Bí thư Huyện ủy Chợ Lách Nguyễn Văn Đảm trao cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm học 2021-2022 cho Trường Tiểu học Vĩnh Thành A. Ảnh: Việt Cường
Phát triển phẩm chất, năng lực người học
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, nhận thức của hệ thống chính trị và ngoài xã hội về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã có sự chuyển biến thực sự. Toàn ngành đã tăng cường phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các đơn vị trong xây dựng chương trình phát triển nhà trường.
Ngành đã đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT, coi trọng và phát triển phẩm chất, năng lực người học. Các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học ở các trường thu hút sự tham gia từ học sinh đến cán bộ quản lý, giáo viên từng bước trở thành hoạt động thường xuyên ở các trường. Toàn huyện có 44 trường học, gồm: các cấp học THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp/giáo dục thường xuyên, THCS, tiểu học, mầm non, có 23 trường đạt chuẩn quốc gia. Huyện Chợ Lách đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3. Có 11/11 đơn vị xã, thị trấn đạt chuẩn giáo dục trung học. Cơ sở vật chất ở các trường học trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư trang bị hiện đại đáp ứng yêu cầu xây dựng tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia và thực hiện tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Các trường học thực hiện hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, giáo dục thể chất, quốc phòng, an ninh, giáo dục phổ thông và định hướng nghề nghiệp, chú trọng nâng chất lượng hoạt động dạy ngoại ngữ và tin học. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện thực hiện có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tư duy tích cực, sáng tạo của người học; dạy học theo chuẩn kiến thức và kỹ năng, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong giảng dạy và quản lý; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục chính khóa và giáo dục ngoại khóa, giáo dục truyền thống. Các hoạt động phối hợp giữa ba môi trường giáo dục trong việc giáo dục toàn diện cho học sinh, ngăn chặn khá tốt các tệ nạn xã hội vào môi trường giáo dục, phòng chống bạo lực học đường, xây dựng trường học thân thiện, phối hợp nhịp nhàng giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Trường Tiểu học Vĩnh Thành A, xã Vĩnh Thành là một trong các đơn vị đạt nhiều thành tích quan trọng trong hoạt động dạy và học mà tiêu biểu là được nhận Huân chương Lao động hạng Ba (2021-2022). Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Thành A Phan Thanh Diệu cho biết: Công tác đổi mới toàn diện ở trường được thực hiện ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức xây dựng kế hoạch thi đua có lồng vào nội dung thực hiện tốt phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, triển khai và thực hiện thông qua nhiều việc làm cụ thể, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chuyên môn và sáng tạo trong công tác giáo dục. 100% cán bộ, giáo viên và nhân viên đều đăng ký thực hiện đổi mới, sáng tạo với chức trách nhiệm vụ được giao. Có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhất là việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, thực hiện các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học và cách dạy học tích hợp liên môn. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo. Thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học…
Chuẩn hóa giáo viên
Ngành GD&ĐT huyện đã có sự đổi mới hình thức tuyển dụng giáo viên thông qua thi tuyển, nhằm tuyển chọn người tài, có phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn ở từng vị trí. Đội ngũ nhà giáo và công chức, viên chức quản lý giáo dục trong toàn huyện được xây dựng và phát triển theo hướng phấn đấu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và chuẩn hóa về đào tạo theo đề án vị trí việc làm của ngành. Hầu hết đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên và nhân viên của ngành luôn nêu cao tinh thần tự học tập, tự rèn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học tập và sáng tạo. Công tác xây dựng Đảng trong ngành được quan tâm, huyện có 929/1157 cán bộ, giáo viên, nhân viên, đạt tỷ lệ 69,54%.
Ngoài ra, Chợ Lách thực hiện có hiệu quả việc đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển GD&ĐT ở địa phương. Phong trào xã hội hóa trong giáo dục và công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được các ngành, các cấp và cộng đồng xã hội quan tâm hỗ trợ, nhất là phong trào gây quỹ khuyến học giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học. Với các hoạt động hỗ trợ từ các mạnh thường quân, cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội với tổng số tiền trên 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện có 2 trường mầm non và 5 nhóm trẻ ngoài công lập được cấp phép hoạt động, góp phần giảm áp lực cho các cơ sở giáo dục công lập.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chợ Lách Phan Thanh Sáng, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW trên địa bàn huyện trong thời gian tới, các trường cần nghiên cứu vận dụng đưa những quan điểm, tư tưởng cốt lõi của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào các chương trình, kế hoạch nhiệm vụ năm học để thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, trong triển khai thực hiện phải đồng bộ, quyết tâm, thực chất, chống bệnh hình thức, thành tích, không cầu toàn, cũng không nóng vội. Đổi mới căn bản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục, chuyển tư duy giáo dục từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực toàn diện.
“Ngành tiếp tục thực hiện chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Có chính sách thu hút và tạo chuyển biến cơ bản về tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Tiếp tục xây dựng trường chuẩn quốc gia và thực hiện các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đối với lĩnh vực GD&ĐT”.
(Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chợ Lách Phan Thanh Sáng)
|
Quỳnh Thy