Ông D.V.T có nhu cầu tư vấn: Cháu ngoại tôi là A (18 tuổi) cùng với đứa bạn trộm cắp tài sản (điện thoại, laptop) đem bán được hơn 8 triệu đồng rồi hai đứa tiêu xài hết. A đã bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản. Xin hỏi: Tôi không nhờ luật sư bào chữa cho A. Tôi có thể nhờ anh H (là người có kiến thức pháp luật) bào chữa cho A khi tòa án xét xử được không? Thủ tục ra sao?
Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành tư vấn như sau:
- Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự (BTTTHS) năm 2015 quy định: 1) Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa. 2) Người bào chữa có thể là: luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Mặt khác, theo quy định Điều 75 BLTTHS thì người bào chữa sẽ do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn.
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.
Trong thời hạn 24 giờ kề từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.
Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để có ý kiến về việc nhờ người bào chữa.
Căn cứ quy định pháp luật nêu trên thì việc nhờ người bào chữa không nhất thiết người đó phải là luật sư, mà có thể nhờ người đại diện của người bị buộc tội để bào chữa cho người bị buộc theo tội quy định tại khoản 20 Điều 55 của bộ luật này: “người đại diện khác theo quy định của bộ luật này”.
Như vậy, trường hợp của cháu ngoại ông (A) có thể nhờ anh H (người có kiến thức pháp luật) để bào chữa cho A.
Về thủ tục đăng ký bào chữa: Người đại diện của người bị buộc tội (anh H) xuất trình căn cước công dân, kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của anh H với người bị buộc tội.
H. Trâm (thực hiện)