Những sự kiện khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nổi bật năm 2022 của tỉnh

17/01/2023 - 11:02

BDK.VN - Ban hành nhiều văn bản quan trọng; Tinh gọn bộ máy; Xây dựng 8 trung tâm điều hành thông minh; Triển khai thí điểm xây dựng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII)... là những sự kiện khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nổi bật năm 2022 của tỉnh.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm nước dừa hữu cơ tại Bến Tre, một trong các sản phẩm đổi mới sáng tạo dựa trên khai thác tài nguyên bản địa địa phương. Ảnh: Cái Mới

Dây chuyền sản xuất sản phẩm nước dừa hữu cơ tại Bến Tre, một trong các sản phẩm đổi mới sáng tạo dựa trên khai thác tài nguyên bản địa địa phương. Ảnh: Cái Mới

1. Ban hành nhiều văn bản quan trọng

UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được tích hợp vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Ban hành Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 13-7-2022 của HĐND tỉnh Quy định mức chi thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 và Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 13-7-2022 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre của HĐND và UBND tỉnh ban hành 2 kế hoạch thực chiến lược KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST), truy xuất nguồn gốc.

2. Tinh gọn bộ máy

Tinh gọn bộ máy, tổ chức KH&CN địa phương theo Quyết định số 23/2022/QĐ-UBND ngày 19-5-2022 về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở KH&CN: Theo đó, thành lập Phòng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (chuyển Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thành phòng chuyên môn thuộc sở); Hợp nhất Văn phòng Sở và Phòng Kế hoạch - Tài chính thành Văn phòng; Hợp nhất Phòng Quản lý Khoa học và Phòng Quản lý KH&CN cơ sở thành Phòng Quản lý khoa học; cơ cấu tổ chức của sở sau khi tổ chức lại gồm 6 phòng và 1 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm KH&CN.

Kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức KH&CN công lập: Thực hiện Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 31-3-2022 của UBND tỉnh về việc thành lập Trung tâm Giống và Hoa kiểng tỉnh Bến Tre trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở hợp nhất Khu Sinh học Cái Mơn, Trung tâm KH&CN thuộc Sở KH&CN vào Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm sắp xếp lại ngành nghề giống cây trồng và hoa kiểng của huyện Chợ Lách trở thành Trung tâm Sản xuất cây giống và hoa kiểng tỉnh.

3. Xây dựng 8 trung tâm điều hành thông minh

Bến Tre đã đưa vào vận hành các đơn vị thông minh như: Trung tâm Giám sát và điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) tỉnh Bến Tre kết nối với Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC) nhằm giám sát an toàn thông tin, cảnh báo, khắc phục các lỗ hổng gây mất an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh; Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh; Trung tâm Điều hành thông minh IOC cấp tỉnh, cấp ngành: giáo dục và y tế, cấp huyện: Bình Đại, Châu Thành và TP. Bến Tre.

4. Triển khai thí điểm xây dựng Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (PII)

Bến Tre là một trong 20 tỉnh, thành phố trong cả nước được Bộ KH&CN chọn thực hiện thí điểm triển khai đánh giá Bộ chỉ số PII. Bộ chỉ số PII đề xuất có 2 nhóm đầu vào, gồm 5 trụ cột: thể chế; vốn con người và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của kinh doanh và đầu ra ĐMST, gồm 2 trụ cột: sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động; 7 trụ cột này có 51 chỉ số thành phần.

Kết quả cho thấy 18 địa phương được lọt vào xếp hạng, chia thành 4 nhóm: Nhóm dẫn đầu 2 địa phương, nhóm 2 có 4 địa phương, nhóm 3 gồm 8 địa phương và 4 địa phương ở nhóm cuối cùng. Trong đó, Bến Tre thuộc nhóm 3 xếp hạng thứ 9/18 tỉnh, thành thí điểm.

5. Tổ chức thành công Ngày hội ĐMST tỉnh Bến Tre năm 2022

Ngày hội ĐMST tỉnh Bến Tre năm 2022 diễn ra với chuỗi sự kiện như: Cuộc thi Hackathon giải pháp, ý tưởng sáng tạo giải quyết vấn đề của địa phương hoặc xã hội; Cuộc thi ĐMST trong doanh nghiệp “Innovation in yourself” đã tiếp nhận hơn 32 giải pháp của các doanh nghiệp tham gia và đã có 9 giải pháp đoạt giải thưởng Cuộc thi ĐMST trong doanh nghiệp tỉnh Bến Tre năm 2022; Diễn đàn CEO Ben Tre Forum “Giải pháp kiến tạo Bến Tre thông minh”; Pitching doanh nghiệp và nhà đầu tư; cùng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo STEM; trưng bày, giới thiệu mô hình ĐMST và chuyển đổi số; hành trình ĐMST “Factory Innovation Tour”. Sự kiện đã thu hút hơn 1.000 lượt người tham dự, hơn 100 doanh nghiệp tham gia triển lãm, trưng bày.

6. Ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương đầu tiên

Bến Tre ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương số 45/2022/QĐ-UBND ngày 12-10-2022 về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của tỉnh Bến Tre ký hiệu: QCĐP 01:2022/BTr và là quy chuẩn kỹ thuật địa phương đầu tiên của tỉnh nhằm công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước, đảm bảo cạnh tranh công bằng, bình đẳng trước pháp luật, bảo hộ và nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm của địa phương, phù hợp với thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia.

7. Địa phương có 6 chỉ dẫn địa lý

Tổng số nhãn hiệu cộng đồng của Bến Tre lên thành 46 nhãn hiệu, trong đó: 31 nhãn hiệu tập thể, 9 nhãn hiệu chứng nhận và 6 nhãn hiệu mang chỉ dẫn địa lý, gồm: Chỉ dẫn địa lý ”Bến Tre” cho sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh, bưởi da xanh, xoài tứ quý, tôm càng xanh, cua biển và ”Cái Mơn” cho sản phẩm sầu riêng.

8. Nhiều kết quả nghiên cứu đạt hiệu quả cao

Nghiên cứu, sưu tầm và số hóa 202 công trình với 1.110 đầu mục về Nguyễn Đình Chiểu ở trong và ngoài nước trong quyển sách Hai trăm năm nghiên cứu Nguyễn Đình Chiểu.

Nghiên cứu các giải pháp phòng trị sâu đầu đen theo hướng sinh học an toàn trên địa bàn tỉnh góp phần kịp thời ngăn chặn sự lây lan sâu đầu đen gây hại cây dừa.

Xây dựng quy trình nuôi thương phẩm cá mú Trân Châu trong ao đất tại tỉnh; nghiên cứu sản xuất nhân tạo giống cua biển với tỷ lệ cua nuôi sống trên 40%, năng suất 2 tấn/ha/vụ, góp phần đa dạng đối tượng nuôi cho vùng nước mặn lợ.

Số sản phẩm đã được thương mại sau khi nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN là 13 sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh: bưởi tách múi đóng khay, vỏ bưởi sấy giòn, nước ép bưởi lên men, mứt tép bưởi, trà túi lọc từ vỏ bưởi, tôm chua lên men, chà bông thịt dè cá chẽm và chà bông tôm sú.

9. Xuất khẩu bưởi da xanh sang thị trường Hoa Kỳ

Bưởi chính thức trở thành loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Mỹ, sau các loại quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Trong đó, Bến Tre đã được cấp 25 mã số vùng trồng bưởi da xanh xuất khẩu sang thị trường EU và Hoa Kỳ (riêng Hoa Kỳ đã được cấp 11 mã số với diện tích trên 156ha, sản lượng 3.135 tấn/năm).

Cái Mới

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích