Tỉnh quan tâm nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và phân luồng học sinh.
Kết quả thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW đã đạt được kết quả quan trọng. Cả nước đã hoàn thành PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì và nâng cao chất lượng PCGD tiểu học, THCS, một số nơi có điều kiện tiến hành PCGD trung học. Công tác xóa mù chữ cho người lớn có chuyển biến tích cực, khuyến khích người mới biết chữ tiếp tục học tập để không tái mù chữ. Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS được quan tâm hơn, tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp trung học lựa chọn hướng đi phù hợp, tiếp cận nghề nghiệp và học tập suốt đời.
Trên địa bàn tỉnh, công tác PCGD, xóa mù chữ được Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện; UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030. Cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, nâng cao dân trí, chuyên môn, nghiệp vụ; các địa phương đưa nội dung, mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã kiểm tra và công nhận tỉnh đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2, đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; duy trì kết quả đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi (được công nhận lần thứ nhất vào năm 2014 và được công nhận lại vào năm 2019).
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh, người dân, các cấp, các ngành về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS đã được nâng cao; thông tin về việc làm, đào tạo nghề, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và chế độ, chính sách của Nhà nước về việc làm và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, công tác hướng nghiệp cho học sinh, tuyển sinh vào các trường nghề đã có những chuyển biến rất tích cực; các trường nghề của tỉnh đều tuyển sinh đạt chỉ tiêu được giao.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW
Để nâng cao chất lượng công tác PCGD, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT La Thị Thúy, Chỉ thị số 29-CT/TW có một số điểm mới so với Chỉ thị số 10 trước đây. Bên cạnh việc củng cố công tác PCGD, xóa mù chữ, chỉ thị cũng mở rộng thêm đối tượng trong phân luồng học sinh là giáo dục phổ thông, so với Chỉ thị số 10 trước đây chỉ quan tâm phân luồng sau THCS. Chỉ thị số 29 đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, chỉ tiêu PCGD mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi mở rộng thêm 2 lứa tuổi 3 và 4 tuổi so với Chỉ thị số 10 trước đây chỉ quan tâm PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Ngày 24-4-2024, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 54-CTr/TU cụ thể hóa triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW. Chương trình đề ra mục tiêu: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương, các tổ chức và toàn xã hội về công tác PCGD, xóa mù chữ và phân luồng học sinh; quan tâm đầu tư để phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục tạo nền tảng về trình độ dân trí vững chắc, cũng như phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển bền vững của tỉnh; duy trì bền vững các thành quả PCGD đã đạt được cũng như kết quả thực hiện xóa mù chữ.
Để đạt được mục tiêu trên, Tỉnh ủy đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác PCGD, xóa mù chữ và thực hiện giáo dục bắt buộc cũng như phân luồng học sinh. Triển khai đồng bộ các chính sách, pháp luật về công tác PCGD, xóa mù chữ cũng như phân luồng học sinh. Tiếp tục thực hiện đổi mới các yếu tố căn bản của công tác đào tạo, bồi dưỡng và dạy nghề; quan tâm các chính sách đối với cán bộ quản lý và giáo viên. Chú trọng vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước; tăng cường công tác xã hội hóa để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.
“So với bình quân chung của cả nước, công tác PCGD, xóa mù chữ của tỉnh ta cao hơn. Chẳng hạn, đối với PCGD mầm non, cả nước công nhận lần đầu vào năm 2017, còn tỉnh ta được công nhận trước đó 3 năm; đối với PCGD tiểu học, cả nước đang đạt mức 2, còn tỉnh ta đã đạt mức 3; PCGD THCS, cả nước đang ở mức 1, tỉnh ta đang ở mức 2”.
(Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy)
|
Bài, ảnh: Trương Hùng