Người Thầy ngày nay

19/11/2021 - 06:04

BDK - Người thầy vừa dạy chữ, vừa dạy người. Nên trong mọi thời đại, người thầy luôn được nhân dân và toàn xã hội xem trọng, tôn vinh.

Học sinh Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Bến Tre chúc mừng giáo viên nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh: Phan Hân

Học sinh Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Bến Tre chúc mừng giáo viên nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Ảnh: Phan Hân

Trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, ngày nay người thầy vẫn được nhân dân ta coi trọng, tôn vinh. Khi nói về người thầy, mọi người đều cho rằng đó là người có khả năng, trình độ trong một lĩnh vực nào đó, có thể hướng dẫn, dạy bảo được người khác. Ngoài ra, người thầy còn phải biết đem tài năng, hiểu biết của mình để hướng dẫn cho học sinh làm giàu thêm tri thức (dạy chữ); chỉ bảo, dạy dỗ cho học sinh những điều hay, lẽ phải để làm người có ích (dạy người). Như vậy, có thể thấy người thầy có trách nhiệm vô cùng to lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Người thầy vừa dạy chữ, vừa dạy người. Nên trong mọi thời đại, người thầy luôn được nhân dân và toàn xã hội xem trọng, tôn vinh.

Chính sự tôn vinh đó nên đòi hỏi người thầy phải đáp ứng những yêu cầu rất cao của xã hội đặt ra. Trước hết, nhân cách, phẩm chất và đạo đức. Thầy phải thực sự là tấm gương mẫu mực để mọi người, nhất là học trò noi theo. Sự gương mẫu của người thầy không phải chỉ giới hạn ở trong phạm vi nhà trường mà còn ở mọi nơi, mọi lúc, trong gia đình và ngoài xã hội.

Để người thầy luôn được xã hội tôn vinh, học sinh kính trọng, thiết nghĩ mỗi thầy giáo, cô giáo tỉnh nhà phải tự rèn luyện được 5 yêu cầu sau đây:

Thứ nhất, người thầy phải có năng lực thấu cảm. Đó là khả năng cảm nhận và thấu hiểu một cách sâu sắc, tường tận học sinh của mình. Với trách nhiệm hướng dẫn và dạy bảo học sinh, người thầy hơn ai hết phải là người hiểu rõ một cách tường tận từng học sinh của mình về hoàn cảnh sống, vốn kiến thức mà các em đã tích lũy được; khả năng vận dụng tri thức vào giải quyết các tình huống học tập; tâm tư, tình cảm, những khó khăn mà các em đang gặp phải để kịp thời bồi đắp. Người thầy phải là người “bạn” để các em có thể chia sẻ, tâm sự những vướng mắc, khó khăn khi gặp phải; phải là người hướng dẫn các em đi đúng hướng.

Thứ hai, người thầy phải làm chủ cảm xúc. Lời nói đầu và Điều 1 “Hiến chương các nhà giáo” (The Teachers’charter) được Hội nghị lần thứ XIX của Liên hiệp Quốc tế các công đoàn nhà giáo tại Matxcơva có nêu: “Thừa nhận việc phát triển tính cách cá nhân của trẻ như mục tiêu của giáo dục, nhà giáo phải tôn trọng quyền tự do tư tưởng của học sinh và khuyến khích học sinh phát triển tư duy độc lập”, “Nhiệm vụ thiết yếu của nhà giáo là phải tôn trọng tính cá thể của trẻ, khám phá và phát triển khả năng, chăm lo quá trình giáo dục và đào tạo, luôn hướng tới việc hình thành ý thức đạo đức của con người và công dân tương lai, giáo dục trẻ trong tinh thần dân chủ, hòa bình và hữu nghị giữa con người với nhau”.

Giáo viên thắp hương Đền thờ Ân sư tiền vãng, phường An Hội, TP. Bến Tre. Ảnh: Trung Hiếu

Giáo viên thắp hương Đền thờ Ân sư tiền vãng, phường An Hội, TP. Bến Tre. Ảnh: Trung Hiếu

Điều này đòi hỏi người thầy phải biết chấp nhận cá tính của học sinh; biết làm chủ cảm xúc của mình, kiềm chế cảm xúc khi có những học sinh có thái độ ứng xử mà người thầy cho rằng đã xúc phạm đến mình, nếu không thì dễ dẫn đến xung đột trong quan hệ “thầy - trò”. Hậu quả là xảy ra tình trạng bạo lực học đường.

Thứ ba, người thầy phải là nhà tổ chức. Người thầy phải tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động khám phá tri thức, trải nghiệm sáng tạo.

Theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hóa hoạt động của học sinh. Trong đó, giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân, rèn luyện thói quen và khả năng tự học, phát huy tiềm năng và những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển.

Điều này đòi hỏi người thầy phải tổ chức được các hoạt động để học sinh tự khám phá tri thức hoặc tham gia vào các hoạt động khám phá tri thức, vận dụng kiến thức đã học vào việc giải quyết các tình huống học tập hoặc tham gia thảo luận, tranh luận, tìm kiếm tri thức ngay tại lớp học hoặc sau giờ học. Người thầy phải biết giao nhiệm vụ học tập cho từng em tùy vào điều kiện, khả năng nhận thức của các em. Có tham gia vào các hoạt động thì kiến thức các em có được mới vững chắc. Vì hoạt động là môi trường để các em hình thành tri thức, kỹ năng, tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực của các em.

Thứ tư, người thầy phải làm chủ các thiết bị số và môi trường học tập số. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các thiết bị số ngày càng phát triển nhanh với chi phí thấp. Thiết bị số và môi trường số đã làm thay đổi cuộc sống, thay đổi cách giao tiếp xã hội, kể cả thay đổi phương thức giáo dục, tạo ra môi trường học tập không trực tiếp, giáp mặt giữa thầy và trò (còn lại là dạy học trực tuyến) và ở mọi lúc, mọi nơi.

Chính lợi thế này, dạy học trực tuyến đang được các nhà trường áp dụng. Do đó, người thầy phải có năng lực làm chủ các thiết bị số và môi trường học tập số. Từ đó, hỗ trợ, hướng dẫn học sinh sử dụng thiết bị số để tham gia vào môi trường học tập số. Người thầy phải biết sử dụng ít nhất một phần mềm dạy học phổ biến, biết cách thiết kế bài dạy trên môi trường số, đưa bài học lên môi trường số và hướng dẫn học sinh sử dụng thiết bị số để học tập.

Thứ năm, người thầy phải có năng lực tự học, năng lực nghiên cứu khoa học. Từ đó, hướng dẫn học sinh cách tự học, tự nghiên cứu khoa học, khơi dậy cho các em khát vọng làm chủ tri thức, làm chủ khoa học, làm chủ công nghệ, góp phần hình thành công dân toàn cầu.

Phạm Nghi Tiện

(Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh)

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN