Trưng bày các tác phẩm của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Ánh Nguyệt
Nhiều tác phẩm văn chương bất hủ
Trong sự nghiệp sáng tác, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho hậu thế khối lượng thơ văn khá lớn và rất quý báu với nhiều tác phẩm văn chương bất hủ, chủ yếu bằng chữ Nôm.
Trước khi thực dân Pháp xâm lược, sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu thiên về thể loại truyện thơ truyền thống, xoay quanh đề tài đạo đức xã hội, nổi tiếng nhất là truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu. Sau khi thực dân Pháp xâm lược, Nguyễn Đình Chiểu viết một loạt tác phẩm nhằm khích lệ tinh thần chiến đấu hy sinh của nhân dân và biểu dương những tấm gương anh hùng, liệt sĩ: Chạy giặc (1859), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (1861), Văn Tế Trương Định (1864), Mười hai bài thơ điếu Phan Tòng (Phan Ngọc Tòng, Phan Công Tòng) (1867), Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, ngoài ra còn Thảo thử hịch (Hịch đánh chuột), Thư gửi cho em và một số bài thơ Đường luật khác như Ngựa Tiêu sương, Từ biệt cố nhân, Tự thuật… Từ sau khi Nam kỳ hoàn toàn rơi vào tay giặc, Nguyễn Đình Chiểu còn viết một truyện thơ Nôm dài dưới hình thức hỏi đáp về y học là Ngư Tiều y thuật vấn đáp.
Nguyễn Đình Chiểu còn là một nhà văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Triết lý văn hóa của ông là triết lý nhân sinh của một nhà văn hóa lớn, thể hiện sinh động qua các nhân vật trong các truyện thơ như: Lục Vân Tiên, Dương từ - Hà Mậu… Tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua tư tưởng Tống Nho chính thống, triết lý Nho giáo của ông đang trên quá trình Việt hóa - bình dân hóa một cách sâu sắc([1]), như trung, hiếu, tiết, nghĩa theo triết lý sống của người Nam Bộ, người Việt Nam: “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”…
Kiệt tác Lục Vân Tiên
Lục Vân Tiên là một truyện thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu với 2.082 câu thơ lục bát được sáng tác khoảng đầu những năm 50 của thế kỷ XIX, khi ông bắt đầu sáng tác văn thơ.
Thẩm định tư liệu chữ Hán Nôm liên quan đến Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Ngọc Thạch
Truyện thơ Lục Vân Tiên được Nguyễn Đình Chiểu tả về số phận chàng Lục Vân Tiên có những điểm tương đồng với Đồ Chiểu: bỏ dở thi cử về quê chịu tang mẹ rồi bị bệnh và mù cả hai mắt. Vân Tiên sau đó còn bị sĩ tử đố kỵ hãm hại, hết đẩy xuống sông lại bị bỏ vào hang sâu trong rừng. Tại rừng sâu, Lục Vân Tiên may mắn được sĩ tử Hớn Minh cứu giúp, được cho thuốc nên mắt sáng lại. Đến khoa thi, Lục Vân Tiên đỗ Trạng nguyên, được nhà vua cử đi dẹp giặc Ô Qua. Trên đường thắng giặc trở về, chàng gặp lại Kiều Nguyệt Nga - người từng được Vân Tiên cứu giúp và nguyện gắn bó suốt đời. Trở về kinh, Vân Tiên tâu hết sự tình với nhà vua, kẻ gian ác bị trừng trị, người nhân nghĩa được đền đáp, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga hạnh phúc, sum vầy.
Tuyện thơ Lục Vân Tiên là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa. Xem trọng tình cha con, tình nghĩa vợ chồng, bè bạn, tình yêu thương, cưu mang đùm bọc những người gặp khó khăn, hoạn nạn. Đề cao tinh thần nghĩa hiệp, sẵn sàng cứu khốn phò nguy([2]). Thể hiện khát vọng của nhân dân, hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời thông qua kết thúc có hậu của tác phẩm. Có hậu là thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà.
Theo cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, truyện thơ Lục Vân Tiên đã có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân và được lưu truyền dưới hình thức sinh hoạt văn hóa như: kể thơ, nói thơ Vân Tiên, hát Vân Tiên. Cho đến nay, tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị trong nền văn học Việt Nam. Lục Vân Tiên được chuyển thể thành phim, chèo, cải lương...
Với những giá trị to lớn ấy, trải qua hơn 150 năm, truyện thơ Lục Vân Tiên luôn được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả từ trí thức tới người bình dân, làm lay động trái tim của bao thế hệ người Việt Nam và là cảm hứng sáng tác cho rất nhiều những tác phẩm sau này.
Với truyện thơ Lục Vân Tiên và toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu nói chung, ông được các thế hệ tôn vinh là nhà thơ, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Lý tưởng thẩm mỹ trong các nhân vật anh hùng đã nêu bật một lối sống có văn hoá và khí phách anh hùng đặc trưng bản sắc Việt Nam. Đó là lối sống trọng đạo lý và công bằng xã hội; trọng con người và căm ghét áp bức bất công.
Qua gần 2 thế kỷ, hiếm thấy nhà thơ nào mà tác phẩm có tính phổ cập sâu rộng và có sức sống bền lâu trong đời sống văn hóa của nhân dân như vậy. Sự nghiệp thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là minh chứng hùng hồn cho vị trí và tác dụng to lớn của văn học nghệ thuật cũng như trách nhiệm của người cầm bút trước thời cuộc của đất nước.
Kiệt tác Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần tinh hoa văn hóa của nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế([3]). Lục Vân Tiên cũng là căn cứ quan trọng để UNESCO khẳng định và thông qua danh sách những danh nhân văn hóa được vinh danh trong năm 2022. |
(Còn tiếp)
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
(1) Chẳng hạn như: Chữ trung, đức đặt lên hàng đầu của nhà Nho được Việt hóa thành khái niệm “ngay” (ngay ngắn, ngay thẳng): “Nghĩa tình nặng cả hai bên/ Nếu ngay cùng chúa lại quên ơn chồng (Lục Vân Tiên).
(2)Vân Tiên đánh cướp, Hớn Minh bẻ giò Đặng Sinh.
(3) Với 3 (ba) thứ tiếng và 9 bản dịch, Lục Vân Tiên là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra ngoại ngữ nhiều thứ ba sau Truyện Kiều và Nhật ký trong tù trong khu vực nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật.