Ngăn chặn tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội

24/11/2021 - 06:33

BDK - Thời gian gần đây, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt, bộc phát nhất thời, do bản tính côn đồ, manh động của những người có liên quan, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Khám nghiệm hiện trường vụ giết người ở xã An Thủy, huyện Ba Tri.

Khám nghiệm hiện trường vụ giết người ở xã An Thủy, huyện Ba Tri.

Vụ án giết người xảy ra chiều ngày 9-11-2021, tại ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, chỉ vì mâu thuẫn phát sinh trong việc mua vé số mà Lê Nhật Minh (sinh năm 1996, ngụ xã Sơn Định, huyện Chợ Lách) đã dùng dao đâm chết anh Nguyễn Minh Phương (sinh năm 1989, ngụ xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách).

Hay như vụ giết người xảy ra vào chiều 18-9-2021, tại ấp An Lợi, xã An Thủy, huyện Ba Tri. Vì lời qua tiếng lại trong lúc nhậu chung với bạn nên Trần Văn Trong (sinh năm 1993, ngụ tỉnh Cà Mau) đã dùng kéo đâm nhiều nhát vào người Phan Thành Nhân (sinh năm 1997, ngụ tỉnh Kiên Giang) làm Nhân tử vong.

Theo thống kê cho thấy, những người có liên quan trong các vụ án mạng hầu hết ở độ tuổi thanh thiếu niên, tính cách bốc đồng, hung hăng và có khuynh hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Nhiều đối tượng còn thủ sẵn hung khí bên người, khi xảy ra xích mích dù nhỏ cũng sẵn sàng tước đoạt mạng sống của người khác. Mặt khác, qua phân tích các vụ án gần đây cho thấy, trước khi án mạng xảy ra, đa số những người này đều đã uống rượu, bia.  

Để phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội một cách hiệu quả, không chỉ có nỗ lực của lực lượng công an mà đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chúng ta phải cùng nhau xây dựng một môi trường sống lành mạnh, mọi người thương yêu, tôn trọng nhau, đề cao đạo đức xã hội, giá trị cuộc sống và tôn trọng pháp luật, từng bước loại trừ những nguyên nhân sinh ra cái xấu, cái ác. Muốn làm được như vậy trước hết là phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đề cao các giá trị đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, xây dựng gia đình hạnh phúc, xóm ấp yên vui, thắt chặt tình làng nghĩa xóm.

Đặc biệt, các ngành, đoàn thể và tổ nhân dân tự quản phải bám sát cơ sở, sát dân để nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn vừa phát sinh trong nhân dân, không để mâu thuẫn kéo dài dẫn đến xảy ra các vụ án mạng. Bên cạnh đó, phải quản lý chặt các nhóm đối tượng có nguy cơ phạm pháp như thanh thiếu niên lêu lổng, các nhóm thanh niên thường xuyên tổ chức ăn nhậu, đánh nhau, gây mất an ninh trật tự, các đối tượng nghiện ma túy... Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, thu hồi vũ khí, công cụ hỗ trợ và hung khí có thể sử dụng để giải quyết mâu thuẫn. Ở gia đình, người lớn phải là tấm gương sáng cho con cháu noi theo; đồng thời phải luôn nhắc nhở con em mình phải tránh xa điều xấu, điều ác. Mọi hành vi xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác đều sẽ bị xã hội lên án và bị pháp luật trừng trị.

Khi xảy ra mâu thuẫn, mọi người phải bình tĩnh giải quyết sự việc dựa trên đạo đức xã hội và quy định pháp luật, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi tội phạm giết người, giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình.

Bài, ảnh: Minh Vương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN