Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp

05/11/2014 - 08:55

 

Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp (DN) dân doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn tỉnh. Hiện các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh giải quyết việc làm cho trên 76 ngàn lao động, trong đó có trên 23 ngàn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp. Đa số công nhân xuất thân từ nông dân, lao động phổ thông nên sự hiểu biết về pháp luật còn nhiều hạn chế. 
 

 

 

Những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn coi trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động (CNLĐ) ở các DN là một nội dung quan trọng góp phần làm chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong CNLĐ. Chính sự am hiểu về pháp luật nói chung và pháp luật lao động nói riêng, CNLĐ nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Khi nắm vững kiến thức pháp luật, CNLĐ tự đấu tranh và bảo vệ chính mình trong quá trình tham gia lao động, tiến đến xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, thúc đẩy sản xuất phát triển, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, thật sự là nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
 
Hội thi là một trong những hình thức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân lao động. Ảnh: Trần Quốc
 
Thực hiện Kết luận số 04 của Ban Bí thư (khóa XI) và Quyết định số 31/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình DN; Nghị quyết 04b của Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa XI) về nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động trong tình hình mới, Công đoàn các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp, chủ DN và các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, học tập cho CNLĐ các luật mới được ban hành, các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước liên quan trực tiếp đến người lao động đạt gần 90% trên tổng số CNLĐ. Đặc biệt, Công đoàn quan tâm tuyên truyền sâu rộng Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn năm 2012, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; pháp luật về an toàn lao động, vấn đề đình công; các nghị định của Chính phủ về tiền lương, lao động, việc làm… Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật lao động trên 40 DN. Trên cơ sở đó, đoàn có đề xuất, kiến nghị, giải quyết, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật lao động của một số DN đã tác động, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân như không ký hợp đồng lao động, không xây dựng thỏa ước lao động tập thể, định mức tiền lương không hợp lý, điều kiện lao động thiếu an toàn… 
Điểm nổi bật là các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ ngày càng đa dạng, phù hợp hơn với đối tượng và loại hình hoạt động của DN. Các phương pháp được vận dụng một cách linh hoạt và hiệu quả, trong đó tập trung củng cố, kiện toàn lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở cấp cơ sở. Trong năm 2014, từ nguồn kinh phí Công đoàn và ngân sách địa phương hỗ trợ, LĐLĐ tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã mở 34 lớp tập huấn Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn và Hiến pháp năm 2013 cho 2.115 cán bộ công đoàn các cấp và 5.237 đoàn viên là CNLĐ của DN. LĐLĐ tỉnh triển khai và phát động cuộc thi viết tìm hiểu Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn năm 2012 rộng rãi trong cán bộ, đoàn viên, người lao động. Tổng cộng có 10.282 bài dự thi, trong đó nhiều bài thi nghiên cứu sâu những điểm mới của 2 văn bản luật. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh đặt in và cung cấp trên 100 ngàn tài liệu sổ tay pháp luật và tờ bướm cho CNLĐ, tạo điều kiện cho người lao động nghiên cứu, tìm hiểu chính sách pháp luật. Công đoàn tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đối với những điều khoản liên quan trực tiếp đến công nhân để trình kỳ họp Quốc hội thông qua.
Các cấp Công đoàn đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật được ban hành trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua báo, đài địa phương, hệ thống truyền thanh nội bộ của DN, chuyên mục “Công nhân và Công đoàn” trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Bến Tre; mục hỏi đáp pháp luật trong chuyên trang “Lao động và Công đoàn” của Báo Đồng Khởi. Đầu năm 2014, Ban Chấp hành các CĐCS phối hợp với chủ DN tổ chức cho đoàn viên và CNLĐ ký cam kết “Nói không với ma túy và tệ nạn xã hội”; cam kết “không vi phạm trật tự, an toàn giao thông”; thực hiện “văn hóa khi tham gia giao thông”… Mô hình “Tổ công nhân tự quản” khu nhà trọ được nhân rộng ở gần các khu công nghiệp; đã thành lập 54 tổ công nhân tự quản, với 4.661 công nhân tham gia sinh hoạt. Hàng tháng, các tổ công nhân tự quản đều duy trì nền nếp sinh hoạt theo những nội dung quy định, trong đó có nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân; đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn địa bàn, không để xảy ra tội phạm, tệ nạn xã hội tại các khu nhà trọ công nhân. Ngoài ra, các cấp Công đoàn phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng thực hiện kế hoạch liên tịch về truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, tội phạm, tệ nạn xã hội, thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình trong CNLĐ đạt hiệu quả ngày càng cao.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ trong DN của tỉnh tuy có những tiến bộ đáng kể nhưng so với yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa vẫn còn nhiều hạn chế. CNLĐ chưa trở thành nguồn lực thực sự của thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế. Hướng tới, hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho CNLĐ vẫn còn là nhiệm vụ hết sức quan trọng mà các cấp Công đoàn trong tỉnh cần tiếp tục quan tâm thực hiện.
 

 

Quốc Bình

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN