Phi hành gia người Nhật đến từ tàu Endeavour Takao Doi (54 tuổi) đã sử dụng cánh tay robot để nâng mô-đun hậu cần (phần đầu tiên của Kibo) hình trụ, nặng 4,2 tấn ra khỏi khoang hành lý của tàu và di chuyển nó tới đặt vào cổng nối Harmony của Trạm ISS.
Theo một quan chức của Cơ quan Thám hiểm không gian Nhật Bản thì giây phút di chuyển phần đầu tiên của phòng thí nghiệm Kibo vào trạm thật tuyệt vời. Đó là sự kiện được người Nhật đợi chờ trong hơn 20 năm với chi phí lên đến 3 tỉ USD.
Trước đó, hai nhà du hành Garrett Reisman và Richard Linnehan đã có chuyến đi bộ ra ngoài không gian đầu tiên kéo dài 7 tiếng để làm việc với hệ thống tay robot do Canada chế tạo có tên Dextre.
Tuy nhiên, họ đã thất bại khi Dextre vẫn chưa thể tiếp nhận được năng lượng từ Trạm ISS. Đại diện Cơ quan Vũ trụ Canada cho biết đã có lỗi tại bộ phận dây cáp của hệ thống. Dextre cần năng lượng để kích hoạt và làm nóng, nếu không nó sẽ gặp nguy hiểm nếu bị để trong khoảng không lạnh giá trong nhiều ngày.
Được biết, phân nửa kế hoạch 5 lần đi bộ ngoài không gian của phi hành đoàn tàu Endeavour trong 12 ngày ở trên trạm là dành cho việc lắp ghép hệ thống tay robot Dextre trị giá hơn 200 triệu USD. Dextre sẽ được hoàn chỉnh bởi 9 bộ phận khác nhau.
NASA có kế hoạch sử dụng tay robot này để giúp những nhà du hành thực hiện các công việc bên ngoài trạm với độ chính xác cao, điều đó cũng giảm bớt số lần họ phải ra ngoài không gian.
Tàu con thoi Endeavour được phóng lên vào sáng sớm 11.3 tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida (Mỹ), tàu đã lắp ghép với trạm vào ngày 12.3 và theo dự kiến, nó sẽ rời trạm vào ngày 24.3 để trở về Trái đất 2 ngày sau đó.
Ngay sau khi tàu Endeavour rời Trạm ISS, tàu vận tải tự động (ATV) đầu tiên của châu Âu có tên Jules Verne sẽ đến kết nối vào trạm. Jules Verne được phóng vào ngày 9.3 tại Trung tâm Vũ trụ Guiana thuộc Pháp để đem khoảng 9 tấn hàng hóa đến cung cấp cho trạm. ATV sẽ ở lại trạm khoảng 6 tháng trước khi mang theo rác thải của trạm ra đi.