Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự gây thiệt hại

03/09/2023 - 17:31

Ông N.T.A có nhu cầu tư vấn: Tôi là nguyên đơn trong vụ tranh chấp đất đai. Tôi có quen biết với ông N (người có kiến thức pháp luật). Xin hỏi: Tôi muốn ủy quyền cho ông N thay mặt tôi tham gia trong quá trình tòa án giải quyết vụ án. Nếu ông N gây thiệt hại cho tôi thì ông N có phải bồi thường cho tôi hay không?

Thắc mắc của ông được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo thông tin ông cung cấp thì ông N là người đại diện theo ủy quyền của ông theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, cũng là người đại diện theo ủy quyền của ông trong tố tụng dân sự (TTDS), theo quy định tại khoản 4, Điều 85 Bộ luật TTDS năm 2015. Như vậy, ông N là người thực hiện quyền, nghĩa vụ TTDS và thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự theo nội dung văn bản ủy quyền.

Theo quy định tại Điều 565 BLDS thì bên được ủy quyền (ông N) có nghĩa vụ như sau: 1) Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó. 2) Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền… 6) Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại điều này.

Điều 567 BLDS quy định về nghĩa vụ của bên ủy quyền như sau: “1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc. 2. Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền. 3. Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền; trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thỏa thuận về việc trả thù lao”.

Mặt khác, khoản 1 Điều 143 BLDS quy định về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện: “1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây: a) Người được đại diện đồng ý; b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý; c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện”.

Căn cứ quy định của các điều luật nêu trên, trường hợp ông N thực hiện theo đúng cam kết trong phạm vi được ủy quyền thì ông N không phải chịu trách nhiệm (nếu có xảy ra thiệt hại). Trong trường hợp ông N thực hiện không đúng theo cam kết và nội dung được ủy quyền thì ông N sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi vượt quá phạm vi được ủy quyền và phải bồi thường cho ông (nếu có thiệt hại xảy ra), trừ khi ông đồng ý hoặc biết nhưng không phản đối.

Quá trình thực hiện việc ủy quyền, nếu thực tế có thiệt hại do ông N gây ra và có căn cứ để chứng minh thì ông có thể thỏa thuận với ông N về mức bồi thường, hình thức và phương thức bồi thường. Trường hợp hai bên không thể thỏa thuận được việc bồi thường thiệt hại cho ông, thì ông có thể khởi ra tòa án (nơi ông N cư trú). Tuy nhiên, ông cần phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ để làm căn cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của ông là hợp pháp và chính đáng.

H. Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN