Người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự trong tố tụng dân sự

09/10/2022 - 18:26

Bà Nguyễn Thị Oanh có nhu cầu tư vấn: Cha tôi chết đã lâu. Mẹ tôi là nguyên đơn trong vụ tranh chấp quyền thừa kế sử dụng đất với bà N. Trong thời gian chờ tòa án xét xử, mẹ tôi bệnh và không còn minh mẫn như trước đây. Mẹ tôi có 2 con gái đang sống chung (chưa kết hôn). Xin hỏi: Trường hợp của mẹ tôi, ai sẽ là người đại diện cho mẹ tôi tham gia tố tụng; thủ tục ra sao?

Thắc mắc của bà được luật sư Nguyễn Văn Tặng (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo thông tin bà Oanh cung cấp, mẹ bà bệnh và không còn minh mẫn, cha bà đã mất.

Khoản 1, Điều 23 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Theo đó, bà hoặc chị em bà làm đơn yêu cầu tòa án cấp huyện (thành phố) nơi mẹ bà đang sinh sống để tuyên bố mẹ bà là người có khó khăn trong nhận thức, và làm chủ hành vi.

Theo quy định Điều 378 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Trong quyết định tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, tòa án phải xác định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện. Trong quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, tòa án phải chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Mặt khác, khoản 2, Điều 53 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ”.

Như vậy, nếu đơn yêu cầu của bà được chấp nhận, trong quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, tòa án phải chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Do cha bà đã mất nên tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế để xác định trong hai chị em bà, ai là người có đủ điều kiện để trở thành người giám hộ.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN