
Theo lộ trình đến năm 2026, ngành GD&ĐT sẽ giảm 20% biên chế so với năm 2015.
Đến nay, ngành đã giảm trên 6,5%. Cụ thể, năm 2015 ngành GD&ĐT được giao 16.536 biên chế, năm 2022 ngành được giao 15.431 biên chế. Qua 7 năm, biên chế ngành GD&ĐT giảm 1.105 biên chế.
Việc thực hiện tinh giảm biên chế thời gian quan chủ yếu là cán bộ nghỉ hưu không tuyển dụng lại và giải quyết nghỉ hưu theo Nghị định 108. Hướng mới để tinh giảm biên chế của ngành giáo dục là xã hội hóa. Tuy nhiên, công tác huy động cá nhân, tổ chức ngoài công lập để mở trường rất khó, tỷ lệ trường ngoài công lập rất thấp. Hiện nay, cả tỉnh có 20 trường mầm non ngoài công lập, 1 trường phổ thông nhiều cấp và 1 trường liên cấp.
Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Huỳnh Quốc Trung cho biết: Hướng tới, ngành GD&ĐT sẽ xã hội hóa bằng cách giao biên chế cho một số đơn vị không đủ theo tịnh biên. Đồng thời ngành GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch để điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu dạng bắt cầu để giảm khoảng cách vị trí, thuận lợi cho giáo viên di chuyển. Khi Sở GD&ĐT triển khai kế hoạch điều động, các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT làm tốt công tác tư tưởng đối với giáo viên được điều động, thực hiện công khai để tránh những trường hợp khiếu nại có thể xảy ra. Các phòng GD&ĐT tham mưu UBND huyện, thành phố để điều động, có thể dạy liên trường để tận dụng được giáo viên tại nơi thừa đến nơi thiếu.
Năm học 2022-2023, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT, đang có xu hướng thừa giáo viên bậc học này. Cả tỉnh thừa 29 giáo viên cấp THPT, trong đó các bộ môn lựa chọn, bộ môn tổ hợp như: Vật lý thừa 14 giáo viên, môn Sinh học 10 giáo viên. Bên cạnh đó, một số môn vẫn thiếu, tình trạng thừa thiếu giáo viên mang tính chất cục bộ.
Thực hiện Nghị định số 59/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp phòng chống tham nhũng và các văn bản liên quan cấp tỉnh, dự kiến tháng 10-2022, ngành GD&ĐT sẽ triển khai thực hiện điều động kế toán giữa các cơ sở giáo dục.
Tin, ảnh: Phan Hân