Nhạc sĩ Võ Đăng Tín trao tặng các tập nhạc cho Hội Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Ánh Nguyệt
Hành trình đến với âm nhạc
Tôi luôn lấy làm thích thú những khoảnh khắc ngắm nhạc sĩ Võ Đăng Tín lúc được ngồi đối diện với ông. Vì sao vậy? Xin thưa: Vì ngắm ông tôi thường liên tưởng đến tác phẩm hội họa vẽ truyền thần của một họa sĩ tài hoa. Bao giờ ông cũng với phong thái đĩnh đạc, tướng mạo, diện mạo, dung mạo của ông đều toát lên nét phương phi của bậc trí sĩ, nghệ sĩ tài hoa và rất ư là phong lưu. Trong bàn trà hay tiệc rượu, thỉnh thoảng nhạc sĩ thả ánh nhìn xa xăm rất cá tính. Những phút giây như thế, không ai nỡ khuấy động thế giới nội tâm của ông.
Võ Đăng Tín có thời gian tuổi thơ được người mẹ nuôi Đỗ Thị Hai ở miệt vườn Đông Ngô, Giồng Trôm cưu mang, nuôi dạy. Mẹ Hai có chồng và ba người con trai hy sinh cho đất nước. Dù nghèo khó, mua bán tảo tần, hoạt động cách mạng công khai, song mẹ vẫn dành tiền mua cho ông chiếc kèn Harmonica mà ông hằng ao ước. Chính Võ Đăng Tín từng thừa nhận món quà vô giá đó đã manh nha tình yêu âm nhạc trong ông một cách âm thầm, ngọt ngào. Vậy nên hàng năm, một đôi lần ông về đây thắp nén hương cho mẹ - người ơn của mình như tình máu thịt. Không còn mẹ Hai, nhưng ông vẫn còn người anh nuôi Trần Đông Phong (con trai của mẹ Hai) luôn mở rộng vòng tay chào đón ông mỗi khi quay về mái ấm.
Mười tuổi, Võ Đăng Tín sang sống bên đất Mỏ Cày. Dù tuổi nhỏ, nhưng ông từng tham gia vào cuộc Đồng khởi long trời của quân dân Bến Tre. Võ Đăng Tín là con của Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Phẩm trong giai đoạn đó. Nhà cách mạng lão thành này cùng với Nữ tướng Nguyễn Thị Định thực thi Nghị quyết số 15 của Trung ương để làm nên cuộc Đồng khởi vang dội đó.
Võ Đăng Tín là “hạt giống cách mạng”. “Hạt giống” ấy được ươm mầm trên đất Bắc giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Ông từng là học sinh miền Nam, tốt nghiệp phổ thông ở ngôi trường bên chân núi Tam Đảo. Theo nguyện vọng của người cha, muốn ông nghiên cứu Sử học, nhưng niềm đam mê âm nhạc đã “dẫn” ông vào học Khoa sáng tác âm nhạc của Nhạc viện Hà Nội. Đất nước thống nhất, ông trở về Nam tiếp tục học âm nhạc. Ông tốt nghiệp đại học Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Ra trường, dù giảng dạy hay làm công tác quản lý, ngọn lửa đam mê sáng tác vẫn luôn cháy bỏng trong người nhạc sĩ tài hoa này.
“Ký ức Đồng khởi”
Sinh ra trên mảnh đất An Đức (Ba Tri), những làn điệu dân ca, hò vè và thơ Lục Vân Tiên đã ngấm vào máu ông. Nên tác phẩm của ông dù viết về thể loại nào cũng thường mang hơi thở của xứ sở dừa xanh. Các ca khúc nghệ thuật như “Mênh mông dòng sông”, “Hoa dừa”… Tác phẩm thanh nhạc tiêu biểu có “Aria tiếng hát tình yêu”. Ông còn soạn tam tấu cho violon, violoncello và piano. Tôi có cảm giác nhạc sĩ Võ Đăng Tín lao động nghệ thuật như loài chim yến huyết dâng hết tinh túy cho đời vậy. Ông viết cả âm nhạc cho các vũ kịch “Chuyện tình trên sông”, “Mặt trời trong tim” (viết cùng Trần Vương Thạch). Ông viết cho khí nhạc: 6 prelude cho piano. Biến tấu cho đàn violoncello và piano. Ông từng cho ra mắt tuyển tập ca khúc Võ Đăng Tín và băng casette. Nhưng tác phẩm để đời của ông là bản giao hưởng “Ký ức Đồng khởi”. Ông đặt trái tim, tình yêu nồng nàn của mình vào tác phẩm, nên hồn cốt của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre được thổi bùng lên như ngọn lửa, mãi còn lưu dấu ấn lớn trong lòng khán thính giả. Bản giao hưởng này từng được công diễn ở Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi. Hơn thế nữa, tác phẩm này đã được chọn tham gia biểu diễn ở Lào, Serbia, Hàn Quốc…
Năm 2008, “Ký ức Đồng khởi” được Võ Đăng Tín dẫn đoàn đi tham gia Tuần lễ dàn nhạc châu Á, tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản để biểu diễn. Thú vị thay đã “hớp hồn” nhóm nhạc sĩ người Mỹ. Một hình tượng biểu hiện tinh thần dân tộc được giới thiệu ở đây rất hùng tráng, nên họ đã cảm phục, ngỏ lời mua bản quyền, nhưng bởi tính hào hiệp, ông không bán, chỉ tặng không cho họ. Từ đó tác phẩm này được biểu diễn ở nhiều tiểu bang của Mỹ. Điều này không những là niềm tự hào, vinh dự cho ông mà còn cho giới nhạc sĩ và cho cả nhân dân Việt Nam.
Nhạc sĩ Võ Đăng Tín từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, chuyên viên Âm nhạc Sở Văn hóa - Thông tin thành phố… Ông là giám đốc đời thứ tư của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Minh lâu nhất (2003 - 2010). Dù đang công tác quản lý hay đứng bục giảng, ông vẫn dành thời gian cho niềm đam mê của mình - sáng tác âm nhạc. 8 năm ở cương vị giám đốc, ông đã đóng góp nhiều tác phẩm nghệ thuật hàn lâm cho thành phố. Ông nhận huy chương vàng thành tựu nghệ thuật, như: Hội diễn nghệ thuật toàn quốc 2001, với chức danh chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Rồi giải II Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2004, với giao hưởng “Ký ức Đồng khởi”, chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc (Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc), giải thưởng ca khúc TP. Hồ Chí Minh -1982, với tác phẩm “Khúc hát ân tình”, giải thưởng của Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh với tác phẩm “Tiếng hát này, trái tim này”… Những cống hiến của ông đã được Nhà nước ghi nhận, trao Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng II. Đồng thời, ông từng về Bến Tre nhận Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật danh giá đợt I (2010) một cách xứng đáng.
Nhạc sĩ Võ Đăng Tín khi ở tuổi thất thập, nhưng dường như ông không có khái niệm hưu trí. Ông vẫn hăng hái tham gia hoạt động văn nghệ như thời thanh xuân. Dù ông đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng ông vẫn hỗ trợ, giúp đỡ những hoạt động có liên quan đến hương quê Bến Tre. Năm 2019, ông từng tổ chức cho các nhạc sĩ TP. Hồ Chí Minh về Bến Tre mở trại sáng tác ca khúc, nhằm phục vụ cho kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (1960 - 2020). Đồng thời, ông thường tham gia trong Ban giám khảo những cuộc thi sáng tác ca khúc của Bến Tre tổ chức. |
Phạm Bội Anh Thuyên