Nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh

23/12/2022 - 05:41

BDK - Tháng hành động Quốc gia về dân số (DS) và Ngày DS Việt Nam 26-12-2022 với chủ đề “Nâng cao chất lượng DS để phát triển đất nước nhanh và bền vững” nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chăm lo cải thiện chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại ra mắt thành viên câu lạc bộ. Ảnh: Anh Kiệt

Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại ra mắt thành viên câu lạc bộ. Ảnh: Anh Kiệt

Nâng cao chất lượng dân số

Chất lượng DS được hiểu là tổng hợp những thuộc tính bản chất của DS gồm các yếu tố về thể lực, trí lực, tinh thần của con người phù hợp với quy mô, cơ cấu DS và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đó. Chất lượng DS được đánh giá thông qua các nhóm chỉ tiêu về DS, chỉ tiêu về đánh giá chất lượng con người, chỉ tiêu về môi trường kinh tế - xã hội tạo điều kiện cho sự phát triển, hoàn thiện con người.

Trong thời gian vừa qua, mặc dù chất lượng DS ở Việt Nam đã được nâng lên, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước, song chất lượng DS cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Cụ thể, tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện, số năm sống khỏe mạnh còn thấp so với nhiều nước. Chỉ số phát triển con người (HDI) chưa cao. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Lợi thế của DS vàng chưa được khai thác hiệu quả. Tốc độ già hóa DS nhanh và chưa có hệ thống giải pháp phù hợp thích ứng với già hóa DS. Phân bố DS, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư và ở nhiều đô thị, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế. Chất lượng DS về trí lực và năng lực còn thấp. Những hạn chế về chất lượng DS nêu trên đã trở thành những rào cản đối với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và làm giảm đóng góp vào quá trình tăng trưởng trong thời gian tới.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nêu rõ: “Chuyển trọng tâm chính sách DS từ kế hoạch hóa gia đình sang DS và phát triển. Công tác DS phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng DS và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Theo đó, để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng DS theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, tỉnh đã duy trì và nhân rộng các mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS trên phạm vi toàn tỉnh.

Mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân được duy trì tại 157 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố. Số câu lạc bộ (CLB) tiền hôn nhân được duy trì đến cuối năm 2022 là 247 CLB, sinh hoạt định kỳ mỗi quý 1 lần. Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình trong năm đã phối hợp với Trường Cao đẳng Đồng Khởi, các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố tổ chức 30 cuộc nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên cho 7.500 sinh viên, học sinh. Bên cạnh đó, tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng tư vấn, điều hành sinh hoạt cho 88 thành viên tổ tư vấn và 10 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân cho 400 cộng tác viên DS. Tổ tư vấn tiền hôn nhân các xã phường, thị trấn đã tư vấn cho 5.140 nam, nữ chuẩn bị kết hôn, kết quả sau tư vấn có 596 trường hợp tự nguyện khám sức khỏe, đạt 24% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2022.

Đề án tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ (Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Cần Thơ) tổ chức lớp đào tạo liên tục “Siêu âm hình thái thai nhi” năm 2022 cho 13 học viên là bác sĩ siêu âm của trung tâm y tế các huyện, thành phố và Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh. Trong năm 2022, có 9.930 bà mẹ mang thai thực hiện tầm soát bệnh, dị tật trước sinh, đạt 70,89% trên tổng số bà mẹ mang thai, tăng 7,30% so với cùng kỳ năm 2021. Số trẻ sơ sinh được lấy máu gót chân là 10.853 trẻ, đạt 95,44% trên tổng số trẻ sinh ra sống, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng DS trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Mô hình tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân ở cấp cơ sở còn hạn chế trong công tác chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát; công tác phối hợp của các thành viên tổ tư vấn chưa nhịp nhàng trong cách tiếp cận đối tượng để truyền thông, tư vấn; có nơi công tác chuẩn bị cho cuộc tư vấn chưa chu đáo làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu khám sức khỏe trước hôn nhân. Các thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Tiền hôn nhân thường xuyên thay đổi, số lượng vị thành niên, thanh niên tham gia sinh hoạt của các CLB giảm dần.

Hội thảo tập huấn hướng dẫn thực hiện về mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chủ trì tổ chức tại tỉnh. Ảnh: Anh Kiệt

Hội thảo tập huấn hướng dẫn thực hiện về mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chủ trì tổ chức tại tỉnh. Ảnh: Anh Kiệt

Một số đối tượng trong diện ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn chưa mạnh dạn tham gia sàng lọc trước sinh. Mặc dù đã tư vấn nhưng một số đối tượng được chỉ định, yêu cầu xét nghiệm sơ sinh lần 2 không thực hiện đầy đủ với lý do gia đình đối tượng không đủ điều kiện về kinh phí khi đưa trẻ sơ sinh đến bệnh viện tuyến trên. Đối với các trường hợp trẻ thuộc diện miễn phí chỉ thực hiện xét nghiệm có 2 bệnh (suy giáp bẩm sinh và thiếu men G6PD), nhưng người thân có nhu cầu xét nghiệm 3 bệnh (thêm 1 bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh) nên chuyển sang đóng phí, do đó chỉ tiêu sàng lọc miễn phí hàng năm của tỉnh đạt thấp.

Các bệnh viện trên địa bàn tỉnh chưa có Khoa Lão khoa, chỉ có Khoa Tim mạch - Lão học. Bên cạnh đó, số lượng bác sỹ được đào tạo về lão khoa còn thiếu nên chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Phần lớn trạm y tế xã thiếu nguồn lực để thực hiện Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15-10-2011 của Bộ Y tế, trong đó có việc quản lý và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi.

Giải pháp thời gian tới

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng DS trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030, Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình chủ trương thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

Tham mưu Sở Y tế trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết quy định một số chính sách khen thưởng, hỗ trợ trong công tác DS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho đối tượng thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông vận động nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các ấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS tại địa phương. Đổi mới nội dung, phương pháp truyền thông theo hướng hiện đại, đẩy mạnh tư vấn cộng đồng, vận động thanh niên thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh theo danh mục một số bệnh, tật bẩm sinh được tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh thuộc gói dịch vụ cơ bản của Bộ Y tế.

Củng cố, nâng cấp các cơ sở cung cấp dịch vụ tầm soát hiện có, phát triển thêm các cơ sở cung cấp dịch vụ theo phân cấp kỹ thuật. Hình thành các cơ sở tầm soát trước sinh, sơ sinh ngang tầm khu vực để phát hiện được dị tật, bệnh đã triển khai trong chương trình. Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; theo dõi và quản lý đối tượng.

Thực hiện xã hội hóa dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh, sơ sinh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chương trình theo hướng xã hội hóa; huy động toàn bộ mạng lưới y tế, DS tham gia theo chức năng, nhiệm vụ được giao; ưu tiên bảo đảm hoạt động ở tuyến cơ sở.

Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh thành lập mới thêm 5 CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” tại huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri. Tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ năng quản lý, điều hành cho 78 thành viên Ban Chủ nhiệm CLB “Liên thế hệ tự giúp nhau” mới thành lập năm 2022 và các thành viên mới được củng cố tại các CLB đã thành lập. Đồng thời, tổ chức 2 lớp tập huấn kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho 61 tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi tại nhà. Phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức khám và lập sổ theo dõi sức khỏe định kỳ cho 5.112 người cao tuổi.

Trần Anh Kiệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN