Những thầy thuốc Đông y tâm huyết với nghề

13/02/2023 - 05:43

BDK - Hội Đông y (HĐY) tỉnh hiện có gần 1,8 ngàn hội viên hoạt động ở 9 hội đông y cấp huyện và 157 tổ chức hội cấp xã. Đa dạng về lứa tuổi và hoàn cảnh sống, cán bộ, hội viên HĐY tỉnh đều tâm huyết với nghề, thực hiện đúng y đức của người thầy thuốc “Lương y phải như từ mẫu”.

Lương y Lý Thanh Long đang điều trị cho bệnh nhân.

Lương y Lý Thanh Long đang điều trị cho bệnh nhân.

Đam mê dịch sách thuốc

Hơn 40 năm hành nghề Đông y, ông Nguyễn Văn Hưởng (xã An Hiệp, huyện Châu Thành) luôn khám, chữa bệnh (KCB) cho bệnh nhân bằng nhiệt tình và tâm huyết của người thầy thuốc. Đến nay, ở tuổi 73, ông vẫn say mê tìm hiểu và dịch các quyển sách hay từ chữ Hán văn ra chữ Quốc ngữ để sử dụng, lưu truyền lại cho đội ngũ lương y trẻ.

Lúc còn nhỏ học tại Trường Trung học công lập Kiến Hòa, ông Nguyễn Văn Hưởng rất thích học môn Hán văn. Về nhà, ông Hưởng thích tìm tòi học hỏi chữ Hán văn qua sách, báo cũ và sưu tầm các loại cây thuốc. Thấy cháu ngoại ham học hỏi, ngoại (nuôi) của ông Hưởng là người có chút hiểu biết về nghề thuốc Nam mới truyền dạy cho ông. Sau đó, ông Hưởng tiếp tục học hỏi những người lớn tuổi ở địa phương và các lớp bồi dưỡng, đào tạo do HĐY tỉnh tổ chức và được chính thức cấp bằng lương y năm 1985.

Trong suốt quá trình hành nghề y và đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có 30 năm là Phó chủ tịch HĐY huyện Châu Thành (1990 - 2020), lương y Nguyễn Văn Hưởng luôn tận tâm cứu chữa cho người bệnh. Thời gian rảnh rỗi, ông tìm hiểu và dịch nhiều bài thuốc hay từ chữ Hán văn ra chữ Quốc ngữ. Các bản dịch của ông đã được bản tin HĐY tỉnh đăng tải, với nhiều bài viết có giá trị. Điển hình như các bài: “Râu tóc” (theo Thọ Thế Bảo Nguyên) đăng trên bản tin HĐY tháng 6-2022; “Hoắc loạn”, “Tiết tả”, “Lỵ tật”, “Ẩu thổ”… (theo Thọ Thế Bảo Nguyên) đăng trên bản tin HĐY tháng 12-2-2022. Lương y Nguyễn Văn Hưởng bộc bạch: “Tôi muốn lưu lại những hiểu biết, kinh nghiệm hay cho ngành Đông y tỉnh để đồng nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ và áp dụng sao cho đạt hiệu quả cao nhất”.

Bác sĩ Phạm Văn Hạnh - Chủ tịch HĐY tỉnh cho biết: Lương y Nguyễn Văn Hưởng là một trong những người sớm tham gia và có nhiều đóng góp cho ngành Đông y tỉnh. Ông là người tâm huyết với nghề, nhất là dịch các bài thuốc hay. Các bản dịch của ông rất có giá trị và đã được đăng trên các bản tin của HĐY tỉnh. Hiện tại, HĐY tỉnh đang hoàn tất công tác chỉnh sửa, xin giấy phép in ấn để lưu hành nội bộ cho cán bộ, hội viên trong tỉnh cùng áp dụng trong KCB”.

Kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại

Hơn 30 năm hành nghề y, lương y đa khoa Lý Thanh Long (67 tuổi), chủ Phòng Chẩn trị y học cổ truyền ở thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành luôn chịu khó học hỏi, đầu tư mở rộng cơ sở với các phương tiện đáp ứng nhu cầu KCB. Hiện ông có vườn trồng nhiều loại thuốc Nam, kho thuốc, trang bị máy móc, dụng cụ bào chế thuốc phục vụ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân tại cơ sở (được cấp giấy phép lưu hành nội bộ). Phòng khám và bốc thuốc được xây dựng khang trang để phục vụ tốt cho bệnh nhân.

Mỗi ngày, phòng chẩn trị của lương y Lý Thanh Long phục vụ KCB hơn 70 lượt người trong và ngoài tỉnh (Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh…). Trong đó, có nhiều trường hợp KCB miễn phí cho bệnh nhân là hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn (trị giá hơn 15 triệu đồng/tháng). Nhiều bệnh nhân đã được cứu chữa kịp thời và luôn biết ơn sự tận tâm của thầy thuốc. Điển hình như trường hợp của chị N.T.K.T (40 tuổi) ở xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc; chị T bị khối u mạch máu não, khớp, thoái hóa cột sống và được gia đình đưa đến vào ngày 30 Tết Quý Mão 2023 trong tình trạng liệt cả người, hôn mê… Sau gần một tháng điều trị, hiện sức khỏe chị đã khá hơn, có thể ngồi và ăn được chút ít.

Trường hợp của ông B.M.N (58 tuổi) ở xã An Phước, huyện Châu Thành (Bến Tre); 8 năm trước, ông bị chứng bụng to, đau khớp chân tay (không thể khom người, co chân để mặc quần dài được); ông đã kiên trì điều trị bằng châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, uống thuốc… Hiện nay, sức khỏe ông đã ổn định, sinh hoạt bình thường và tự chạy xe máy để đi lại.

“Điều khiến cho người thầy thuốc vui mừng nhất là bệnh nhân do mình điều trị khỏi bệnh, nhất là đối với các trường hợp bệnh hiểm nghèo. Thầy thuốc KCB bằng cả lương tâm và trách nhiệm, bệnh nhân tin tưởng và thực hiện đúng theo chỉ dẫn của thầy thuốc thì cơ hội lành bệnh mới cao”, lương y Lý Thanh Long chia sẻ.

Xây dựng cơ sở khám chữa bệnh từ thiện

Lương y Hà Văn Tài - Chủ tịch HĐY xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam là người nhiệt tình với công tác hội. Trong hoạt động KCB, lương y Tài luôn nêu cao đức tính của người thầy thuốc “Lương y phải như từ mẫu” và luôn nhắc nhở đồng nghiệp, hội viên cùng thực hiện tốt.

Với kinh nghiệm hành nghề y lâu năm (năm nay ông Tài 83 tuổi), được chính quyền địa phương tin tưởng và có nhiều uy tín trong nghề nghiệp, ông đã vận động được nhiều người đóng góp ủng hộ để xây dựng cơ sở vật chất HĐY xã. Được UBND xã An Thạnh cấp 54m2 đất, lương y Tài đã vận động xây dựng trụ sở HĐY xã với diện tích sử dụng có 1 tầng trệt, 1 tầng lầu (kinh phí gần 300 triệu đồng). Cũng từ nguồn vận động xã hội hóa, HĐY xã đã mua sắm được các loại máy: xung điện trung tần, điện châm, massage… để phục vụ bệnh nhân ngày càng tốt hơn.

HĐY xã An Thạnh có trên 20 hội viên, đều tích cực trong công tác KCB và các hoạt động xã hội tại địa phương. Hàng năm, hội đóng góp hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện trị giá hàng chục triệu đồng.

Bài, ảnh: Huỳnh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN