Nhà giáo “nuôi dưỡng” đam mê nghiên cứu khoa học

13/11/2023 - 05:22

BDK - Tháng 3-2023, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Bến Tre có 1 dự án đạt giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia. Đằng sau giải thưởng là một câu chuyện xúc động về tinh thần vượt khó, niềm say mê nghiên cứu khoa học của thầy Bùi Văn Tròn cùng học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu.

Thầy Bùi Văn Tròn (bìa trái) cùng nhóm học sinh đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2020-2021. Ảnh: Minh Sơn

Thầy Bùi Văn Tròn (bìa trái) cùng nhóm học sinh đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2020-2021. Ảnh: Minh Sơn

Khi tập thể chung lòng

Dự án “Hệ thống giám sát, hỗ trợ cứu hỏa bằng máy bay không người lái ứng dụng công nghệ xử lý ảnh nhiệt và mạng Nơron nhân tạo” của thầy và trò Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Bến Tre đã đạt giải nhất Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022-2023. Cuộc thi diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh, với 143 dự án đến từ các trường THPT trong cả nước tham dự.

Thành công ở cuộc thi quốc gia không chỉ mang lại niềm vui nức lòng cho thầy trò Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, mà còn đem đến vinh dự cho ngành giáo dục tỉnh. Ít ai biết, đằng sau giải thưởng là câu chuyện xúc động về tinh thần vượt khó nghiên cứu khoa học của tập thể thầy và trò Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, của Tổ tư vấn các dự án tham dự cấp quốc gia. Bởi phòng thí nghiệm của trường THPT không thể đáp ứng nhu cầu thực hiện các đề tài. Các thầy và trò cần những phòng thí nghiệm chuyên sâu và thế là phải đi mượn phòng thí nghiệm.

Để mượn được phòng thí nghiệm của nhiều trường đại học không phải việc đơn giản, lúc này cần đến vai trò của thầy hiệu trưởng. “Để mượn được phòng thí nghiệm, tôi làm một giấy giới thiệu gửi đến trường đại học có ký hợp tác với Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu trong việc tuyển sinh như: Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Trà Vinh, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng... Một trong những điều kiện ký kết hợp tác là trường đại học đó phải hỗ trợ cho chúng tôi mượn phòng thí nghiệm”, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu Đặng Bửu Truyển cho biết.

Thầy Bùi Văn Tròn - Thạc sĩ Vật lý kỹ thuật - người hướng dẫn cho nhiều dự án KHKT của học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đạt giải cao cấp tỉnh, cấp quốc gia kể: “Thầy trò chúng tôi phải đi nhiều lần sang các tỉnh, thành bạn để mượn phòng thí nghiệm thực hiện đề tài. Mỗi lần đi như vậy, để không ảnh hưởng tới việc dạy học, tôi phải nhờ đồng nghiệp dạy thay hoặc trao đổi giờ dạy, thật may mắn vì tôi có cả một nhóm đồng đội sẵn sàng hỗ trợ”.

Thầy giỏi đã có, vậy làm sao phát hiện được trò giỏi để đào tạo? Cách phát hiện học trò có tiềm năng được thầy Bùi Văn Tròn chia sẻ: “Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu có nhiều nhóm câu lạc bộ (CLB) như: CLB Học thuật, CLB Nghiên cứu khoa học, CLB âm nhạc... Việc sinh hoạt ở các nhóm kỹ năng, giúp chúng tôi phát hiện học sinh có năng khiếu. Bên cạnh đó, một nhóm giáo viên có cùng đam mê nghiên cứu khoa học như: Thầy Ngon, thầy Thiện, cô Ngân, cô Cẩm, cô Hằng, cô Quỳnh Dao... luôn có tinh thần trong việc tìm kiếm, để ý phát hiện những học sinh có ý tưởng, có tiềm năng với nghiên cứu khoa học và giúp đỡ các em thực hiện ý tưởng”.

Cũng cần kể đến sự hỗ trợ tích cực của phụ huynh học sinh. Những chuyến thầy và trò khăn gói đi thực hiện đề tài ở phòng thí nghiệm ngoài tỉnh rất cần kinh phí. May mắn cho học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh hết lòng ủng hộ.

Tác động của giáo dục STEM

Mô hình mới “Hoạt độ̣ng giáo dục STEM, nghiên cứu khoa học của học sinh và sáng tạo khoa học kỹ thuật của giáo viên”, tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu được xem là “chìa khóa” giúp nhà trường nhiều năm liền có nhiều học sinh và giáo viên đạt giải cao ở nhiều cuộc thi.

Bất cứ một đề tài khoa học nào cũng đòi hỏi học sinh phải tích hợp kiến thức liên môn nhiều môn học và giáo dục STEM là một phương pháp hay, hiệu quả. Giáo dục STEM giúp học sinh áp dụng kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào các bối cảnh cụ thể. Ngoài ra, giáo dục STEM còn trang bị cho học sinh những kỹ năng mềm như: kỹ năng cộng tác, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện… Đó là sự công nhận của các giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu.

Ngay đầu năm học 2022-2023, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng mô hình “Triển khai hiệu quả hoạt động STEM, nghiên cứu KHKT của học sinh và sáng tạo KHKT của giáo viên”. Kết quả, năm học 2022-2023, trường đạt 1 giải nhất và 1 giải tư cấp quốc gia về nghiên cứu KHKT dành cho học sinh trung học, tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh vào tháng 3-2023. Trước đó, năm học 2020-2021, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cũng đạt 1 giải nhất ở cuộc thi cấp quốc gia về nghiên cứu KHKT dành cho học sinh trung học.

Người đỡ đầu, dìu dắt những ý tưởng từ manh nha đến hiện thực và đạt giải quốc gia là thầy Bùi Văn Tròn, giáo viên môn Vật lý Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu. Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu Đặng Bửu Truyển nhận xét về thầy Tròn: “Về chuyên môn nghiệp vụ, thầy Bùi Văn Tròn là người có trách nhiệm, luôn tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới. Đặc biệt, thầy Tròn là người đam mê giúp học sinh nghiên cứu KHKT, cũng như các hoạt động trải nghiệm STEM. Thầy có nhiều năm liền là người hướng dẫn nhóm học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh và giải nhất cấp quốc gia; 2 lần tỉnh có học sinh đạt giải nhất cấp quốc gia đều do thầy Tròn hướng dẫn”.

Với tấm lòng một nhà giáo khiêm tốn, thầy Bùi Văn Tròn tâm sự: “Tôi luôn cho rằng thành công là của cả tập thể, gồm: học sinh thì học hết mình, phụ huynh ủng hộ, lãnh đạo quan tâm và đồng nghiệp luôn chia sẻ, ủng hộ. Sau mỗi lần thực hiện dự án, tôi học được nhiều kinh nghiệm. Tôi nghĩ rằng, muốn tiến bộ trong tinh thần khoa học, ta phải xét vấn đề bằng lý trí để học hỏi (chứ không phải bằng cảm xúc, cái “tôi” của mình), nhất là khi các ý kiến góp cho ta mà trái với ý ta, hoặc trái với kiến thức hiểu biết của ta”.

Nhờ tinh thần vượt khó của thầy và trò Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, ngành giáo dục tỉnh được ghi danh trên diễn đàn cuộc thi KHKT cấp quốc gia. Thành quả từ các dự án đạt giải đối với các thế hệ học trò Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu không chỉ mang lại sự tự tin cho các em; mà tấm gương về tinh thần khoa học, đức tính kiên nhẫn của các thầy cô sẽ là kỷ niệm mang đậm tính giáo dục trên bước đường trưởng thành của các em.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo La Thị Thúy chia sẻ: “Từ thành tích của thầy Bùi Văn Tròn và học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, phong trào nghiên cứu KHKT trong trường học tại tỉnh được thúc đẩy và lan tỏa rất lớn. Qua đó, mang lại động lực cho thầy cô trong toàn ngành về tinh thần nghiên cứu KHKT, tạo thêm nhiều niềm phấn khởi, yêu thích khoa học cho các em học sinh. Hiện nay, tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh đều có câu lạc bộ nghiên cứu khoa học”.

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN