Ngăn chặn và đẩy lùi “tín dụng đen”

10/12/2021 - 05:55

BDK - Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (TDĐ), với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có ngành ngân hàng (NH) và chính quyền, đoàn thể địa phương tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi “TDĐ” trên địa bàn tỉnh.

Ngành ngân hàng triển khai gói cho vay chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Ngành ngân hàng triển khai gói cho vay chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Các biện pháp ngăn ngừa

“TDĐ” núp bóng, lợi dụng nhu cầu của một bộ phận khách hàng vay vốn NH khi đến hạn để cho vay đáo hạn khoản vay NH vẫn diễn ra khá phổ biến, gây tác động xấu đến chất lượng hoạt động tín dụng NH. Đây là vấn đề được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh tỉnh đặc biệt quan tâm chấn chỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, công tác đấu tranh, xử lý vẫn còn nhiều khó khăn do tính chất không công khai của các đối tượng tham gia và dựa trên nhu cầu tự nguyện của khách hàng vay vốn.

Theo Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành, trước tình hình đó, ngành NH đã tăng cường giới thiệu, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tín dụng ưu đãi thông qua các kênh tín dụng chính thức để người dân có nhu cầu tiếp cận, hạn chế tìm đến “TDĐ”. Qua theo dõi, nhận thấy tình hình quảng cáo, tiếp thị dưới hình thức dán, phát tờ rơi của các đối tượng cho vay bất hợp pháp, cộng tác viên các công ty tài chính không còn diễn ra công khai, phổ biến như trước.

NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh cũng đã đề nghị các chi nhánh NH, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) tổ chức cho cán bộ, nhân viên, người lao động của đơn vị ký cam kết không thực hiện hoặc tiếp tay cho hoạt động “TDĐ”, không tham gia dưới mọi hình thức vào hoạt động “TDĐ”. Trường hợp vi phạm cam kết sẽ tự nguyện thôi việc hoặc bị kỷ luật theo quy định nội bộ của đơn vị và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Qua công tác triển khai, quán triệt bảo đảm từng cá nhân, đơn vị trong ngành đều hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi “TDĐ”.

Ngoài thông tin tuyên truyền tại NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh, các chi nhánh NH, QTDND trên địa bàn cũng đã chủ động tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp, khách hàng thông qua các kênh thông tin của đơn vị (website, báo, đài...) về các chương trình, sản phẩm, các gói tín dụng ưu đãi phù hợp với nhu cầu của từng loại đối tượng khách hàng để người dân có nhu cầu tìm hiểu và tiếp cận.

Về công tác mở rộng tín dụng để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nhân dân trên địa bàn, ngành NH đã phát triển mạng lưới với 29 chi nhánh của 16  NH thương mại, 1 chi nhánh NH Chính sách xã hội, 69 phòng giao dịch NH, 8 QTDND, 904 điểm giới thiệu dịch vụ của 8 công ty tài chính…

Triển khai nhiều gói tín dụng

Ngành NH đã tập trung triển khai nhiều chương trình tín dụng trọng điểm như: cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay phát triển doanh nghiệp; chương trình tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu cấp bách đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình của NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cho vay phục vụ thành viên của các QTDND; cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính…

Điển hình như cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 71% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn. Bên cạnh đó, NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh còn phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương đẩy mạnh chương trình cho vay qua tổ vay vốn, góp phần hạn chế “TDĐ” trên địa bàn, cho vay hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh như dừa, tôm biển...

Ngoài việc tăng cường cho vay phục vụ nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp, các NH, QTDND còn tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid-19 theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của NHNN và xâm nhập mặn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành cho biết, hướng tới, ngành NH tiếp tục mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, phát triển đa dạng các mô hình giao dịch mới, ứng dụng công nghệ thông tin; các sản phẩm tín dụng ưu đãi phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân; cải tiến, đổi mới thủ tục giao dịch theo hướng tinh gọn, nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm an toàn vốn vay, góp phần tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với nguồn vốn thông qua các kênh tín dụng chính thức.

Triển khai hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các chi nhánh NH, QTDND, các công ty tài chính trên địa bàn, nhất là hoạt động cấp tín dụng, bảo đảm nguồn vốn vừa được cung ứng đầy đủ, kịp thời, vừa đúng đối tượng. Các hoạt động quảng cáo, tiếp thị diễn ra trong khuôn khổ quy định của pháp luật; phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm trong cho vay.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tăng cường các giải pháp mở rộng tín dụng, cải tiến, đơn giản hóa thủ tục giao dịch, nhằm tạo thuận tiện tối đa cho người dân tiếp cận nguồn vốn phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Điển hình như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh trong thời gian qua đã triển khai thí điểm hoạt động điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng trên địa bàn huyện Chợ Lách, góp phần hạn chế “tín dụng đen” và xây dựng nông thôn mới, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực”.

 (Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lê Công Thành)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN