Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai

30/12/2020 - 06:57

BDK - Thời gian qua, công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn vẫn còn cao, ít nhiều ảnh hưởng hiệu quả hoạt động nền hành chính của ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT). Trước thực trạng đó, Sở TN&MT đã đề ra giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết TTHC tại đơn vị, góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh của tỉnh.

Lực lượng làm nhiệm vụ đo đạc, xác định ranh giới thửa đất.

Lực lượng làm nhiệm vụ đo đạc, xác định ranh giới thửa đất.

Trên 4% hồ sơ quá hạn

Sở TN&MT đã được phân giao thực hiện 32/99 TTHC về đất đai. Tính đến đầu tháng 12-2020, đơn vị đã tiếp nhận trên 268 ngàn hồ sơ. Trong đó, giải quyết trước hạn 68.274 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 176.774 hồ sơ, giải quyết quá hạn trên 11 ngàn hồ sơ, số còn lại đang giải quyết. Số hồ sơ giải quyết quá hạn chiếm tỷ lệ còn khá cao (4,34%). Các hồ sơ trễ hẹn chủ yếu tập trung vào các loại thủ tục: chia, tách đất đai; thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Giám đốc Sở TN&MT Bùi Minh Tuấn cho biết, do tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên phát sinh một khối lượng lớn hồ sơ đo đạc tách thửa. Công tác hiệp thương ranh giới, mốc giới thửa đất gặp nhiều khó khăn do chủ sử dụng liền kề đi vắng, không có mặt ở địa phương…; ranh giới còn tranh chấp chưa thống nhất giữa các chủ sử dụng dẫn đến thủ tục tách thửa phải tạm dừng lại. Một số trường hợp do bản đồ địa chính còn sai sót nên phải tiến hành sửa sai bản đồ địa chính gốc.

Mặt khác, công tác ngoại hiệp bị ảnh hưởng thời tiết nên đã làm cho thời gian giải quyết hồ sơ bị kéo dài thêm. Các thủ tục đăng ký biến động QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp giải quyết tranh chấp khiếu nại, tố cáo về đất đai; kê biên, đấu giá QSDĐ, tài sản gắn liền với đất đai để thi hành án theo bản án của tòa án do người sử dụng đất chậm hoặc không nộp giấy chứng nhận gốc. Do đó, đơn vị chuyên môn phải mất 30 ngày để thông báo, giao nộp lại giấy chứng nhận đã cấp. Hầu hết các chủ sử dụng đất không hợp tác nộp lại giấy chứng nhận. Văn phòng đăng ký đất đai phải làm tiếp thủ tục hủy giấy chứng nhận đã cấp. Trong khi đó, theo quy định của bộ TTHC thì chỉ giải quyết thủ tục trong 10 ngày.

Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật về đất đai chưa rõ ràng, thường xuyên sửa đổi, bổ sung dẫn đến phải nghiên cứu, bổ sung để áp dụng thực hiện giải quyết TTHC. TTHC của Bộ TN&MT chưa theo kịp những phát sinh từ thực tế đặt ra, gây khó khăn đối với người dân và cơ quan thực thi nhiệm vụ còn lúng túng trong thực hiện. Hiện nay, số lượng công chức, viên chức (CC, VC) của ngành TN&MT bố trí tham gia giải quyết TTHC chưa đáp ứng với khối lượng hồ sơ phát sinh hiện tại. Trình độ chuyên môn của CC, VC trực tiếp giải quyết TTHC trong quá trình thẩm tra, xác minh có phần hạn chế.

Nâng cao chất lượng giải quyết

Từ thực trạng trên, ngành TN&MT đã đề ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng tinh gọn, minh bạch, đơn giản hóa, chặt chẽ, ứng dụng triệt để khoa học công nghệ, nhằm nâng cao sự hài lòng của người dân. Trước mắt, Sở TN&MT sẽ có kiến nghị với Bộ TN&MT xem xét sửa đổi, bổ sung để đơn giản TTHC đất đai cho phù hợp với thực tế, nhằm mang tính cụ thể theo đặc điểm, văn hóa, tập quán của từng vùng miền.

Giám đốc Sở TN&MT Bùi Minh Tuấn cho hay, riêng tại đơn vị, ngành sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá các quy định pháp luật để kiến nghị đơn giản hóa hoặc loại bỏ những nội dung rườm rà, không cần thiết; bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước; kiểm soát chặt chẽ TTHC thuộc thẩm quyền.

Dự kiến năm 2021, ngành sẽ xây dựng phương án thực hiện kéo giảm tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hẹn đối với TTHC về đất đai. Định kỳ tổ chức thực hiện khảo sát để đánh giá mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên lĩnh vực đất đai để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.

Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và các quy chế, quy trình và các TTHC để người dân và doanh nghiệp biết, thực hiện, giám sát. Đồng thời, cập nhật kịp thời khi có thay đổi. Thực hiện khoán công việc cho viên chức thực hiện các TTHC, nhất là thủ tục chia, tách thửa đất đai để tạo động lực và tính năng động của người cán bộ trong thực hiện TTHC. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4. Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích.

Ngoài ra, tập trung nguồn lực đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, nâng cấp phần mềm chuyên ngành, áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, tận tâm phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội trong giải quyết công việc của CC, VC, nhất là CC, VC làm việc tại bộ phận một cửa. Bố trí thêm CC, VC thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC và thực hiện tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Thời gian qua, thông qua các biện pháp cải cách hành chính gắn với thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, mối quan hệ giữa nhà nước với người dân và doanh nghiệp được cải thiện đáng kể.

Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các huyện, thành phố cũng thực hiện cơ chế này. Các đơn vị đã thực hiện xây dựng quy trình giải quyết nội bộ cho từng thủ tục hành chính; được công khai hóa, minh bạch hóa theo quy định. Các thủ tịch hành chính được rà soát, sửa đổi, bãi bỏ theo hướng đơn giản hơn, thuận tiện hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN