Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh

Nhiều giải pháp về đầu tư công, rác thải, sử dụng đất được đề cập tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

07/07/2023 - 11:12

BDK - Tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (2 ngày 4 và 5-7-2023), HĐND tỉnh dành thời gian 1 buổi cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, hai Phó chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Quang Triệu và Lê Văn Khê chủ trì phiên chất vấn.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phát biểu tại phiên chất và trả lời chất vấn.  Ảnh: H. Hiệp

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phát biểu tại phiên chất và trả lời chất vấn.  Ảnh: H. Hiệp

Về đầu tư công

Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thanh Bằng (Giồng Trôm) đặt vấn đề chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Dương Văn Phúc về vấn đề đầu tư công (ĐTC). Thời gian qua, rất nhiều công trình, dự án (DA) ĐTC trên địa bàn tỉnh được triển khai hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng rất nhiều DA ĐTC triển khai còn nhiều tồn tại, hạn chế như: chậm tiến độ, thay đổi thiết kế, cắt giảm quy mô, hạng mục, giảm tổng mức đầu tư… không bảo đảm mục tiêu ban đầu của DA... Đại biểu Lê Thanh Bằng đề nghị Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm và giải pháp nào để khắc phục.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở KH&ĐT Dương Văn Phúc thông tin tiến độ thực hiện và những khó khăn, vướng mắc của một số DA như: DA Cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng (DA cấp nước Cù Lao Minh); DA đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm (CCN Phong Nẫm), huyện Giồng Trôm...

DA cấp nước Cù Lao Minh xây dựng tuyến ống có đường kính D350-D500 tải nước ngọt với chiều dài khoảng 44,3km từ cầu Hàm Luông đến Nhà máy nước Thạnh Phú và 2 trạm bơm tăng áp dọc tuyến. Khó khăn là DA thi công đi qua nhiều khu dân cư trên địa bàn của 3 huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú, mất rất nhiều thời gian trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và việc xin giấy phép thi công dọc theo các tuyến đường quốc lộ thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan, đơn vị (Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu; Sở Giao thông vận tải). UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo chủ đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để giải quyết, đến nay đã DA đã cơ bản hoàn thành.

Hiện còn hạng mục trạm bơm tăng áp số 1 chưa giải phóng mặt bằng được do còn 2 hộ dân khiếu nại. DA đã hết thời gian thực hiện theo tiến độ được phê duyệt, bắt buộc phải cắt giảm hạng mục để quyết toán, tất toán DA. Đối với trạm bơm tăng áp đề nghị cắt giảm, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành có liên quan nghiên cứu đầu tư DA khác nhằm đảm bảo mục tiêu, hiệu quả đầu tư của DA.

Đối với DA CCN Phong Nẫm, Giám đốc Sở KH&ĐT Dương Văn Phúc cho biết: DA có quy mô đầu tư với tổng diện tích sử dụng đất là 42,73ha. Trong đó bao gồm: giai đoạn 1: Tuyến đường trục chính D1; giai đoạn 2: Hệ thống hạ tầng giao thông gồm tuyến đường khu vực D2, D2a; đường D3, D3a và D3b; đường N1, N2 và đường dân sinh… Đến nay đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng đường D1. Hiện đang triển khai thực hiện hạng mục đường D2N1 và D2a, N2; chuẩn bị triển khai thiết kế hạng mục nhà máy xử lý nước thải. Đến nay, thời gian còn lại để thực hiện DA rất ít, nên không thể triển khai hết toàn bộ các hạng mục của DA.

 Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Dương Văn Phúc, hướng tới, Tổ Công tác theo dõi, kiểm tra tiến độ các DA ĐTC tập trung thực hiện nhiệm vụ, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm cụ thể đối với đơn vị/cá nhân có liên quan đối với lỗi chủ quan trong điều hành DA. Đối với các sở quản lý xây dựng chuyên ngành, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ thẩm định DA, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán... Hạn chế đến mức thấp nhất việc ảnh hưởng tiến độ của giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn thực hiện DA.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam nhận định, vốn ĐTC ngoài phục vụ cho phát triển thì còn nhiệm vụ dẫn dắt cho sự phát triển, vai trò của vốn ĐTC là rất quan trọng. Đặc biệt, càng giải ngân sớm thì hiệu quả kinh tế xã hội càng sớm. Từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, bên cạnh sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, UBND tỉnh rất ý thức quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cũng gặp một số khó khăn, phải thực hiện theo quy trình và khó nhất hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng, đòi hỏi cần có giải pháp quyết liệt hơn, tốt hơn, nhất là làm sao tạo sự đồng thuận của người dân, phục vụ cho nhu cầu phát triển chung của tỉnh nhà.

Vấn đề đất quy hoạch các DA đô thị

Đại biểu Phạm Đông Thuận (TP. Bến Tre) chất vấn: Quy hoạch DA các khu đô thị kéo dài không rõ ngày bắt đầu và ngày kết thúc (khu đô thị phía Nam của Toàn Gia) gây thiệt hại về kinh tế, lãng phí tài nguyên đất đai và khó khăn cho cuộc sống người dân trong vùng dự án.

Giám đốc Sở Xây dựng Đoàn Công Dũng giải trình: Phát triển kinh tế - xã hội thông qua động lực phát triển đô thị đã được quán triệt trong mục tiêu, nhiệm vụ đột phá tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 18/NQ-HĐND (ngày 13-7-2022) của HĐND tỉnh về việc xây dựng TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I trước năm 2030... Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách khó khăn thì vấn đề kêu gọi thu hút đầu tư DA là rất cần thiết, nhằm từng bước phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại sớm đạt được mục tiêu đạt chuẩn đô thị loại I trước năm 2030 theo nghị quyết đề ra. Theo Luật đầu tư, để có cơ sở lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi tiến hành tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư theo đúng quy định thì DA phải thuộc danh mục thu hồi đất. Quyền sử dụng đất của người dân trong vùng dự án bị hạn chế từ bước triển khai lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Xây dựng, người dân vẫn tiếp tục được thực hiện các quyền của người sử dụng đất, như: chuyển nhượng, thế chấp, giao dịch quyền sử dụng đất, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời được phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở để ở.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, hạn chế trên, trước mắt sẽ phối hợp với địa phương cùng các ngành có liên quan tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân thực hiện các quyền nêu trên theo quy định pháp luật; rà soát xem xét bãi bỏ một số dự án không đủ điều kiện thực hiện; trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch về việc triển khai các DA đầu tư xây dựng khu đô thị mới đã được thông qua Nghị quyết HĐND tỉnh trên địa bàn tỉnh có lộ trình, cơ chế kiểm soát tiến độ triển khai cụ thể cho từng DA.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn nêu khó khăn: Trong quy hoạch phức tạp nhất trong các loại DA là quy hoạch DA đô thị. Bến Tre đang thực hiện chủ trương chung để xây dựng TP. Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I và tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh bằng với mức trung bình của cả nước vào năm 2030. Hiện nay, Quốc hội cũng thảo luận điều chỉnh các luật liên quan. Đối với quyền lợi của người dân vùng DA, cam kết sẽ không để cho quyền lợi của người dân thiệt thòi, đảm bảo tái định cư cho người dân bị thu hồi đất được an tâm, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn.

Quản lý, sử dụng đất trong các khu công nghiệp

Đại biểu Nguyễn Minh Triều - Phó ban Pháp chế HĐND tỉnh chất vấn về lĩnh vực quản lý, sử dụng đất trong các khu công nghiệp (KCN).

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam trả lời: Hiện nay có 10 DA chậm tiến độ nhưng hầu hết đã có triển khai xây dựng 70%, chưa đưa hết đất vào sử dụng đúng theo cam kết trong chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng diện tích khoảng 23,65 ha, cụ thể KCN Giao Long có 7 DA, KCN An Hiệp có 3 DA.

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ chưa đưa hết diện tích đất vào sử dụng là do quá trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư các doanh nghiệp (DN) thực hiện xây dựng theo từng giai đoạn dẫn đến kéo dài thời hạn đầu tư. Một số DN hoạt động không hiệu quả dẫn đến việc công ty xin tạm dừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, trong các năm qua tình hình dịch bệnh kéo dài, tình hình lạm phát, chiến tranh giữa Nga và Ukraina làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tiến độ đầu tư của các DA.

Nhận thấy việc triển khai đầu tư chậm tiến độ DA của các nhà đầu tư, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý (BQL) các KCN triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp. Hiện các DA đã cam kết tiếp tục triển khai, hoàn thành trong thời gian tới. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo BQL các KCN, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, đôn đốc nhà đầu tư đấy nhanh tiến độ thi công, đưa đất vào sử dụng đúng tiến độ. Đối với các đơn vị đã có kế hoạch thực hiện, nhưng chưa có cam kết cụ thể, thì yêu cầu chủ đầu tư phải có cam kết và giao cho BQL các KCN theo dõi việc thực hiện.

Đối với các đơn vị không có kế hoạch thực hiện, kế hoạch không khả thi, trì hoản việc thực hiện kế hoạch... thì kiên quyết thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư khác có năng lực tốt hơn.

Xử lý rác thải và bảo vệ môi trường

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Văn Tân đặt vấn đề chất vấn đối với UBND tỉnh về lĩnh vực xử lý rác thải và bảo vệ môi trường đối với Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre và các huyện trong tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam giải trình: Từ khi Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre đang bị tạm dừng hoạt động để khắc phục các vi phạm về bảo vệ môi trường. Qua xem xét, UBND tỉnh nhận thấy việc tái đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre là phương án tối ưu và nhanh nhất. Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, địa phương và nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Tập đoàn AMACCAO và Công ty cổ phần Xử lý rác thải Bến Tre) nghiên cứu, đề xuất phương án tái đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre bảo đảm đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Trong đó, thời gian thực hiện và hoàn thành phương án này là đầu năm 2026 sẽ đưa nhà máy đi vào hoạt động ổn định.

 Sau khi nhà máy xử lý rác của tỉnh ngưng tiếp nhận rác, lượng rác huyện Mỏ Cày Bắc được chuyển về xử lý tại Nhà máy rác huyện Thạnh Phú; lượng rác huyện Giồng Trôm đưa về bãi rác Châu Bình huyện Giồng Trôm; còn lại lượng rác huyện Châu Thành và TP. Bến Tre đưa về Bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri, với khối lượng rác từ 120 - 150 tấn/ngày, với hiện trạng Bãi rác An Hiệp hiện hữu thì không thể tiếp nhận được lượng rác nêu trên.

Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện DA Nâng cấp, cải tạo bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri với tổng kinh phí là 11 tỷ đồng. Đến nay, DA nâng cấp bãi rác hiện hữu đã cơ bản hoàn thành và đã tiếp nhận rác từ tháng 10-2022; khả năng tiếp nhận rác của huyện và của tỉnh đến quý I-2024.

Riêng DA Nhà máy xử lý rác huyện Thạnh Phú do Công ty TNHH Thương mại - dịch vụ - môi trường Rồng Xanh thực hiện. Giai đoạn một của DA đã đầu tư đưa vào vận hành từ năm 2019 và đã xử lý hết lượng rác hữu cơ phát sinh trên địa bàn huyện. Tiến độ triển khai giai đoạn 2 DA còn chậm do phải mở rộng và thực hiện quy trình bổ sung quy hoạch sử dụng đất thêm 4.000m2 để giao cho nhà đầu tư triển khai DA.

A. Nguyệt - C. Trúc - H. Hiệp

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN