![Người thương binh Anh hùng Lao động Ông Trịnh Văn Y (người thứ 4, từ trái sang) hòa chung niềm vui với người dân xã Thới Thạnh (Thạnh Phú) trong ngày khánh thành cầu mới.](https://baodongkhoi.vn/image/fckeditor/upload/2022/20220717/images/khanh-thanh-cau.jpg)
Ông Trịnh Văn Y (người thứ 4, từ trái sang) hòa chung niềm vui với người dân xã Thới Thạnh (Thạnh Phú) trong ngày khánh thành cầu mới.
Nặng lòng biết ơn
Ông Trịnh Văn Y - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật cầu đường (KHKTCĐ) tỉnh, đã cống hiến tuổi trẻ cho cách mạng, khi hòa bình, ông là thương binh ¾ nhưng vẫn tiếp tục tham gia chính quyền, góp sức xây dựng quê hương. Đến tuổi nghỉ hưu, người lính già lại tiếp tục xông pha vào công cuộc xây cầu lộ nông thôn, phát triển quê hương và đây là “một điều không tưởng”, bởi Bến Tre ngày ấy lưu truyền câu nói: “Làm cầu rồi lại làm cầu/ làm cầu cho đến bạc đầu chưa xong”.
Trong suốt nhiều năm theo chân ông Trịnh Văn Y khảo sát các ngõ ngách nông thôn để xây cầu, chúng tôi đã thấy đôi chân yếu mang vết thương chiến tranh ngày nào của ông phải khập khiễng khi lội qua những dốc đất cao và thuốc tiểu đường ông luôn mang bên mình. Ở nơi ông Trịnh Văn Y tỏa ra nguồn năng lượng biết ơn đối với nhân dân, thế nên, lời nào ông phát biểu cũng như thấu được tâm can của nhân dân và được nhân dân đón nhận tận đáy lòng. Có thể nói, nguồn năng lượng của ông Trịnh Văn Y đã đánh thức những hạt giống cao quý trong tâm hồn người nghe, để rồi, những cây cầu cứ được tiếp nối xây lên từ đóng góp của mạnh thường quân, từ nhân dân trong vùng có cầu được xây.
Ông Trịnh Văn Y tâm sự, đời ông lớn lên, trưởng thành làm cách mạng là nhờ sự đùm bọc của nhân dân. Bây giờ cách mạng thắng lợi thì không lý gì cứ để dân nông thôn nghèo mãi. Trong 10 năm làm Phó chủ tịch UBND tỉnh (từ năm 1991 - 2001), ông Y đã thống kê toàn tỉnh có khoảng 1.500 cây “cầu khỉ” cần được thay thế bằng cầu bê-tông. Thế nhưng, khi đó tỉnh còn nghèo, dân còn khó khăn, có huy động cũng chẳng thấm đâu vào đâu. Và ông xem đó như một món nợ với dân, ông nguyện: “Dùng hết đời mình để trả. Mà hết đời tôi, tôi lại nhắn nhủ các con, các cháu sau này sẽ trả nữa. Làm gì được cho dân thì mình ráng làm chứ biết bao giờ mới trả hết được!”.
Thương binh xây cầu
Một thương binh ¾ với vết thương và đôi chân yếu, ông Trịnh Văn Y cống hiến không ngừng trong 20 năm tuổi già (từ năm 60 tuổi tới 80 tuổi) đi khắp cùng ngõ ngách trên địa bàn tỉnh để khảo sát, vận động, xây cầu, lộ nông thôn. Những nỗ lực của lòng biết ơn đó đã mang lại kết quả ngoài sức tưởng tượng.
Hội KHKTCĐ tỉnh thành lập năm 2001, đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long và ông Trịnh Văn Y trong cương vị là Chủ tịch Hội đã nối kết hàng vạn tấm lòng. Hội KHKTCĐ Bến Tre hoạt động “phi lợi nhuận”, hội không lập quỹ, không thu phí tư vấn các công trình từ thiện, không xây dựng đội công trình. Hội thực hiện xây cầu, lộ bằng cách vận động mạnh thường quân tài trợ từ 50 - 90% giá trị xây dựng công trình, còn lại nhân dân đóng góp và có trường hợp đối ứng của ngân sách.
20 năm hoạt động (từ năm 2001 - 2021), Hội KHKTCĐ tỉnh đã mang lại kết quả: xây 2.500 công trình cầu, 350km lộ nông thôn, 7 trường học (5 trường mẫu giáo, 1 tiểu học, 1 THCS); tặng 188 suất học bổng, 150 xe đạp cho học sinh, 292 căn nhà (15 nhà tình nghĩa, 277 nhà tình thương), 27 cây nước sinh hoạt và hàng trăm ngàn phần quà cho hộ nghèo. Tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng, trong số đó, 70% được tài trợ, 20% nhân dân đóng góp (đất đai, cây trái, hoa màu, vật tư, góp tiền, công lao động…) và 10% đối ứng ngân sách. Đồng thời, thực hiện bảo trì giao thông nông thôn, sửa chữa nâng cấp 30km lộ, 260 cầu xuống cấp, xây 270 cống thay cầu đã tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho nhân dân. Hội còn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế dự toán công trình, tư vấn không thu tiền khoảng 26 tỷ đồng, góp phần cùng với nhân dân xây cầu, lộ nông thôn.
Với những cống hiến không ngừng nghỉ, năm 2009, ông Trịnh Văn Y được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 2017, ông là 1 trong 30 tập thể, cá nhân trong cả nước được vinh danh “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới”. Gần đây nhất, vào dịp kỷ niệm 61 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2021), UBND tỉnh đã tổ chức lễ tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi” lần thứ I năm 2021 cho ông Trịnh Văn Y.
60 năm cống hiến
Những việc làm của ông Trịnh Văn Y là bằng chứng hành động thiết thực của lòng biết ơn, sự tri ân đối với thế hệ cha ông đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Ông Trịnh Văn Y đã liên tục hoạt động 60 năm, trong đó, có 15 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 25 năm xây dựng quê hương, sau đó nghỉ hưu, tiếp tục 20 năm cống hiến ở cương vị Chủ tịch Hội KHKTCĐ tỉnh. Trước sự công nhận của Nhà nước, xã hội dành tặng cho ông Trịnh Văn Y, nhiều người cảm thấy khâm phục ông. Nhưng ông Y muốn nhắc thế hệ trẻ rằng, ngày trước, ông cũng từng là một chàng trai trẻ, phải chịu cảnh mồ côi khi còn nhỏ, ông được ông bà nội nuôi lớn lên. Mới 19 tuổi, ông Trịnh Văn Y tham gia cách mạng, ông bước vào đời trong tình cảnh mạng sống treo lơ lửng vì chiến tranh, bom đạn...
Năm 1947, quân Pháp càn quét vào các xã ven sông Giồng Trôm, chúng đốt phá nhà dân và bắt một số người, trong đó có cha ông - ông Trịnh Văn Kềm. Ông Trịnh Văn Kềm bị bắn chết tại đất ông Cả Gắng, Ấp 3, xã Lương Phú (theo Lịch sử đảng bộ xã Lương Phú). Năm 1948, đứa con nhỏ là Trịnh Văn Rô Em bị bệnh chết, bà Văn Thị Hưởn buồn đau chồng chất... Cả một đời tảo tần lo chồng, lo con, ủng hộ chồng con tham gia cách mạng, về cuối đời bà Văn Thị Hưởn bị bệnh mất năm 1996, bà được truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 2014.
Tiếp nối truyền thống gia đình, năm 19 tuổi, ông Trịnh Văn Y được kết nạp vào Hội Thanh niên giải phóng (tháng 12-1961). Kể từ đó, hành trình cuộc đời ông Trịnh Văn Y nối dài với biết bao cột mốc bước lên. Đến hôm nay, khi đi qua những chiếc cầu nông thôn, người dân nhớ tới “Ông Hai cầu đường” Trịnh Văn Y với niềm biết ơn, thương mến.
Ông Trịnh Văn Y (hay còn gọi là Mai Sơn - tên thường dùng lúc tham gia kháng chiến chống Mỹ), sinh ngày 27-3-1942, tại xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Mẹ ông là bà Văn Thị Hưởn, sinh năm 1922, tại ấp Xẻo Nhỏ, xã Lương Phú. Cha ông tên Trịnh Văn Kềm, sinh năm 1919, là thanh niên Tiền phong công tác tại xã Lương Phú. Vợ chồng ông Kềm, bà Hưởn có với nhau 2 mặt con, con lớn là Trịnh Văn Y, con nhỏ là Trịnh Văn Rô Em. |
Bài, ảnh: Thạch Thảo