
Thuê dàn nhạc sống phục vụ đám tiệc gần như là xu hướng của nhiều người. Ảnh: Thanh Đồng
Chỉ mang tính răn đe
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vừa qua, bà Trần Thị Kiều Tôn - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) nhận xét, nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, văn nghệ trong xã hội đang phát triển rất nhanh, theo xu hướng được thể hiện mình nhiều hơn. “Đó là lý do tại sao phong trào hát nhạc sống lại phát triển mạnh. Nếu trước đây, người dân chỉ ở vai trò thưởng thức văn nghệ thì bây giờ họ lại muốn thể hiện bản thân. Tôi thích hát, tôi có khả năng hát thì tôi hát để giải tỏa tâm trạng của mình”, bà Kiều Tôn lý giải.
Theo ông Trương Quốc Phong - Giám đốc Sở VHTT&DL, tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhạc sống là loại hình người dân khu vực nông thôn rất ưa chuộng. Sau thời gian lắng dịu, nối tiếp ngày vui Tết Nguyên đán đến nay phong trào phát triển rầm rộ. Người dân một số nơi có phản ánh đến ngành.
Ông Phong cho biết, cái khó khăn lớn nhất hiện nay là xử lý vi phạm, bởi việc kiểm tra xử lý có 3 bộ phận liên quan. Cảnh sát môi trường sử dụng các thiết bị đo âm lượng, nếu vượt mức thanh tra môi trường sẽ đề nghị xử phạt. Ngành văn hóa chỉ phối hợp trong hướng dẫn khâu đăng ký quản lý loại hình nhạc sống. Trách nhiệm xử lý vi phạm hoàn toàn do đoàn kiểm tra liên ngành môi trường quyết định.
Ông Nguyễn Văn Chinh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng thông tin, mặc dù thanh tra ngành môi trường có thẩm quyền xử lý, tuy nhiên, thực tế, các trường hợp được phản ánh đơn vị không chủ cơ sở để xử lý. Hầu hết trường hợp khi thanh tra có mặt thì người dân đã ngừng hoặc điều chỉnh âm thanh nên việc đo cường độ âm thanh không còn hiệu quả.
“Hiện nay, việc xử phạt về vi phạm môi trường trong nhạc sống chưa được nhiều. Vì mức khung phạt rất cao, từ 140 - 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 decibel, mức thấp nhất là cảnh cáo. Thời gian qua, việc xử phạt chỉ mang tính là răn đe, nếu áp dụng đúng khung hình phạt quy định thì người dân không có khả năng nộp phạt” - ông Trương Quốc Phong cho hay.
Thực tế, từ cấp huyện, thành phố đến cấp xã, phường, thị trấn toàn tỉnh hiện cũng đang trông chờ vào chỉ đạo giải pháp của tỉnh mà chưa có hướng xử lý ở cấp cơ sở. Khi hỏi về giải pháp quản lý, đại diện phòng văn hóa - thông tin ở một huyện cho biết, số lượng đăng ký kinh doanh lĩnh vực này tăng rõ rệt và tình trạng nhạc sống tràn lan hiện nay rất khó quản lý. Đến nay, vẫn chưa có trường hợp nào xử lý được.
Quyết liệt trong xử lý vi phạm
Một số ý kiến người dân cho rằng cần tác động từ nhận thức. “Nếu mỗi người ý thức được việc hát nhạc sống với âm lượng lớn sẽ gây phiền hà, ảnh hưởng đến cộng đồng, gây ra những hệ lụy trong xã hội thì họ sẽ có một cách hành xử tích cực hơn” - chị Mỹ Linh ở phường Phú Khương, TP. Bến Tre nói.
“Đối với nhiều người, hát nhạc sống đang là một phong trào giải trí ưa thích. Vì họ được hát, được chơi, nhất là được thỏa mãn cái tôi của mình mà không cần phải trả quá nhiều tiền. Một lý do khác là nhà nước chưa có các hoạt động giải trí đủ để thu hút sự quan tâm của người dân” - chị Hoàng Anh (thị trấn Chợ Lách) cho hay.
Theo anh Thành An ở Phường 3, TP. Bến Tre: “Việc tác động đến chủ cho thuê dàn nhạc để họ chủ động hạn chế cường độ âm thanh theo quy định đã có những hiệu quả nhất định. Ít ra thì nếu như tuân thủ nghiêm ngặt cam kết này, thì sẽ không còn tình trạng chơi nhạc sống ồn ào sau 22 giờ đêm. Ngành quản lý có thể tiếp tục can thiệp đối với chủ cho thuê dàn nhạc để họ giới hạn cường độ âm thanh của dàn nhạc cho phù hợp”.
Bàn về giải pháp đối với xử lý vấn đề nhạc sống, bà Kiều Tôn cho rằng có thể phát huy được vai trò của địa phương, nhất là tổ nhân dân tự quản trong việc tuyên truyền, nhắc nhở ngay tại địa bàn.
Bà Trần Thị Kiều Tôn cho biết, ở góc độ của cấp quản lý nhà nước về văn hóa trong việc tổ chức các hoạt động văn nghệ không chuyên, trong năm 2018, ngành văn hóa có định hướng tổ chức nhiều hơn các hoạt động văn hóa, văn nghệ cho cộng đồng dân cư để người dân hát, chơi có tổ chức, có không gian thích hợp. Dựa trên nhu cầu của người dân, cơ quan quản lý sẽ tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng để đáp ứng cho người dân. Quan điểm chỉ đạo của sở chính là sẽ đưa các hoạt động về cơ sở, đồng thời quản lý được cũng như phát hiện nhân tố mới để có sự quan tâm bồi dưỡng các hạt nhân từ cơ sở.
Theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Văn Trọng tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, quy định đo cường độ âm thanh còn nhiều chuyện để bàn. Do đó, các ngành, địa phương phải linh hoạt trong xử lý. Trách nhiệm của Sở VHTT&DL phải có công văn nhắc nhở các địa phương trong công tác xử lý tiếng ồn môi trường do nhạc sống gây ra.
Chủ tịch UBND tỉnh nhắc lại quy định, khi chơi nhạc không được quay loa ra ngoài và không vượt quá giờ cho phép, trường hợp nào sai quy định, địa phương cứ căn theo đó mà xử lý.
Có thể nói, đưa ra chế tài xử lý là giải pháp cần thiết, thể hiện sự dứt khoát, quyết liệt của ngành chức năng trong công tác xử lý vấn nạn nhạc sống phát sinh như hiện nay. Tuy nhiên, việc dùng đến chế tài được xem là giải pháp cuối cùng và bất khả kháng. Giải pháp trọng yếu vẫn là nâng cao vai trò của xóm ấp, đoàn thể, tổ chức và người có trách nhiệm tại địa phương. Việc tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để nâng cao ý thức của người dân phải được thực hiện một cách tích cực, quyết liệt và thường xuyên.
“Năm 2017, tỉnh đã làm tốt việc quản lý loại hình nhạc sống, giảm đáng kể dư luận trong xã hội. Để nhạc sống là loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần đúng nghĩa của người dân, các ngành, các cấp cần phát huy trách nhiệm quản lý, trong đó cần thiết sử dụng biện pháp chế tài, vì đây là một trong những biện pháp giáo dục hiệu quả. Đồng thời nâng cao trách nhiệm truyền thông của chính quyền địa phương, phải làm cho người dân hiểu niềm vui của bản thân mà tra tấn người khác là phi nhân đạo” - Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo lưu ý tại Hội nghị lần thứ 12 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. |
Thanh Đồng - Phan Hân - Cẩm Trúc