Nguyễn Đình Chiểu trong lòng dân Ba Tri - Bến Tre

30/06/2022 - 12:15

BDK - Khi 3 tỉnh miền Ðông Nam Kỳ rơi vào tay Pháp (1862), theo phong trào “tị địa”, Nguyễn Ðình Chiểu cùng nhiều nho sĩ đã tìm cách lánh xa lũ “bạch quỉ”. Nguyễn Ðình Chiểu không “tị địa” ra Nam Trung Bộ, nơi lúc bấy giờ chưa có bóng giặc mà quyết định từ Gia Ðịnh về Cần Giuộc (Long An), rồi từ Cần Giuộc về thẳng Ba Tri (Bến Tre) sinh sống, làm việc suốt 26 năm, cho đến phút an nghỉ cuối cùng.

Tranh sơn dầu (84 x 120cm) cảnh đám tang cụ Nguyễn Đình Chiểu, do họa sĩ Lê Dân vẽ năm 2012. Ảnh: Bảo tàng tỉnh

Tranh sơn dầu (84 x 120cm) cảnh đám tang cụ Nguyễn Đình Chiểu, do họa sĩ Lê Dân vẽ năm 2012. Ảnh: Bảo tàng tỉnh

Hòa thân với nhân dân

Việc Nguyễn Đình Chiểu về Ba Tri ắt hẳn ông đã biết rằng đây là vùng đất của ta, vùng đất còn chịu sự quản lý của triều đình, vùng bất hợp tác với giặc. Đất Ba Tri thời ông đến là vùng đất rộng, chiếm trên dưới phân nửa cù lao Bảo, còn nhiều rừng rậm hoang vu, dân cư còn thưa thớt. Sau khi Trương Định tuẫn tiết, nghĩa quân lần hồi tan rã, giặc Pháp và lũ tay sai đẩy mạnh đàn áp phong trào kháng chiến ở các tỉnh miền Đông, thì ở các tỉnh miền Tây, trong đó có Bến Tre, nghĩa quân yêu nước tụ tập ngày một sôi nổi.

Nguyễn Đình Chiểu về Ba Tri không lâu thì đất Ba Tri trở thành căn cứ địa kháng chiến. Phan Liêm, Phan Tôn, Phan Ngọc Tòng, Tán Kế Lê Quang Quan đã từng làm cho giặc Pháp điêu đứng ở địa bàn này. Cho nên Nguyễn Đình Chiểu về Ba Tri không phải chỉ để tránh giặc mà chính là để hòa thân với nhân dân, để có điều kiện thuận lợi hơn trong việc quan hệ giúp nghĩa binh và các lãnh tụ kháng chiến như ông đã từng làm trước đó đối với Trương Định và Đốc binh Là...

Việc cải táng hài cốt bà mẹ Trương Thị Thiệt từ miền Đông về ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Chánh Hòa, huyện Ba Tri (Bến Tre) cho thấy quan điểm của ông thật dứt khoát, đưa hài cốt mẹ ra khỏi vùng giặc đang chiếm đóng và xác lập Ba Tri là vùng đất bám trụ cuối cùng của cuộc đời ông để sống, dạy học, làm thuốc và chiến đấu bằng ngòi bút với cái tâm luôn trong sáng, với một lập trường trước sau như một, “đã vì nước phải đứng về một phía”.

Hơn một phần tư thế kỷ, tương đương với thời gian sáng mắt của ông, Nguyễn Đình Chiểu thật sự là một công dân Ba Tri (Bến Tre). Hoàn cảnh vui, buồn, sướng, khổ của cư dân tại đây đã làm cho tấm lòng của ông vốn là “Ngôi nhà tối” (Hối Trai) sáng tỏ lên hơn bao giờ hết, được tiếp thêm sức mạnh tinh thần hơn bao giờ hết, để có đủ nghị lực vượt qua thử thách của nghịch cảnh, làm tròn chức trách thầy giáo, thầy thuốc và nhà thơ “chiến sĩ” của mình.

Nói thơ Lục Vân Tiên

Cũng nhờ gắn bó chặt chẽ với nhân dân mà những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu trước đó, đặc biệt là truyện thơ Lục Vân Tiên và những áng thơ văn yêu nước chống Pháp đương thời của ông được phổ biến, truyền tụng sâu rộng trong nhân dân và có ảnh hưởng với nhân dân vô cùng sâu sắc.

Ở An Đức, An Bình Tây và khắp nơi của huyện Ba Tri, trong những thập niên từ đầu đến giữa thế kỷ XX, phong trào đọc thơ, ngâm thơ, nói thơ Lục Vân Tiên, hát tuồng Lục Vân Tiên, đờn ca tài tử, ca ra bộ có nội dung Vân Tiên - Nguyệt Nga diễn ra trên thực tế xã hội như một trào lưu phổ biến. Chính những hình thức sinh hoạt mang tính dân gian này đã làm cho Lục Vân Tiên ngấm dần, ngấm dần... vào sinh hoạt của nhân dân, khiến cho những người dù không biết chữ Nôm và chữ quốc ngữ vẫn diễn đạt, kể chuyện, nói thơ Lục Vân Tiên, hát tuồng Lục Vân Tiên một cách rạch ròi, hấp dẫn, duyên dáng, hào hứng…

Không dừng lại ở đó, Lục Vân Tiên còn được các nhà sáng tác vận dụng để sáng tạo ra những bài “thất ngôn bát cú” đặc sắc, những câu hò, điệu lý, bài vè... mang nội dung “thời sự nông thôn” nóng hổi.

Ông Nguyễn Văn Đô (1912 - 1998) - một lão nho ở ấp Bến Đình (xã An Đức, huyện Ba Tri) lúc sinh thời thường dạy nói thơ Vân Tiên; ông đã thuộc làu tác phẩm Lục Vân Tiên và các bài “thất ngôn bát cú” ở dạng dân gian sáng tác như vậy.

Ví dụ: Trong nguyên tác của tác phẩm Lục Vân Tiên bằng thơ lục bát, từ câu 219 đến câu 222 có đoạn: Nguyệt Nga ứng tiếng xin hầu/ Xuống tay liền tả tám câu, năm vần/ Thơ rồi này thiếp xin dâng/ Ngửa trong lượng rộng văn nhân thế nào.

Liền xen vào bài  “thất ngôn bát cú” (như thay lời xướng của Nguyệt Nga): Bình xa thiên lý nhất thân khinh/ Đổng ngộ Phong Lai bán lộ trình/ Dĩ biện nguy nan vô tự thoát/ Hạnh phùng giải cứu đắc tồn sinh/ Ân tình lưỡng tự tâm hà giải/ Báo đáp thiên ban ý vị bình/ Dục thỉnh ân nhân quy cố lý/ Hầu trình phụ mẫu đắc tường minh.

Sau câu 230: “Vân Tiên họa lại một bài trao ra”, thì xen vào “tám câu, năm vần” nữa: Tạ từ sư trưởng bộ khinh khinh/ Phùng đảng cường gian cản thượng trình/ Giải phá tam quân lao bán điểm/ Khử trừ chủ tướng kiến song sinh/ Lâm nguy bất giải phi quân tử/ Thiểu nghĩa vô ưu sự bất bình/ Nhứt ngữ tri âm hưu tiếp xúc/ Hậu lai tái ngộ đắc tâm minh.

Những sáng tác như vậy còn được vận dụng ở một số chỗ khác của tác phẩm Lục Vân Tiên, nhưng qua thời gian, các nội dung trên dần bị mai một, bị thất truyền.

Có thể nói, hình tượng các nhân vật chính diện, tích cực được Nguyễn Đình Chiểu mô tả trong truyện Lục Vân Tiên, cũng như hình ảnh những người nông dân, nghĩa quân yêu nước trong các bài văn tế và các bài thơ điếu của ông đã in sâu vào tâm tưởng của người dân, có sức truyền cảm mãnh liệt trong đời sống tinh thần của nhân dân Ba Tri và cả tỉnh.

Những “hồi kèn xung trận”

Cố Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Văn Phẩm (1917 - 2004), cũng là người con của xã An Đức (Ba Tri) từng cho biết: Hồi còn thanh niên, ông có cảm nhận những bài văn tế của Nguyễn Đình Chiểu như “hồi kèn xung trận”. Câu “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia…” đã làm cho số anh em trong “Đội thanh niên cứu quốc” của xã An Đức lúc ấy phấn chấn hẳn lên... Trước ngày 8-2-1946, ngày quân Pháp tràn vào bến đò Trại Già để tiến công vào trung tâm xã An Đức (cũng là tiến công quận lỵ Ba Tri) - “Anh em chúng tôi lập bàn hương án khấn vái anh linh Đồ Chiểu, cắt máu thề nguyền, quyết kề vai chiến đấu chống giặc, kìm chân giặc…”.

Thời kỳ Đồng khởi và chống phá ấp chiến lược, ông Đặng Văn Thân (1922-2002), Đặng Trung Hiền (1923-2001) cả hai nguyên là Bí thư xã An Đức, mỗi lần chủ trì mít-tinh công khai trước quần chúng, đều khơi gợi và phát huy tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của Nguyễn Đình Chiểu để phát động nhân dân tăng cường đoàn kết, nâng cao cảnh giác, hăng hái đấu tranh, tích cực đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến thắng lợi.

Những chi tiết trên chỉ là một phần trong vô vàn sự kiện sôi nổi, phong phú diễn ra trên địa bàn Ba Tri trong hai cuộc kháng chiến và xây dựng hòa bình. Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng văn hóa Nguyễn Đình Chiểu là vô cùng to lớn, vô cùng sâu rộng trong nhân dân, từ tư tưởng đến đạo đức, phẩm cách, từ nhận thức đến hành vi, phương châm, phương pháp, tổ chức, hành động một cách triệt để, nhất quán, trong sáng, rõ ràng.

Ông Tống Văn Thêm, còn gọi là thầy Tư Thêm (1911 - 1998) từng là đảng viên cộng sản thời kháng Pháp, cũng là một trong những nhà nho và thầy thuốc Đông y giỏi ở xã An Bình Tây (xã có ngôi chợ mang tên Ông Đồ), cho rằng: Ông Nguyễn Đình Chiểu rất xứng đáng được tôn thờ như bậc thánh. Ông đã trân trọng “bái kính” cụ hai câu đối Hán tự, mở đầu bằng hai chữ “Quốc sĩ”: Quốc dân cảnh ngưỡng tư liêm sỉ/ Sĩ thứ quan hoài niệm hiếu trung/Quốc sử lưu danh cố lão tú tài tuyên địch khái/ Sĩ dân trọng vọng bình sinh thạc đức chấn nhân phong.

Thế mạnh của Nguyễn Đình Chiểu về thơ văn đã đành, ông còn được nhân dân kính trọng, mến mộ và biết ơn sâu sắc qua hai chức trách thầy giáo và thầy thuốc.

Trong 26 năm hành nghề trên đất Ba Tri, Nguyễn Đình Chiểu đã dạy dỗ và cứu mạng không biết bao nhiêu người trong xã hội. Hậu duệ của ông, những tên tuổi như Lê Văn Hiệp (pháp danh Lê Khánh Hòa), Hoàng Hữu Đạo (pháp danh Thích Khánh Thông) đã trở thành những nhà nho, nhà Phật học uyên thâm, tích cực, nổi tiếng trong phong trào chấn hưng Phật giáo, cứu đạo, cứu đời. Thế hệ lớp học trò của con ông - ông Nguyễn Đình Chiêm (1869 - 1935), một số người ở Ba Tri cũng đã trở thành “nhân vật lớn” của thời xây dựng Đảng như Lê Văn Phát, Huỳnh Khắc Mẫn, Trần Văn An... Họ đều là những nhà nho chuyên làm thầy thuốc Đông y để dễ bề hoạt động cách mạng...

Ngày Nguyễn Đình Chiểu về với thế giới người hiền, đã xuất hiện một cảnh tượng chưa từng có trước đó là cánh đồng An Đức trắng xóa khăn tang. Con cháu, người thân của ông, người từng chịu ơn với ông, đông đảo quần chúng ái mộ ông như thần tượng đã chịu tang, đưa tiễn ông về nơi yên nghỉ cuối cùng. Trong xã hội có lời truyền: huyệt mộ của ông nằm ngay “Qui mạch” (thuộc tứ linh). Phải chăng, đó là sự “tưởng thưởng” xứng đáng của lớp hậu duệ dành cho ông, hay đó là sự phối hợp giữa ân tình “sư - đệ”, vì thời của ông và trước ông, các bậc lão nho đều thông cả nho, y, lý, số.

Không phải ngẫu nhiên mà cụ Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929), thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đến huyện Mỏ Cày (Bến Tre) năm 1927, lại làm một cuộc hành trình vất vả qua Ba Tri để viếng mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và nhà giáo Võ Trường Toản. Năm 1966, trong vòng vây “bình định trọng điểm” ác liệt của giặc ở Ba Tri, nhà thơ Lê Anh Xuân đã vượt qua bao đồn bót, quyết tâm cùng đồng đội bám về xã An Đức để viếng mộ Cụ Đồ và đã có những vần thơ như “tự bạch”: “Nay lòng ta càng hiểu/ Thơ là súng là gươm…”.

Đức nhân - trung - hiếu - tiết - nghĩa

Thật là phiến diện nếu như nhìn hiện tượng xã hội, con người và quá trình diễn ra trên đất Ba Tri, nhất là qua các phong trào, qua cách xử lý tình huống... từ đầu thế kỷ XX đến nay, để nói rằng tất cả đều do ảnh hưởng từ tư tưởng, đạo đức, nhân cách, sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu mà có... Nhưng sẽ không hợp lý, không chí lý và không công bằng khi xem xét vấn đề truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa, phẩm hạnh con người... mà không thấy sự tác động sâu sắc, dấu ấn sâu sắc của Nguyễn Đình Chiểu đối với đất và người Ba Tri nói riêng, Bến Tre nói chung.

Rõ ràng, Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho nhân dân Ba Tri, nhân dân Bến Tre một di sản văn hóa tinh thần vô cùng quý báu. Đó là đức nhân - trung - hiếu - tiết - nghĩa. Là nghị lực đương đầu, nghị lực vượt khó khăn, vượt lên số phận nghiệt ngã. Lòng yêu nước, thương dân, mến chuộng hòa bình, công tâm, công lý. Lập trường dứt khoát bạn - thù, giữ gìn tiết tháo. Là lòng tin vững chắc vào sứ mạng con người khi phục vụ nhân dân, phục vụ chính nghĩa dân tộc. Tinh thần tự học, tự rèn, lạc quan, sáng tạo, sáng tạo mãi trong cuộc sống và hoạt động, kể cả trong những điều kiện, hoàn cảnh bi đát nhất của cuộc đời.

Những di sản văn hóa tinh thần ấy mãi mãi trường tồn. Di sản đã, đang và sẽ tiếp tục là tiền đề, là động lực, là giải pháp quan trọng giúp nhân dân Ba Tri, nhân dân Bến Tre có đủ ý chí, nghị lực, niềm tin vượt qua thử thách, đương đầu với những khó khăn, đứng vững và phát triển trong mọi tình thế của cuộc sống đầy biến chuyển, cả hiện tại và tương lai.

Nguyễn Quang Trị

Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN