Học sinh tham khảo các bài thi nét chữ đẹp.
Triển khai thực hiện khá tốt
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) La Thị Thúy cho biết, việc GDĐĐLSKNS cho học sinh được các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện khá tốt. Thực tế đã có một số mô hình, cách làm thiết thực mang lại hiệu quả giáo dục cao.
Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP. Bến Tre) có lịch sử thành lập lâu đời và truyền thống dạy tốt, học tốt. Nhà trường luôn xác định công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; GDĐĐLSKNS cho học sinh là quan trọng nhất để phát triển nhân cách cho các em. Hàng năm, nhà trường đã quán triệt, thực hiện tốt các chỉ đạo của lãnh đạo các cấp trong công tác giảng dạy, giáo dục học sinh, góp phần giáo dục đào tạo nhiều thế hệ học sinh có ích cho xã hội.
Chia sẻ kinh nghiệm của trường, Phó hiệu trưởng Huỳnh Quốc Trung cho biết, ngay từ đầu năm, trường triển khai cho tất cả học sinh học tập nội quy nhà trường và cam kết thực hiện nội quy nhà trường. Chuyển tải nội dung học tập và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Đảng, Đoàn, lý luận chính trị đến đoàn viên, thanh niên. Trường còn đưa nội dung đánh giá việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung sinh hoạt thường xuyên của chi đoàn gắn với hình mẫu “Người thanh niên Đồng khởi mới” và các hoạt động truyền thống cách mạng.
Bên cạnh đó, nhà trường đã tăng cường các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đồng thời có những thay đổi về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức, đặc biệt phát huy được vai trò của Đoàn thanh niên trong việc phối hợp với chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể trong công tác giáo dục.
Ngành GD&ĐT huyện Mỏ Cày Bắc cũng đã phát huy vai trò nòng cốt, tích cực của tổ chức Đội, Đoàn góp phần mang lại hiệu quả tốt thông qua các phong trào thi đua học tập, công tác đền ơn đáp nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”, “Áo lụa tặng bà”; các phong trào làm theo lời Bác… Tất cả hoạt động đã thu hút các em tham gia, góp phần hình thành các phẩm chất đạo đức tốt, thói quen, hành vi tốt, kỹ năng trong cuộc sống.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT Mỏ Cày Bắc Nguyễn Văn Minh, huyện hết sức quan tâm chỉ đạo hiệu trưởng có trách nhiệm chọn lựa giáo viên có kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm lớp, nhất là đối với các lớp cuối cấp. Đa số giáo viên chủ nhiệm đều có tâm huyết, có phương pháp trong công tác nắm bắt hoàn cảnh, năng lực, sở trường của học sinh để xử lý khi có tình huống xảy ra. Giáo viên chủ nhiệm kiên trì, dùng lý lẽ, tình cảm yêu thương để thông cảm, lắng nghe và chia sẻ với các em. Từ đó, số học sinh vi phạm nội quy nhà trường, vi phạm đạo đức có sự chuyển biến giảm đáng kể.
Học sinh tiểu học và THCS có nhiều biến động về tâm sinh lý rất nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường sống bên ngoài tác động, để GDĐĐLSKNS cho lứa tuổi này, nhiều trường đã thông qua các môn học: Tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên và xã hội và nhiều môn khác. Góc độ quản lý, Sở GD&ĐT đã phối hợp các trường đại học, học viện để tổ chức tập huấn cho giáo viên, đồng thời phối hợp một số sở, ngành tỉnh triển khai nhiều hoạt động nhằm GDĐĐLSKNS cho học sinh. Điển hình, ở bậc trung học đã triển khai chương trình học làm người có ích; pháp luật tuổi 18 - vòng tay yêu thương... Từ năm học 2018-2019, sở đã phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ Cambridge triển khai chương trình giáo dục kỹ năng sống Poki ở bậc tiểu học.
Học sinh Trường phổ thông Hermann Gmeiner tương tác trong giờ ngoại khóa.
Cùng chung trách nhiệm
Kết quả khảo sát thực tế của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về công tác GDĐĐLSKNS trong học sinh, bên cạnh kết quả, một số đơn vị triển khai chưa thật hiệu quả. Các hình thức tổ chức rèn luyện kỹ năng ứng xử, giao tiếp cho học sinh chưa phong phú, đa dạng; chương trình dạy học còn nặng lý thuyết, chưa có nhiều nội dung thuộc về kỹ năng, đạo đức, sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục học sinh có lúc, có nơi chưa chặt chẽ.
Ông Nguyễn Văn Trung - Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy lưu ý, GDĐĐLSKNS cho học sinh là vấn đề rất quan trọng, không chỉ riêng với vai trò ngành GD&ĐT mà là sự cần thiết phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Vai trò của gia đình và nhà trường hết sức quan trọng trong việc GDĐĐLSKNS góp phần hình thành nhân cách cho học sinh. Do đó, phòng GD&ĐT, các trường học hết sức quan tâm và có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ba môi trường: nhà trường và gia đình, xã hội để làm tốt công tác GDĐĐLSKNS cho học sinh trong thời gian tới.
Ông Lê Tuấn Kiệt - Trợ lý thanh niên Trường THPT Lê Quí Đôn (Bình Đại) cho rằng, muốn định hướng đúng sự phát triển tâm lý và việc hình thành nhân cách học sinh, các lực lượng giáo dục, nhất là Đoàn thanh niên, cần đặt người học vào quy trình tương tác, tạo điều kiện để người học rèn luyện và thể hiện chính kiến và quan điểm của mình.
“Với vai trò người đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên, học sinh, tổ chức Đoàn thanh niên nên và hãy phối hợp chặt chẽ với các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường tạo điều kiện để giúp các em tương tác, trải nghiệm kỹ năng sống, ươm mầm khởi nghiệp và dũng cảm thay đổi chính mình để hoàn thiện nhân cách, tri thức qua quá trình giáo dục ở trường phổ thông. Từ đó, các em vững vàng hòa nhập cuộc sống một cách tự tin, bản lĩnh”, ông Lê Tuấn Kiệt chia sẻ.
Những hình ảnh đẹp của thầy cô giáo sẽ có những tác động tích cực đến suy nghĩ, đạo đức của học sinh. Vì vậy, cần xây dựng, hình thành các thói quen cho giáo viên, nhân viên tốt để là tấm gương tác động cho học sinh học tập và noi theo. Mỗi nhà giáo nên phát huy tấm gương sáng trong môi trường giáo dục. Thường xuyên theo dõi việc sử dụng mạng xã hội của học sinh và làm tốt công tác tư vấn tâm lý học sinh. Thông qua đó, kịp thời nắm tâm tư, tình cảm, những khó khăn để có những định hướng tích cực cho các em học sinh. Theo dõi uốn nắn các trường hợp cá biệt; biểu dương việc tốt trong học sinh để nhân rộng. |
Bài, ảnh: Phan Hân