Nỗi niềm phạm nhân trước ngày đặc xá

04/09/2024 - 05:39

BDK - Đặc xá là chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, 4 phạm nhân đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh và Nhà tạm giữ Công an các huyện, thành phố đủ điều kiện được đề nghị xét đặc xá. Khoảng thời gian này, tâm trạng những người trong cuộc đan xen nhiều cảm xúc, vừa vui mừng, hạnh phúc, vừa hồi hộp chờ đợi ngày được nhận quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.

Cán bộ quản giáo trò chuyện với phạm nhân sau giờ lao động.

Trong thư gửi vợ, phạm nhân Phạm Thanh Tú, sinh năm 1981, quê quán xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, hiện đang chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh có đoạn viết: “Anh sắp được về nhà rồi. Đợt này anh được xét đặc xá. Anh mừng lắm, vui lắm, anh mong sớm ngày được về với vợ con, với gia đình và ba mẹ hai bên”.

Cuối năm 2023, anh Tú bị kết án 18 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Khoảng thời gian đầu chấp hành án, anh Tú luôn cảm thấy bi quan, chán nản và mặc cảm với hành vi sai trái của mình. Chính nhờ sự quan tâm, động viên, giáo dục của cán bộ quản giáo và gia đình, anh dần tìm lại niềm tin trong cuộc sống, phấn đấu lao động, cải tạo tốt để được khoan hồng, sớm ngày trở về đoàn tụ gia đình, bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới. Anh Tú chia sẻ: “Tôi thật sự rất ân hận về hành vi sai trái của mình trước đây. Giờ tôi chỉ mong sớm ngày được trở về, làm lại cuộc đời, tìm một công việc phù hợp, cố gắng nuôi dạy hai con nên người”.

Có tên trong danh sách đề nghị đặc xá nhân dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, phạm nhân Tô Linh Sang, sinh năm 1988, ngụ xã Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre, đang chấp hành án tại Nhà tạm giữ, Công an huyện Mỏ Cày Bắc, đếm từng ngày trôi qua mong được cầm trên tay quyết định của Chủ tịch nước, để biết chắc chắn rằng mình sẽ được đặc xá tha tù trước thời hạn, được về với gia đình, vợ con.

Trước đây, do thiếu hiểu biết pháp luật, Sang đã tìm hiểu các video hướng dẫn chế tạo súng, sau đó mua linh kiện về lắp ráp và rao bán trên mạng. Tô Linh Sang bị tuyên án 3 năm tù về tội “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”. Trong thời gian chấp hành án, Sang luôn cảm thấy hành vi sai trái, nguy hiểm của mình xứng đáng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng ray rứt nhất là đã tạo gánh nặng cho gia đình và con cái phải sống xa cha khi còn quá nhỏ.

Được đặc xá tha tù trước thời hạn là ước mơ và mục tiêu phấn đấu của hầu hết những người đã sa vào vòng lao lý. Phạm nhân Trần Trọng Thảo, sinh năm 1983, ngụ thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm đang chấp hành bản án 9 tháng tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” cũng không ngoại lệ. Nhìn những người sắp được đặc xá, anh Thảo có thêm động lực để phấn đấu sửa đổi bản thân, mong sớm ngày trở về để bù đắp lại những lỗi lầm trong quá khứ, từ bỏ thói hư, tật xấu, chí thú làm ăn, trở thành điểm tựa cho gia đình. Anh Thảo bày tỏ: “Nhìn những trường hợp được xét đặc xá tôi cũng có thêm động lực phấn đấu lao động, cải tạo tốt để được xem xét khoan hồng”.

Với chính sách nhân đạo, khoan hồng, nhằm cải sửa, uốn nắn những người từng lầm đường, lạc lối, Ban giám thị và cán bộ quản giáo luôn quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho phạm nhân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đồng thời đảm bảo các chế độ, điều kiện ăn ở theo quy định, định kỳ được gặp gỡ thân nhân để phạm nhân yên tâm lao động, cải tạo, tiếp thêm nghị lực phấn đấu vươn lên.

Thượng tá Hồ Thị Nhớ - Phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết: “Trại tạm giam đã niêm yết công khai Quyết định đặc xá năm 2024, phổ biến cho các phạm nhân quy định về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn được xét và hướng dẫn phạm nhân viết đơn đề nghị xét đặc xá. Bên cạnh đó, Trại tạm giam đã tư vấn hướng nghiệp, giáo dục pháp luật, để tạo điều kiện cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng”.

 Bài, ảnh: Đăng Khoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN