản lý liên tục 24 giờ.

Khảo sát môi trường tại bãi rác An Hiệp, Ba Tri.

Khảo sát môi trường tại bãi rác An Hiệp, Ba Tri.

Các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đang được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các CCN tự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải để xử lý trước khi thải ra môi trường. Hoạt động sản xuất tại các làng nghề phát sinh nước thải có lưu lượng nhỏ và tần suất phát sinh không thường xuyên, hiện tại các khu vực làng nghề chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

 Đối với chất thải rắn, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường phát sinh tại 2 KCN khoảng 72.233 tấn/năm, tương đương 201 tấn/ngày; chất thải rắn nguy hại khoảng 646 tấn/năm, tương đương 1,7 tấn/ngày. Hiện nay, có 100% các doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ. Các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại đều được phân loại và ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng ngoài tỉnh để thu gom, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tại các CCN, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp thông thường là 14.614 tấn/năm, tương đương 40 tấn/ngày; khối lượng rác thải nguy hại là 5 tấn/năm, tương đương 0,01 tấn/ngày. Rác thải công nghiệp thông thường và thải nguy hại được các cơ sở hợp đồng với các đơn vị có chức năng ngoài tỉnh để thu gom, vận chuyển và xử lý với tần suất 1 tháng/lần đối với rác thải công nghiệp và 1 năm/lần đối với rác thải nguy hại, đạt tỷ lệ 100%.

Tại các làng nghề, một số loại hình sản xuất có phát sinh bụi, khí thải chủ yếu là sản xuất chỉ xơ dừa và than thiêu kết, nhưng vẫn chưa được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý khí thải. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh kiểm soát nguồn thải và có giải pháp giải quyết dứt điểm tình hình ô nhiễm môi trường đối với các loại hình sản xuất này, đặc biệt là sản xuất than thiêu kết. Trong năm 2023, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề sản xuất than thiêu kết đã cơ bản được kiểm soát, không để phát sinh mới, không mở rộng quy mô sản xuất và các cơ sở đều buộc có triển khai mô hình xử lý khí thải.

Thu gom và xử lý chất thải tại các cơ sở y tế. Đối với chất thải rắn, trong năm 2023, tổng lượng rác thải y tế lây nhiễm và nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế12 khoảng 709 tấn/năm, tương đương 1,9 tấn/ngày. Trong đó, lượng rác thải y tế lây nhiễm chiếm khoảng 89% và rác thải y tế nguy hại khác chiếm 11%. Các bệnh viện công lập và các trung tâm y tế tuyến huyện có hệ thống xử lý chất thải y tế lây nhiễm bằng phương pháp đốt thông qua các lò đốt rác thải đặt tại đơn vị. Các cơ sở y tế không có đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế lây nhiễm thì hợp đồng xử lý với các đơn vị có chức năng để xử lý theo mô hình cụm. Đối với rác thải nguy hại không lây nhiễm, các cơ sở y tế hợp đồng thuê đơn vị có chức năng xử lý ngoài tỉnh để thu gom, xử lý theo quy định với tần suất 6 tháng/lần.

Chất thải rắn sinh hoạt tại các cơ sở y tế phát sinh khoảng 5 - 6 tấn/ngày, được thu gom và lưu trữ riêng biệt với rác thải y tế nguy hại. Hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện thu gom, phân loại và lưu trữ chất thải rắn y tế trong khuôn viên theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải y tế. Đối với nước thải, 100% các cơ sở y tế có đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng chỉ có 43/49 cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Đối với khí thải, phát sinh chủ yếu từ các lò đốt chất thải y tế lây nhiễm, mặc dù có lưu lượng phát thải không lớn, nhưng cần phải có biện pháp quản lý, xử lý hiệu quả lượng khí thải này để tránh gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương cho các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt; công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; triển khai các dự án, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh như: khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường và mở rộng bãi rác An Hiệp, đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí bằng hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục...

Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN