Nghị lực phi thường và mơ ước của cô học trò nghèo

04/09/2024 - 05:56

BDK - Căn nhà được ông bà nội xây cất từ hơn 35 năm qua đã quá cũ kỹ, xuống cấp, ngập nước vào mùa mưa lũ. Đó là nơi sinh sống của 7 con người, mà trong đó, có hết 5 người bị khuyết tật vì câm điếc và tâm thần. Cũng chính trong căn nhà ấy, một nghị lực thật phi thường, một mơ ước toát lên từ cô học trò nghèo muốn được làm nhà báo và được ấp ủ từ lâu.

Em Ngô Thị Ngọc Ngân chuốt cọng dừa nước phụ gia đình.

Nghị lực vươn lên

Chúng tôi tìm về ấp An Qui, xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam là nơi sinh sống của gia đình em Ngô Thị Ngọc Ngân (sinh năm 2006) - tân sinh viên Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II (TP. Hồ Chí Minh). Trước đó, chúng tôi liên lạc được với thầy Lê Duy Hậu - Trợ lý thanh niên Trường THPT Che Guevara, thầy bảo “để em liên hệ lại với Ngân coi có ở nhà không bởi thường thì Ngân đi phụ mẹ chặt lá dừa”. Đường về ấp An Qui vào mùa mưa và nước lên thật vất vả, con đường bê-tông đầy rêu và nhiều đoạn đã xuống cấp trầm trọng, trên đường vào nhà Ngân, cây cầu đan nghiêng ngửa như thách thức chúng tôi.

Thầy Hậu mời chúng tôi ngồi vào bàn uống nước, mẹ Ngân -  chị Lê Thị Yến cũng mời khách “uống nước đi”. Trong câu chuyện giữa chúng tôi với gia đình, gần như chỉ có thầy Hậu và bé Ngân xen nhau trả lời. Thầy Hậu bảo, mẹ bé Ngân vậy đó, chị chưa bao giờ trả lời ai một câu cho “tròn vành, rõ chữ”. Trong cái tuổi 49 của chị đã thật sự già đi rất nhiều. Ấy vậy mà chị là người lao động chính để nuôi lấy 7 miệng ăn trong gia đình gồm 3 người cô bị câm điếc, 1 người chị bị tâm thần, tự kỷ, Ngân và 1 em trai vừa lên lớp 5. Cũng chính người mẹ ấy đã chắp cánh và nuôi dưỡng mơ ước của Ngân khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thầy Hậu cho biết, thường ngày 3 người cô đi chặt lá dừa nước về, mẹ và bé Ngân sẽ chuốt lấy cọng để bán từ 5.000 - 10.000 đồng. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình Ngân. Chúng tôi hỏi, “thu nhập như vậy chị có đủ trang trải cuộc sống không?”. Chị Yến chỉ cười, rồi bảo “người ta còn cho gạo”…

Mơ ước làm nhà báo

Chúng tôi hỏi “Cha đi làm chưa về à?”. Câu hỏi thường khi của chúng tôi vô tình như chạm vào nỗi đau của Ngân, mắt em ngấn lệ nhìn chúng tôi rồi nhìn phía bàn thờ và trả lời rất khẽ “Ba con mất rồi”. Năm Ngân học lớp 7 thì ba em mất do bệnh đột quỵ. Sự mất mát đột ngột đó đã làm người chị của Ngân đang học cũng bỗng hóa tâm thần, tự kỷ cứ nhốt mình suốt ngày ở trong phòng. Mọi khó nhọc lại dồn lên vai người mẹ già đi trước tuổi và gầy yếu, bệnh tật…

Nhưng với dù hoàn cảnh khó khăn ấy, một ý chí, một mơ ước vươn lên đầy nghị lực luôn thôi thúc trong người cô học trò nhỏ nghèo. Với số điểm dự xét tuyển khá cao 27,4 điểm nhưng Ngân chọn Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II. “Vì hoàn cảnh khó khăn nên con chọn trường này, nếu có điều kiện thì sau này con sẽ học tiếp nữa”, Ngân cho biết.

“Chừng nào con trở lại trường?” - chúng tôi hỏi. “Dạ sau lễ 2-9”. “Học phí con đóng hết chưa, tiền nhà ở thế nào?”. “Dạ, con đóng xong hết rồi”. Thầy Hậu bảo, đó là số tiền mà em đã dành dụm suốt 12 năm là học sinh giỏi - tiền nhận học bổng.

“Rồi tiền ăn, tiền ở, rồi học phí của những năm, tháng tiếp theo, con nghĩ thế nào?”. “Dạ, con sẽ đi làm thêm”. Trả lời với chúng tôi xong, Ngân cúi mặt. Tôi và thầy Hậu cũng im lặng. Cô học trò nghèo, ốm yếu ấy, “chân ướt, chân ráo” bước lên đất Sài thành. Câu trả lời đó của Ngân, làm chúng tôi suy nghĩ trên suốt đường về…

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN