
Bánh tét là một trong những loại bánh không thể thiếu trong mỗi gia đình khi Tết đến, Xuân về. Ảnh Trung Hiếu
Dù má làm rất nhiều thứ cho cả nhà mỗi dịp Tết đến, nhưng có một món mà chị em nhà tôi không sao quên được dù có rất nhiều người làm, hương vị cũng phong phú nhưng không thể so được hương vị má làm, đó là nồi bánh tét của má ngày Tết, nên dù có làm gì, ở đâu, chị em tôi vẫn ăn bánh tét má gói.
Cứ đầu tháng Chạp là má điện thoại dặn “Tụi con trực đợt nào, nhớ sắp xếp về lấy bánh tét cho tụi nhỏ ăn nghen”, vậy là bận cỡ nào cũng có đứa về để lấy bánh tét. Mà cũng lạ, thường nhiều nhà sẽ gói bánh vào ngày mùng 2 Tết, nấu cả ngày để sáng mùng 3 cúng tất, nhưng nhà tôi thì má gói bánh vào trước một ngày cuối năm, nếu tháng đủ Tết có ngày 30 thì má gói bánh vào ngày 29, Tết tháng thiếu thì má gói vào ngày 28, vì má nói “Tết bánh mứt, thịt cá thiếu gì, nếu để mùng 2 mới gói bánh thì chỉ có cúng ông bà thôi chớ ăn làm sao nổi, mới Tết, chưa ngán thịt cá, bánh mứt thì ăn bánh tét mới thấy ngon”.
Và cứ vậy nhà tôi giữ nếp gói bánh tét trước giao thừa vừa cúng ông bà, vừa cho con cháu ăn suốt mấy ngày Tết. Đặc biệt, má tôi lại rất khéo trong việc bếp núc, má gói đến 4 loại bánh tét: Bánh tét nhân đậu xanh (cúng chay), bánh tét nhân đậu xanh - mỡ, bánh tét nhân chuối, bánh tét nhân ngọt, trong các loại bánh tét má gói thì bánh tét nhân ngọt là lạ nhất, có người biết ăn nhưng cũng có người chưa thưởng thức lần nào, bởi làm được một đòn bánh tét nhân ngọt kỳ công hơn các loại bánh tét khác, nhưng bù lại ăn rất ngon, lạ miệng, không ngán và cũng để được lâu như bánh nhân đậu xanh.
Lúc còn nhỏ, mỗi lần gói bánh, má kêu hết mấy chị em ngồi lại, ai biết gói thì gói, ai không biết thì xé lá chuối, lau lá, lựa dây, cột bánh, vừa làm má vừa chỉ từng khâu một, ban đầu là chọn lá chuối, đừng chọn lá quá già vì lá dày khó xếp và bẻ đầu, dễ rách, mủ chuối nhiều làm thâm đen hạt nếp bên ngoài, lá quá non thì nhanh héo, mỏng nấu lâu sẽ bị nong nước nhão bánh, dây buột bánh tét thì má chọn cọng chuối nào to rọc lấy sống lá rồi chẻ nhỏ lại hay dùng sống lá chuối nước (mọc ở mé sông) hoặc dây lát phơi khô để sẵn khi nào gói bánh đem ngâm nước là có dây vừa dẻo dễ cột vừa đánh bính đòn bánh (gom các cọng dây cột đòn bánh lại) rất đẹp, rồi đến chuẩn bị chọn nếp, nếp mùa ở nhà cấy vào mùa thuận, gần Tết là thu hoạch, phơi khô đem máy chà (xay xát), sau đó sàng tách tấm ra riêng chỉ chọn hạt nếp nguyên. Phần nếp gói các loại bánh tét đều chuẩn bị như nhau, khi nào gói bánh thì ngâm khoảng một tiếng rối rút sạch (vo nếp) để ráo nước và xào nếp với nước cốt dừa, thêm chút muối, đường, chút hành lá hoặc lá dứa (tùy thích) xào đến khi nào những hạt nếp bóng mượt nước cốt dừa và quyện lại với nhau là được. Thường thì bánh đậu, bánh chuối chuẩn bị nguyên liệu gói bánh sẽ nhanh hơn, nhưng bánh tét nhân ngọt thì chuẩn bị khá lâu, nhất là khâu làm nhân bánh: Má chọn dừa cứng cạy (nạo xác dừa dẻo dẻo là được), đậu xanh nấu chính, khô và đánh nhuyễn, đâu phộng rang đâm nhỏ. Cách làm: cho đường vào chảo nấu cho tan ra, cho dừa đã nạo và bằm nhuyễn vào, bắt lửa nhỏ và trộn đều tay thấy hơi dính đường thì cho đậu xanh vào trộn đều đến khi nào dừa, đậu, đường quyện lại, nặng tay thì để đậu phộng vào đảo thật đều tay bắt xuống để nguội, vo thành những đòn như đòn bánh tét nhỏ và khi gói bánh thì để phần nhân ngọt vào giữa và gói như gói bánh tét bình thường. Bánh tét nhân ngọt cột dây vừa tay, nghĩa là không cột quá chặt và nấu bánh cũng nấu lâu như bánh nhân đậu thì bánh mới chín đều và dẻo thơm từ trong nhân đến phần nếp bên ngoài, vì vậy mà bánh để lâu cả tuần không bị hư.
Làm được một nồi bánh tét ngày Tết phải có sự chuẩn bị trước vài ba ngày, rất vất vả và có phần “chuyên nghiệp”, nhưng làm được những đòn bánh tét nhân ngọt còn vất vả hơn, phải trải qua nhiều công đoạn và rất kỳ công, từ khi bắt đầu đến lúc bánh chín cắt bánh ra, nhìn khoanh bánh tét ngọt có màu hạt dẻ rất đẹp, lạ mắt, nhìn đã thấy ngon, ăn không ngán nhờ vị béo của đậu xanh, của dừa, đậu phộng, vị ngọt của đường, mùi thơm lừng của lá dứa không lẫn với bất kỳ loại bánh tét nào và chỉ có những người mẹ đảm đang, chịu thương chịu khó như má ở xứ dừa để pha trộn các nguyên liệu (nếp, dừa, đường, đậu và tình yêu thương) để làm nên một loại bánh tét vừa dân dã nhưng cũng rất cao cấp mỗi độ Tết đến, Xuân về.
Kim Loan