Quy định về xác định ranh giới thửa đất

30/08/2020 - 18:33

BDK - Năm 2016, gia đình tôi có mua một miếng đất và nhận chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) từ người bán. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, tôi phát hiện chủ đất liền kề không sử dụng đúng ranh giới đất đai giữa hai bên. Đến khi tôi lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì chủ đất liền kề này không ký xác nhận giáp ranh, không ký vào bản mô tả ranh giới thửa đất theo yêu cầu.

Ông K. (huyện Ba Tri) có nhu cầu tư vấn: Năm 2016, gia đình tôi có mua một miếng đất và nhận chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) từ người bán. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, tôi phát hiện chủ đất liền kề không sử dụng đúng ranh giới đất đai giữa hai bên. Đến khi tôi lập hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì chủ đất liền kề này không ký xác nhận giáp ranh, không ký vào bản mô tả ranh giới thửa đất theo yêu cầu.

Xin hỏi: Trường hợp này phải giải quyết như thế nào? Có làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ được không?

Thắc mắc của ông được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo thông tin ông cung cấp, đây thuộc trường hợp tranh chấp đất đai, do một bên xâm phạm ranh giới đất của bên kia nên không ký giáp ranh và không chấp nhận bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19-5-2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định về bản đồ địa chính, thì việc xác định ranh giới thửa đất, lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất, được thực hiện như sau: “Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 11 kèm theo thông tư này cho tất cả các thửa đất trừ các trường hợp sau đây: “… 2.3. Trường hợp ranh giới thửa đất đang có tranh chấp thì trên bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất thể hiện đồng thời theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và theo ý kiến của các bên liên quan”.

Căn cứ quy định nêu trên, khi thực hiện trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu, người dẫn đạc (là công chức địa chính cấp xã trực tiếp tham gia việc xác định ranh giới, mốc giới thửa đất), cùng với cán bộ đo đạc, lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất theo mẫu quy định tại Phụ lục số 11 kèm theo Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT. Trường hợp ranh giới thửa đất đang có tranh chấp thì trên bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất thể hiện đồng thời theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và theo ý kiến của các bên liên quan.

Trường hợp này, do giữa ông và hộ liền kề đang có tranh chấp ranh đất, nên bản đồ mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất phải thể hiện đồng thời theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và còn theo ý kiến của chủ đất liền kề có tranh chấp.

Do vậy, việc đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông sẽ không thể thực hiện được đối với đất đang có tranh chấp, theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 99 Luật Đất đai năm 2013.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, ông cần chủ động hòa giải với chủ đất liền kề. Trường hợp giữa các bên tranh chấp không tự hòa giải được, thì ông có thể gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để tổ chức hòa giải theo quy định.

Nếu tại UBND xã hòa giải không thành, ông có thể lựa chọn một trong 2 hình thức giải quyết tranh chấp là: Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp huyện hoặc nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện (nơi có đất).

H.Trâm  (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN