Đền thờ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị ở Phong Điền - Cần Thơ.
Nhiều hoạt động tưởng nhớ
Theo tài liệu lịch sử cuộc đời nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, cụ sinh năm 1830, tại thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre). Năm 19 tuổi (năm 1849), cụ tham gia khoa thi Hương tại Trường thi Gia Định và đỗ cử nhân. Sau khi đậu cử nhân, cụ không tham gia chốn quan trường mà đi nhiều nơi làm nghề dạy học. Đến năm 1868, cụ đã chọn làng Nhơn Ái, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ là nơi “An cư lạc nghiệp”. Tại đây, cụ đã dành hầu hết thời gian để dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân và dùng ngòi bút sắc bén của mình chống lại thực dân Pháp và bọn tay sai.
Cụ mất vào ngày 22-6-1910, được an táng bên rạch Trà Niềng, tại làng Nhơn Ái, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang cũ (nay là ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, TP. Cần Thơ). Tuy sinh ra ở Bến Tre nhưng trong suốt thời gian dài, cụ sinh sống và hoạt động gắn bó mật thiết với quê hương Phong Điền. Cụ ra đi nhưng vẫn tỏa sáng một tấm lòng thanh bạch, lòng yêu nước, thương dân và để lại bao niềm tiếc thương trong lòng nhân dân.
Với tấm lòng yêu nước, kiên trung sáng ngời của Cử nhân Phan Văn Trị đã tác động, ảnh hưởng lớn và là tấm gương mẫu mực cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giồng Trôm cũng như Phong Điền. Phát huy tinh thần đó, Đảng bộ hai quê hương đã lãnh đạo nhiều phong trào quần chúng nhân dân nổi dậy đấu tranh anh dũng, góp phần đáng kể vào công cuộc đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày nay, cả hai nơi đều đã xây dựng di tích lịch sử Đền thờ Phan Văn Trị, là nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ cũng như nhắc nhớ về một nhà thơ yêu nước mang tên Phan Văn Trị (mộ phần của ông hiện đang nằm tại huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ). Hàng năm vào ngày giỗ cụ, lãnh đạo Đảng và chính quyền cùng nhân dân hai địa phương tổ chức nhiều hoạt động để tưởng nhớ cụ; tổ chức viếng, thắp hương vào nhiều dịp trong năm.
Đền thờ của cụ Phan Văn Trị tại huyện Giồng Trôm cũng đang trong giai đoạn nâng cấp hoàn chỉnh một số hạng mục. Trong đền thờ, phía trên là bức hoành phi, đại tự viết bằng chữ Quốc ngữ “Lưu danh vạn thế”. Hai bên là hai câu đối: “Vì nước quên nhà muôn thuở tiếng thơm ghi sử sách” và “Đề thơ đánh giặc ngàn năm khí phách rạng non sông”.
Gắn kết hai địa phương
Hai địa phương đã tôn tạo bảo tồn di tích về cụ Phan Văn Trị cũng như tổ chức các hoạt động ngày giỗ cụ. Đến năm 2004, huyện Giồng Trôm đã chính thức kết nghĩa với huyện Phong Điền. Năm đầu tiên 2004, tổ chức lễ giỗ của cụ Phan Văn Trị tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm với sự tham dự của đoàn lãnh đạo, cán bộ huyện Phong Điền. Từ năm 2005 đến nay, hai huyện luân phiên tổ chức lễ giỗ (quy mô, có nhiều hoạt động và có sự tham dự của cả hai bên). Từ đó, hai nơi ngày càng thắt chặt hơn tình đoàn kết, gắn bó, chia sẻ trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm nay, kỷ niệm 110 năm ngày mất (22-6-1910 - 22-6-2020) của cụ được tổ chức tại huyện Giồng Trôm.
Trường Tiểu học Thạnh Phú Đông tại huyện Phong Điền - TP. Cần Thơ.
Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Minh Trung cho biết, mối quan hệ này ngày càng gắn bó, duy trì bền vững qua nhiều thế hệ lãnh đạo của hai địa phương. Hàng năm, hai bên đều có sự quan tâm thăm hỏi, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành, việc tổ chức các mô hình kinh tế, xây dựng nông thôn mới…, góp phần không ngừng nâng cao đời sống cho nhân dân hai huyện. Đồng thời, hai bên đã hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện công tác an sinh xã hội, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng hàng ngàn học bổng, học phẩm cho học sinh nghèo hiếu học (cả hai bên). Hiện nay, tại huyện Phong Điền có ngôi trường mang tên quê hương nhà thơ Phan Văn Trị là Trường Tiểu học Thạnh Phú Đông, còn tại huyện Giồng Trôm có Trường Tiểu học Phong Điền.
Đại diện huyện Phong Điền chia sẻ, Phong Điền đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới vào năm 2015. Huyện đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2019, xã Tân Thới, huyện Phong Điền được TP. Cần Thơ công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Huyện có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia là Lộ Vòng Cung và Mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị.
Lãnh đạo huyện Phong Điền đánh giá phong trào xây dựng nông thôn mới đang từng ngày làm thay đổi diện mạo chung của huyện Giồng Trôm cũng như sự phát triển nhiều mặt đời sống của huyện. Phong Điền vẫn sẽ tiếp tục gìn giữ mối quan hệ thâm tình với Giồng Trôm như đã từng gắn bó. Đồng thời, khai thác và phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế và những thành tựu mà hai huyện đã đạt được trong thời gian qua, tiếp tục phấn đấu đạt nhiều thành tích hơn nữa, như ước vọng mà nhân dân hai huyện Giồng Trôm và Phong Điền đang mong đợi.
Bài, ảnh: Ánh Nguyệt