Nỗ lực ngăn chặn tội phạm giết người và cố ý gây thương tích

19/04/2023 - 05:39

BDK - 24 người chết, 108 người bị thương là thiệt hại về người trong 27 vụ án giết người, 108 vụ cố ý gây thương tích xảy ra trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh. So với năm 2021, cả 2 loại tội phạm này đều tăng; trong đó, tội phạm giết người tăng 80%, tội phạm cố ý gây thương tích tăng 15,9%. Con số này cho thấy, tình hình tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe có chiều hướng diễn biến phức tạp. Đây là thực trạng rất đáng lo ngại, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này.

Quang cảnh một buổi hòa giải ở xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri.

Quang cảnh một buổi hòa giải ở xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri.

Thực hiện nhiều giải pháp

Qua công tác điều tra xác định nguyên nhân dẫn đến các vụ giết người và cố ý gây thương tích trong năm qua chủ yếu là do mâu thuẫn bộc phát nhất thời chiếm 45%; tranh chấp, mâu thuẫn trong sinh hoạt chiếm 35,7%; côn đồ, băng nhóm chiếm 7%; còn lại là do các nguyên nhân khác. Tỷ lệ án xảy ra ở địa bàn nông thôn gấp đôi so với đô thị; hầu hết giữa đối tượng và nạn nhân có mối quan hệ quen biết. Thượng tá Nguyễn Văn Dũng - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: “Mâu thuẫn bộc phát nhất thời thường nảy sinh trong lao động, sinh hoạt, lúc uống rượu, bia say, kể cả va quẹt giao thông trên đường. Những mâu thuẫn âm ĩ, kéo dài thường là nợ nần, tiền bạc, tranh chấp đất đai, tài sản, ghen tuông, tình ái. Ngoài ra, tình trạng loạn thần, ngáo đá của người sử dụng ma túy xuất hiện ngày càng nhiều. Những nguy cơ này nếu không được ngăn chặn, giải quyết kịp thời sẽ rất dễ dẫn đến hành vi phạm tội”.

Từ việc phân tích, xác định nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, các cơ quan chức năng đã đề ra nhiều giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn. Đối với nguyên nhân do mâu thuẫn bộc phát nhất thời, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và hậu quả của một vụ án mạng hay cố ý gây thương tích là giải pháp chủ yếu nhằm giúp mọi người nêu cao tinh thần tự giác chấp hành pháp luật, tự điều chỉnh bản thân trước những tình huống mâu thuẫn, tranh chấp. Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân lựa chọn những vụ án dư luận quan tâm đưa ra xét xử án điểm để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Bên cạnh đó, lực lượng công an các cấp sẽ tập trung rà soát, đấu tranh phá rã các băng nhóm thanh thiếu niên lưu manh, côn đồ, đưa vào diện quản lý, giáo dục các đối tượng ma túy, hình sự, có tiền án, tiền sự về các tội xâm phạm nhân thân hoặc có khuynh hướng giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực. Với phương châm lấy cảm hóa, giáo dục là chính, lực lượng công an phối hợp với các ngành, đoàn thể thường xuyên tiếp xúc, động viên, giới thiệu việc làm để các đối tượng có điều kiện hòa nhập xã hội, không vi phạm pháp luật.

Đối với những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, có thời gian âm ĩ kéo dài như tranh chấp đất đai, tài sản, ghen tuông, tình ái… thì biện pháp hòa giải, kịp thời tháo gỡ gút mắc có ý nghĩa tích cực trong việc ngăn ngừa phát sinh các vụ việc phức tạp. Hội đồng hòa giải ở cơ sở giữ vai trò rất quan trọng. Ở những địa phương, cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác hòa giải, thường ít khi xảy ra các vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Tăng cường công tác phòng ngừa

Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Công an xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri chia sẻ: “Xác định phương châm phòng ngừa là chính, chúng tôi luôn chú trọng thực hiện công tác quản lý địa bàn, đối tượng; thường xuyên phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, khuyến cáo các bậc phụ huynh nêu cao trách nhiệm quản lý, giáo dục con em. Phối hợp với các ngành, đoàn thể giải quyết dứt điểm các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong nội bộ nhân dân, không để sự việc diễn biến phức tạp”.

Phát hiện, giải quyết được những mâu thuẫn, gút mắc khi mới phát sinh sẽ ngăn ngừa được sự việc tiếp tục diễn biến phức tạp, gây gổ, đánh nhau có thể dẫn đến tội phạm cố ý gây thương tích, thậm chí xảy ra án mạng. Vì vậy, là những người gần gũi, tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, lực lượng công an và các ngành, đoàn thể ở cơ sở cần phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần phòng ngừa tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

“Khi phát hiện mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, đối tượng thuộc đoàn thể nào quản lý thì giao cho đoàn thể đó phối hợp với Công an xã tiến hành xác minh, tìm hiểu, sau đó tổ chức hòa giải một cách thấu tình đạt lý, giúp cho đương sự hai bên thấy rõ đúng sai, giải quyết triệt để mâu thuẫn, xích mích, vun đắp tình làng nghĩa xóm”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri Nguyễn Ngọc Sia, bày tỏ.

Thực tế cho thấy, ranh giới giữa tội phạm cố ý gây thương tích và tội phạm giết người rất mong manh, không kiềm chế được cơn nóng giận chúng ta có thể đẩy sự việc đi quá xa, để lại nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình và xã hội. Vì vậy, mỗi người hãy luôn tự chủ bản thân, giải quyết mọi vấn đề, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống bằng thương lượng, hòa giải dựa trên quy định của pháp luật và đạo đức xã hội, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

“Để góp phần ngăn ngừa tội phạm giết người và cố ý gây thương tích mọi người cần giữ thái đội hòa nhã, tránh có lời nói, ánh mắt khiêu khích nhau, nhất là sau khi đã uống rượu, bia. Các gia đình cần có biện pháp quản lý, giáo dục con em tránh xa ma túy, các trò chơi mang tính bạo lực và tuyệt đối không mang theo hung khí nguy hiểm bên người. Đối với những trường hợp mắc bệnh tâm thần, loạn thần, ảo giác cần sớm đưa đi điều trị. Vợ chồng cần tôn trọng, chung thủy, yêu thương nhau, khi xảy ra mâu thuẫn cần bình tĩnh giải quyết một cách ôn hòa, êm thấm”.

 (Thượng tá Nguyễn Văn Dũng - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh)

Bài, ảnh: Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN